Vào nội dung chính
NGA - UKRAINA - ĐÔNG Á - AN NINH MẠNG

Đông Á rút ra những bài học gì về xung đột mạng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraina ?

Cuộc chiến do Nga phát động chống lại Ukraina hồi tháng 02/2022 không chỉ là cuộc chiến thuần túy về mặt quân sự, an ninh mạng dường như cũng là một yếu tố không thể làm ngơ. Trang mạng Nhật The Diplomat, hôm 01/08/2023, có bài viết nói về những “xung đột mạng” sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các nước trong khu vực Đông Á, và các quốc gia này rút ra được bài học gì từ cuộc chiến tranh Ukraina. RFI xin giới thiệu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa. © Pixabay/Geralt
Quảng cáo

Việc Nga lại xâm lược Ukraina vào năm 2022 đang là cơ sở thử nghiệm thiết thực cho những lý thuyết đương đại về chiến tranh và an ninh mạng. Các nhà phân tích nhận định rằng khu vực châu Á-Thái Bình Dương nên quan tâm chú ý đến diễn biến của cuộc xung đột để rút ra những bài học quan trọng. Nhiều người nghĩ rằng sẽ có một cuộc cách mạng trong chiến tranh, được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo tiên tiến hoặc các cuộc tấn công mạng. Thay vào đó, cuộc chiến này đã chứng minh tầm quan trọng của các cuộc oanh kích có độ chính xác cao, một công nghệ thời Chiến tranh Lạnh. Cuộc xung đột đã quay trở lại thành một cuộc chiến tranh tĩnh, cổ điển, đã diễn ra từ thiên niên kỷ trước. Điều này khiến các công nghệ “mũi nhọn” hiện tại và tương lai sử dụng không gian mạng không có vai trò lớn trong việc tác động đến xung đột.

Khi các chuyên gia không ngừng chú ý đến chiến tranh mạng, việc không đánh giá đúng vai trò của công nghệ trong xung đột đương đại đang trở nên rất rõ rệt. Các nhà quan sát đã không thấy được những tiến bộ quan trọng trong chiến tranh, mà tin vào sức hút của các công nghệ đột phá mới. Ngay cả các nhà phân tích của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng đánh giá rằng Nga đã thực hiện một “cuộc tấn công mạng chóng vánh”, một đợt tấn công chớp nhoáng mở đường cho quân đội khi chiến tranh nổ ra. Để đánh giá về những kỳ vọng này, cũng như nhận định chính xác hơn về vai trò của cạnh tranh không gian mạng, nhóm nghiên cứu đã định lượng các cuộc tấn công, mục tiêu bị tấn công và phương pháp đi kèm.

Trong một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) được công bố gần đây, các nhà nghiên cứu thấy được những bằng chứng đáng kể về sự gia tăng của các xung đột mạng gắn liền đến cuộc chiến, nhưng lại có rất ít hoạt động mạng quan trọng. Hơn nữa, hầu như Nga cũng không có thay đổi đáng kể nào về các mục tiêu tấn công hay phương pháp hành động vào thời điểm trước và trong cuộc xung đột. Các nhà phân tích ở khu vực châu Á nên quan tâm vào các khoản đầu tư quan trọng giúp làm giảm tác động của công nghệ trên chiến trường.

Tài liệu về hoạt động mạng ở Ukraina

Việc thu thập dữ liệu về các hoạt động mạng trong chiến tranh Nga-Ukraina rõ ràng là khả thi. Quá chú trọng vào các thông tin được phương tiện truyền thông đưa hồi đầu cuộc chiến là một sai lầm phổ biến vì những thông tin này thường không đầy đủ. Thay vào đó, các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin đại chúng về những hoạt động quân sự do Ukraina và Microsoft công bố để nghiên cứu về các cuộc tấn công đang diễn ra trong cuộc xung đột.

Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến Nga-Ukraina, đã có 47 sự cố mạng với mức độ nghiêm trọng trung bình là 2,45 trên thang điểm từ 1 đến 10 (với 0 là không có hoạt động mạng và 10 là sự cố mạng có khả năng dẫn đến cái chết hàng loạt). Nhìn chung, mức độ nghiêm trọng của những sự cố mạng đã giảm nếu so sánh với thời kỳ trước khi nổ ra chiến tranh. Trong giai đoạn 2014-2020, các hoạt động không gian mạng là một công cụ hữu ích trong việc tung hỏa mù, tránh bị quy kết và phòng ngừa leo thang. Tuy nhiên, khi xung đột bắt đầu trên quy mô lớn, các đặc tính này ít nổi trội và vũ khí hủy diệt quy ước vẫn là chiến thuật quân sự được ưa chuộng.

Khi các hoạt động mạng cuối cùng lại trở thành một phiên bản yếu ớt của ngoại giao cưỡng bức, những “tín hiệu không đắt” này không có đủ khả năng để tác động đến một mục tiêu. Cũng không có sự nhượng bộ nào được ghi nhận thông qua việc thay đổi mục tiêu trong các cuộc xung đột mạng giữa Ukraina và Nga, cả trước và trong chiến tranh. Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng Nga còn không nhắm mục tiêu vào quân đội Ukraina, thay vào đó, vẫn tiếp tục tập trung vào các mục tiêu dân sự.

