Vào nội dung chính
PHỎNG VẤN

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ bị truất phế : Khủng hoảng nội bộ bên đảng Cộng Hòa

Ngày 03/10/2023 chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy bị « truất phế ». Lần đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ, nhân vật quan trọng thứ ba trên sân khấu chính trị bị bất tín nhiệm. Tháng Giêng 2023 dân biểu bang California này đã phải vượt qua 15 vòng phiếu mới trúng cử chức chủ tịch Hạ Viện và cũng chỉ giữ được chiếc ghế quyền lực này trong vỏn vẹn 9 tháng.

Dân biểu bang California, Kevin McCarthy (người đi đầu) vừa mất chức chủ tịch Hạ Viện Mỹ. Ảnh ngày 05/10/2023.
Dân biểu bang California, Kevin McCarthy (người đi đầu) vừa mất chức chủ tịch Hạ Viện Mỹ. Ảnh ngày 05/10/2023. AP - Mark Schiefelbein
Quảng cáo

Dân biểu Cộng Hòa của bang Florida Matt Gaetz là nhân vật chủ chốt khép lại nhiệm kỳ ngắn ngủi của ông Kevin McCarthy

Đâu là những hậu quả từ việc Hạ Viện Mỹ trong thế vô chủ từ nhiều ngày qua đối với đời sống chính trị Hoa Kỳ, đối với đảng Cộng Hòa, hơn một năm trước bầu cử tổng thống ? RFI mời nhà báo Phạm Trần từ thủ đô Washington phân tích.

08:28

Phỏng vấn nhà báo Phạm Trần-Washington

 

Nhà báo Phạm Trần : « Điều đầu tiên là chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy bị truất phế do cánh bảo thủ bên đảng Cộng Hòa không đồng ý với đường lối thỏa hiệp của McCarthy với bên đảng Dân Chủ để thông qua dự luật ngân sách tránh cho nước Mỹ bị ‘shutdown’, đó là thỏa hiệp tạm thời có hiệu lực trong 45 ngày. (…) Cánh bảo thủ bên Cộng Hòa đòi cắt viện trợ cho Ukraina, đòi cắt giảm các khoản chi tiêu xã hội, vì họ cho rằng kinh tế Mỹ không tốt đẹp như mong muốn để có thể hào phóng trong ngân sách. Việc truất phế chủ tịch Hạ Viện gây ra hậu quả : phải đến tuần tới đảng Cộng Hòa mới chỉ định người ra thay thế ông McCarthy. Tuy nhiên hiện đang có nhiều người tranh nhau chiếc ghế chủ tịch Hạ Viện. Các ứng viên không có đường lối rõ ràng là họ sẽ tìm đồng thuận với phe Dân Chủ, với chính các thành phần đảng viên của bên Cộng Hòa ở Quốc Hội (Thượng và Hạ Viện) để chuẩn bị trước cuộc bầu cử Mỹ năm 2024 (…) Trước mắt Hạ Viện bị tê liệt, các đạo luật về kinh tế, về đầu tư, về đầu tư trực tiếp nước ngoài bị đình trệ ».   

RFI :  Giờ đây ai có thể thay thế ông McCathy vào ghế chủ tịch Hạ Viện và hơn thế nữa có những gương mặt nào có đủ tầm cỡ đại diện cho đảng Cộng Hòa ra tranh cử tổng thống vào tháng 11/2024 ?  

Nhà báo Phạm Trần : « Thật sự, tôi đếm được chừng khoảng mười người, nhưng ai cũng có nhu cầu chính trị của cá nhân, của địa phương mình. Họ không đáp ứng nhu cầu chung về chính trị của nước Mỹ hay của đảng Cộng Hòa nói chung. Thành thử hiện tại chúng ta có thể kết luận rằng đảng Cộng Hòa đang bị chia rẽ trầm trọng ở Hạ Viện, mà ở bên Thượng Viện cũng vậy ».

RFI :  Kevin McCarthy mất ghế chủ tịch Hạ Viện vì một nhóm dân biểu có đường lối cứng rắn nhất và nhiều người cho rằng cái bóng của cựu tổng thống Trump vẫn còn quá lớn trên chính trường Mỹ đặc biệt là đối với bên đảng Cộng Hòa ?

