Vào nội dung chính
MAROC ĐỘNG ĐẤT - PHÁP

Vì sao Maroc từ chối trợ giúp của Pháp sau động đất ?

Ngay sau khi trận động đất lớn xảy ra khiến hơn 2.800 người thiệt mạng ở Maroc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã sốt sắng đề nghị trợ giúp khẩn cấp nhưng Rabat bỏ qua. Trong khi đó, Maroc chấp nhận ngay lập tức sự giúp đỡ của bốn nước, Tây Ban Nha, Anh Quốc, Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. Thái độ của Rabat gợi lên những câu hỏi: Vì sao Maroc lạnh nhạt với Pháp? Tại sao lại chỉ có 4 quốc gia được chấp nhận?

Trại đóng quân của đơn vị cứu hộ động đất Tây Ban Nha tại  Amizmiz, gần Marrakech, Maroc, ngày 11/09/2023.
Trại đóng quân của đơn vị cứu hộ động đất Tây Ban Nha tại Amizmiz, gần Marrakech, Maroc, ngày 11/09/2023. AP - Mosa'ab Elshamy
Quảng cáo

Một số người coi đây là sự sỉ nhục đối với Pháp, có nguyên nhân từ quan hệ rất căng thẳng với Maroc, xung quanh các vấn đề về nhập cư, di dân, Tây Sahara và liên quan đến cả quan hệ với Algeri. Theo Pierre Vermeren, nhà sử học tại Sorbonne, sự chọn lọc của Rabat mang "dấu hiệu chính trị rõ ràng" .

Đầu tuần này, ngọi trưởng Pháp cố gắng giảmm thiểu tầm mức chính trị liên quan đến sự lựa chọn của Rabat. Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình Pháp BFMTV, bà Catherine Colona khẳng định “ Maroc không từ chối bất kỳ sự giúp đỡ hay đề nghị nào” và bà nhấn mạnh, Maroc là “quốc gia có chủ quyền”, chỉ có họ mới có thể xác định được nhu cầu và tiến độ cứu trợ ra sao để đáp ứng với tình hình.

Thực tế, chính quyền Maroc vẫn chưa trả lời chính thức đề nghị trợ giúp của Paris, cũng như của nhiều nước khác như Hoa Kỳ hay Israel. Bộ trưởng Nội Vụ Maroc đã giải thích, chính quyền Rabat đang “ tiến hành đánh giá cẩn thận nhu cầu thực tế, tính đến việc điều phối sao cho việc cứu trợ không gây phản tác dụng”.

Ông Jean-François Corty, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Chiến lược và Quốc tế Pháp (Iris) giải thích trên đài RFI hôm thứ Hai tuần này: “Maroc ngày nay có khả năng ứng phó với tình huống khẩn cấp ngay lập tức. Chúng ta biết rằng trong giai đoạn cứu trợ, nhiều viện trợ quá sẽ triệt tiêu viện trợ do các vấn đề điều phối nảy sinh”. Trong trường hợp hiện tại, khó khăn chính trong việc cứu trợ không phải là thiếu sự giúp đỡ mà là việc tiếp cận các ngôi làng bị ảnh hưởng, chủ yếu nằm ở khu vực miền núi, xung quanh tâm chấn của trận động đất.

Tình hình khiến Maroc rơi vào tình thế phải dựa vào một số đối tác, nhưng có chọn lọc và Pháp không nằm trong sự lựa chọn đầu tiên đó. Tuy nhiên, các tổ chức phi chính phủ và tình nguyện viên cũng như hàng cứu trợ của Pháp đã có mặt ở vùng bị nạn của Maroc. Một số đã đến ngay sau trận động đất xảy ra, số khác vẫn tiếp tục trên đường đến. Paris vẫn luôn “ sẵn sàng với Maroc”. bà Catherine Colonna nhắc lại hôm thứ Hai, đồng thời bà khẳng định sẽ gửi viện trợ trong trường hợp có yêu cầu chính thức từ Rabat.

Chính phủ Maroc cho biết họ phải xem xét tình hình trước khi nhận viện trợ bổ sung. Do có những thách thức về hậu cần, lựa chọn như cầu có mục tiêu rõ ràng.... Nhưng đằng sau lời giải thích chính thức này còn hàm chứa những vấn đề địa chính trị khác.

Nhận cứu trợ có chọn lọc

Việc chấp nhận sự hỗ trợ ngay từ đầu của 4 quốc gia đã được chính quyền Rabat cân nhắc và có mang thông điệp nhất định. Với Tây Ban Nha, đó là điều rất tự nhiên, vì theo chuyên gia Luiz Martinez, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế ( CERI) tại Pháp, Rabat có “ quan hệ rất tốt đẹp” với Madrid thời gian gần đây. Còn Qatar và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, “ là hai quốc gia Ả Rập bạn hữu” có quan hệ mật thiết với Maroc. Cuối cùng là Vương quốc Anh, có thể vì lý do mang tính biểu tượng. Luân Đôn có lợi thế là không còn là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu (EU), trong khi EU và Maroc đang mâu thuẫn vì vụ bê bối Qatargate⁠ và lập trường trong vấn đề gai góc liên quan đến chủ quyền ở Tây Sahara.

