Vào nội dung chính
HOA KỲ - SHUTDOWN

Viễn cảnh Hoa Kỳ bị tê liệt vì ngân sách cận kề

Ngày 30/09/2023 là hạn chót để Quốc Hội lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật ngân sách cho giai đoạn từ 01/10/2023 đến 30/09/2024. Trước mắt văn bản nói trên vẫn chưa vượt qua được cửa ải của Hạ Viện, nơi đảng Cộng Hòa chiếm đa số. Đảng này đang lao vào một cuộc đấu đá nội bộ quyết liệt, do cánh cực đoan nhất cương quyết từ chối thông qua gói viện trợ quân sự 24 tỷ đô la cho Ukraina.

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, phát biểu với các phóng viên về nỗ lực thông qua các dự luật ngân sách và ngăn chặn nguy cơ chính phủ phải "đóng cửa", tại Điện Capitol ở Washington, ngày 29/09/2023.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy, phát biểu với các phóng viên về nỗ lực thông qua các dự luật ngân sách và ngăn chặn nguy cơ chính phủ phải "đóng cửa", tại Điện Capitol ở Washington, ngày 29/09/2023. AP - J. Scott Applewhite
Quảng cáo

Nếu như đến 00 giờ đêm nay, đàm phán vẫn bế tắc, nước Mỹ sẽ bị tê liệt về ngân sách. Theo thông tín viên RFI Guillaume Naudin từ Washignton, viễn cảnh này gần như là “không tránh khỏi” : 

“12 giờ đêm Thứ Bảy hôm nay tại Washignton, có thể là đã quá trễ. Thực ra, có nhiều khả năng là đã quá muộn. Không chỉ có những chia rẽ quá sâu giữa bên Thượng Viện do đảng Dân Chủ kiểm soát với bên Hạ Viện, nơi mà đảng Cộng Hòa chiếm đa số, mà ngay cả ở Hạ Viện, đảng Cộng Hòa đang xâu xé lẫn nhau. Những thành phần cực đoan nhất bên Cộng Hòa chơi trò thọc gậy bánh xe bằng cách đứng về phía đảng Dân Chủ, để chống lại một đề xuất về tài chính mang tính ngắn hạn, cho dù đề xuất này dự trù cắt giảm đến 30% các khoản chi tiêu, không kể những khoản liên quan đến ngân sách của bên quân đội.

Phe bảo thủ cực đoan đã giải thích là họ chỉ ủng hộ một dự luật tài chính mang tính lâu dài và đáp ứng những đòi hỏi họ coi là ưu tiên mà thôi. Có lẽ là cánh bảo thủ này hài lòng khi thấy chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy khốn đốn vì đề xuất do chính ông đã đưa ra. Kevin McCarthy đã được bầu vào chức vụ chủ tịch Hạ Viện là nhờ có lá phiếu của những dân biểu Cộng Hòa có lập trường bảo thủ nhất.

Trong mọi trường hợp, dự luật về ngân sách liên bang sẽ không thể vượt qua được cửa ải của Hạ Viện để được trình lên đến Thương Viện. Đành rằng, hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa đã đạt được một đồng thuận về ngân sách liên bang nhưng đồng thuận này bao gồm luôn cả những khoản chi tiêu quan trọng trong ngắn hạn, thí dụ như là để khắc phục hậu quả thiên tai hay các khoản viện trợ quân sự cho Ukraina. Thế nhưng những thành phần cực đoan nhất của bên đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện đòi xem xét lại trợ cấp quân sự cho Ukraina.

Tình hình hoàn toàn bế tắc và khó mà tránh khỏi tình trạng Hoa Kỳ bị tê liệt về ngân sách. Hàng trăm ngàn nhân viên của chính quyền liên bang sẽ tạm thời bị thất nghiệp và không được lãnh lương. Một số quân nhân Mỹ và những người đang nhận trợ cấp xã hội cũng vậy.

Trước mắt khó có thể tính đến khả năng các bên nhanh chóng tìm ra một giải pháp”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.