Dựa trên các báo cáo của Microsoft về cuộc chiến, giới chuyên gia đã nghĩ rằng các hoạt động mạng sẽ phối hợp với các hoạt động quy ước - dưới hình thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực – hỗ trợ hoặc bổ sung cho các nỗ lực chung của Nga để thống trị lực lượng Ukraina trên chiến trường. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia cho thấy rằng tổng cộng chỉ có 7 chiến dịch hoạt động đa lĩnh vực. Khi tìm kiếm tác động từ các hoạt động trên mạng thông qua các sự kiện quan trọng, sự nhượng bộ hay các hoạt động đa lĩnh vực, các chuyên gia tìm thấy rất ít bằng chứng về khả năng của các hoạt động mạng - chứng tỏ rằng những bài học vể vai trò của mạng trong cuộc chiến tranh này không phù hợp với những gì diễn ra trong các cuộc chiến quy ước.

Những tác động đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Các hoạt động mạng hầu như không có tác động rõ rệt nào đối với chiến tranh Ukraina. Những người có liên quan tới cuộc xung đột đã nhận ra thực tế này – một đại diện của bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ ghi nhận : “Tôi đã nghĩ rằng mọi người sẽ thấy được những tác động đáng kể hơn nhiều so với những gì đã chứng kiến… có thể nói rằng lực lượng không gian mạng của Nga cũng như lực lượng quân sự truyền thống của họ kém hơn dự đoán ban đầu.”

Mặc dù rất khó để rút ra những kết luận quan trọng từ một ví dụ, nhưng các sự kiện quan trọng thường làm dấy lên các cuộc thảo luận và định hình các hoạt động trong tương lai trong các tình huống địa chính trị khác nhau. Kết quả của cuộc xung đột mạng ở Ukraina bị kiềm chế nhiều hơn dự đoán. Các biện pháp chống tin tặc và hợp tác với các đối tác đóng vai trò quan trọng trong khi lực lượng tin tặc tình nguyện đã đầu hàng khá sớm.

Điều này cho thấy rằng các lực lượng không gian mạng phổ thông sẽ rất quan trọng trong bất kỳ cuộc xung đột sắp tới nào ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Không một quốc gia nào có thể phụ thuộc vào các lực lượng tin tặc tình nguyện. Đồng thời, những quốc gia trong khu vực bị gây áp lực bởi các hoạt động không gian mạng do Trung Quốc tiến hành cần hợp tác với các đối tác an ninh và khu vực tư nhân để phòng thủ trong tương lai.

Các nghiên cứu này của giới chuyên gia khẳng định mạnh mẽ về việc an ninh mạng không thể trở thành một thế lực cưỡng chế trong chiến tranh. Điều này có ý nghĩa gì đối với chiến tranh ở châu Á, hay việc bảo vệ Đài Loan ? Đây sẽ là nhiệm vụ quan trọng mà các chiến lược gia khu vực phải giải quyết. Dường như có một yếu tố rõ rệt có thể gây ảnh hưởng đến các hoạt động trên chiến trường, đó là công cụ để định hướng dư luận, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy các hoạt động trên mạng có thể đóng vai trò như một viên đạn thần kỳ để đáp ứng mong muốn của Trung Quốc trong việc đòi lại lãnh thổ đã mất.

Những bài học cho tương lai

Cần phải chuẩn bị tinh thần Trung Quốc học hỏi từ thành công của Ukraina và tìm cách chuẩn bị cho một kiểu xung đột do Bắc Kinh lựa chọn. Trong khi các hoạt động không gian mạng sẽ tiếp tục là những công cụ đàn áp hữu ích, những phương pháp hỗn hợp này sẽ không thể có vai trò to lớn gì trên chiến trường để hỗ trợ một cuộc xâm lược thông thường.

Theo báo cáo của CSIS, các chuyên gia hình dung ra hai khả năng có thể xảy ra trong tương lai ở khu vực châu Á. Có khả năng các hoạt động trên mạng tiếp tục bế tắc với các chiến dịch tấn công mạng bị thất bại. Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư vào những hoạt động giám sát trong nước và thu thập thông tin tình báo, có thể học hỏi từ những thất bại của Nga trong việc tích hợp các hoạt động mạng với khả năng chiến đấu trong chiến tranh quy ước.

Khả năng thứ hai là sự hữu ích thực sự của các hoạt hoạt động mạng có thể là để kiểm soát mọi thông tin ở cả Trung Quốc hay trên toàn thế giới trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào. Sự lừa gạt bằng kỹ thuật số có thể giúp tạo ra những phản ứng dữ dội trên bình diện quốc tế chống lại bất kỳ quốc gia nào bị nhắm tới, bao gồm cả Hoa Kỳ, tạo ra những bất đồng quan điểm trong và ngoài nước. Những tuyên truyền của cánh hữu của Mỹ trong chiến tranh Nga-Ukraina đã gây mất ổn định các mạng lưới hỗ trợ cho một Ukraina đang gặp khó khăn.

Như mọi người đang chứng kiến trong chiến tranh, với việc Nga và Ukraina đang ở bờ vực - sự sống còn của quốc gia, sự ổn định của ban lãnh đạo và tình trạng của trật tự quốc tế toàn cầu - Nga đã thất bại trong việc sử dụng các hoạt động mạng để hỗ trợ các binh sĩ trên chiến trường. Ít khả năng Trung Quốc sẽ đi theo vết xe đổ này, nhưng rõ ràng việc tiến hành hoạt động mạng trên chiến trường không đạt được kết quả như mong đợi, chừng nào các quốc gia ở thế yếu quyết định phòng thủ kiên cường.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.