Quả thực Pháp, một quốc ra có quan hệ lâu đời với Vương Quốc này đồng thời là nước có nhiều kinh nghiệm trong việc can thiệp cứu trợ cứu hộ trong các thảm họa lớn, chưa kể đến sự thuận lợi trong ngôn ngữ giao tiếp ( đại đa số người Maroc vẫn sử dụng tiếng Pháp như là ngôn ngữ thông dụng), mà lại không được Maroc lựa chọn thì đúng là có vấn đề.

Thực tế từ nhiều tháng nay, Maroc và Pháp đã không nói chuyện với nhau. Rabat  thậm chí còn triệu hồi đại sứ của mình tại Paris. Bà Béatrice Hibou, giám đốc nghiên cứu tại Viện Khoa Học Quốc Gia Pháp (CNRS), nhận xét: Một cuộc khủng hoảng nhân đạo “có thể dẫn đến việc xích lại gần nhau hoặc lộ rõ những bất đồng nhỏ giữa các quốc gia, và điều này rõ ràng là đúng ở đây”.

Quan hệ Paris -Rabat xuống cấp

Nhiều lý do giải thích  tình trạng xuống cấp trong quan hệ Pháp-Maroc. Trước hết là thái độ của tổng thống Emmanuel Macron đối với vương quốc ở Bắc Phi này. Theo chuyên gia Béatrice Hibou, tổng thống Pháp “đã làm xấu đi mối quan hệ với Maroc bởi có những thái độ đôi khi kiêu ngạo. Nếu thái độ này của ông đã không thể chấp nhận ở Pháp, thì điều đó lại càng tồi tệ hơn ở các nước thuộc địa cũ”. Sau đó là những vấn đề cụ thể hơn, chẳng hạn như vấn đề Tây Sahara. Maroc chỉ trích Pháp vì không công nhận chủ quyền của nước này đối với Tây Sahara mà Maroc đòi hỏi chủ quyền. Trên thực tế, Paris gần đây có vẻ như muốn phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Algeri, nước ủng hộ phong trào Polisario đang đấu tranh cho nền độc lập của khu vực tây Sahara.

Sự phẫn nộ của người Maroc cũng có thể được giải thích là do chính sách đóng cửa của Pháp hạn chế cấp thị thực cho du khách Maroc, đã giảm một nửa vào năm ngoái. Cuối cùng, điện Élysée tiếp tục hoãn cuộc gặp của Tổng thống Emmanuel Macron với Quốc vương Maroc Mohamed VI. Trên phương diện ngoại giao, đây không hẳn là một dấu hiệu của sự tôn trọng. Thêm vào đó là cuộc khủng hoảng liên quan đến Pegasus cùng những cáo buộc Maroc có can dự vào các vụ nghe lén điện thoại của tổng thống Emmanuel Macron.

Nhà nghiên cứu Béatrice Hibou tóm tắt, chính tổng thống “Macron đã thực sự làm suy giảm mối quan hệ với Maroc giống như cách ông ấy làm suy thoái mối quan hệ với các nước khu vực Sahel vì thái độ kiêu ngạo của mình”. Những cách cư xử mà Maroc khó có thể chấp nhận được như vậy, đã phần nào giải thích cho việc từ chối viện trợ của Pháp. “Đó là cách nói với Pháp rằng : các vị không còn là quốc gia ưu tiên nữa và do đó các vị hãy chờ, giống như những quốc gia khác”, bà Hibou nói thêm.

Ngoài sự lạnh nhạt ngoại giao, việc Maroc từ chối Pháp còn là biểu hiện của một mong muốn “phi thực dân” nào đó. Một trào lưu có thể quan sát được trong khoảng mười năm gần đây, không chỉ ở Maroc mà còn ở nhiều thuộc địa cũ đang tìm cách thoát khỏi vòng ảnh hưởng, kiểm tỏa của các nước thực dân trước đây của mình để giành lại toàn bộ chủ quyền của mình. François Audet, giáo sư tại Trường Khoa học Quản lý thuộc Đại học Quebec ở Montréal và là giám đốc Đài quan sát Canada về Khủng hoảng Nhân đạo nhấn mạnh: “Những gì chúng ta thường thấy là khi các tổ chức viện trợ nước ngoài đến, họ sẽ nắm quyền kiểm soát theo đúng nghĩa đen...Tuy nhiên, các quốc gia ở Nam bán cầu không còn muốn điều đó nữa. Nó được ghi lại. Đây là những gì mà người ta gọi là phi thực dân hóa viện trợ nhân đạo…”

Tuy nhiên, phản ứng chính thức từ Paris sau đề xuất viện trợ bị Rabat từ chối được đánh giá là đàng hoàng và đúng tầm mức. Paris vẫn quyết định chi 50 triệu euro cho nạn nhân động đất ở Maroc, nhưng thông qua các tổ chức nhân đạo phi chính phủ. Chuyên gia Luiz Martinez nhận xét: “ Việc nói rằng chúng tôi sẵn sàng, quyết định là tùy các vị, đó là phản ứng nên có”.

Theo bà Hibou, nhu cầu lớn nhất của người dân Maroc sẽ là về lâu dài, khi công cuộc tái thiết đất nước diễn ra. “Và lúc đó, tất cả viện trợ quốc tế có thể đến Maroc…”

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.