Nhà báo Phạm Trần : « Thật sự ra, cuộc đấu tranh nội bộ này tạo nền tảng cho bên cánh bảo thủ của đảng Cộng Hòa, mà vô hình chung, người có ảnh hưởng rất lớn là cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Cánh bảo thủ này muốn cản đường Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Họ bất đồng với bất kỳ một ai muốn thỏa hiệp với bên đảng Dân Chủ và nạn nhân đầu tiên của cánh bảo thủ này lại là dân biểu Cộng Hòa, Kevin McCarthy ».

RFI :  Nhìn từ Pháp, điều khó hiểu là một mình phe Cộng Hòa không hội đủ phiếu bất tín nhiệm ông McCarthy mà phải cần đến lá phiếu của cả đảng Dân Chủ. Vậy chẳng lẽ bên đảng Dân Chủ không ý thức được rằng, người thay thế McCarthy có thể là còn bảo thủ hơn và khó đối thoại hơn trong lúc mà chính tổng thống Biden và McCarthy đã đồng ý là sẽ thỏa hiệp với nhau về nhiều hồ sơ quan trọng, như là ngân sách viện trợ cho Ukraina ?

Nhà báo Phạm Trần : « Vì đảng Dân Chủ muốn thắng cử sang năm, muốn kiểm soát Hạ Viện nhất là giành lại ghế chủ tịch, bởi đây là một chức vụ hết sức quan trọng (…). Về phía Cộng Hòa, đảng này không hội đủ số phiếu để truất phế ông McCarthy. Do vậy, bên Dân Chủ nhân cơ hội này ‘đục nước béo cò’, họ nhẩy vào để hạ bệ Kevin McCarthy mà không cần biết người kế nhiệm McCarthy sẽ như thế nào. Tuy nhiên theo truyền thống, bất cứ đảng nào chiếm đa số ở Hạ Viện thì cũng phải thỏa thuận với bên đối lập để thông qua các dự luật …Chính vì thế mà McCarthy đã bắt buộc phải hợp tác với đảng Dân Chủ do dù là không muốn chút nào (…) ».

RFI :  Xin một câu hỏi chót, những đấu đá trong nội bộ của bên đảng Cộng Hòa, rồi cuộc đương đầu quyết liệt giữa đa số ở Hạ Viện Mỹ với bên Hành Pháp làm dấy lên câu hỏi Hoa Kỳ có tiếp tục viện trợ quân sự giúp Ukraina chống Nga xâm lược hay không ? Nước Mỹ luôn khẳng định là một cột trụ bảo vệ các giá trị dân chủ, tự do … Vậy uy tín của Hoa Kỳ có bị sứt mẻ thêm nữa khi mà người Mỹ đặt quyền lợi của chính họ lên trên hết ?

Nhà báo Phạm Trần : « Điều đó rất đúng. Cái uy tín của Mỹ đã mất đi từ thời tổng thống Donald Trump với chủ trương một nước Mỹ co cụm lại, không muốn hợp tác với đồng minh, từ ở Âu châu sang Á châu. Donald Trump muốn Nước Mỹ Trên Hết, chỉ để giành quyền lợi cho người Mỹ. Đường lối đó ảnh hưởng sâu đậm cho đến thời ông Joe Biden lên cầm quyền. Chưa hết nhiệm kỳ Biden mà chính quyền đã gặp rất nhiều khó khăn : khó khăn về hồ sơ Ukraina, khó khăn vì kinh tế toàn cầu, vì tranh chấp về kinh tế với Trung Quốc, rội có vai trò của nước Nga, rồi lại có những khủng hoảng ở Biển Đông, … Do vậy Joe Biden đang tìm cách tạo được ổn định chính trị ở tại nước Mỹ. Vì vậy tuần vừa rồi, ông đã đọc một bài diễn văn và đã bất ngờ tấn công Donald Trump với hai mục đích, một là tấn công phe Donald Trump và hai là vận động tranh cử. Joe Biden cũng đã tuyên bố ra ứng cử vào sang năm. Từ giờ trở đi, nước Mỹ sẽ có rất nhiều chuyện hào hứng đối với báo chí. Trump và Biden lại tái diễn màn đấu với nhau trên sân khấu chính trị Hoa Kỳ ».  

RFI xin thành thực cảm ơn nhà báo Phạm Trần từ Washington    

 

 

 

08:28

Phỏng vấn nhà báo Phạm Trần-Washington

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.