Vào nội dung chính
ĐẢO CHÍNH Ở NIGER

Liệu Pháp có phụ thuộc vào uranium từ Niger ?

Tại Pháp, cuộc đảo chính tại Niger gần đây đã dấy lên những lo ngại về việc khai thác uranium của tập đoàn Orano của Pháp (tiền thân là Arena), hoạt động tại quốc gia châu Phi này từ 50 năm qua. Liệu Pháp có phụ thuộc vào uranium của Niger hay không ? Ngành công nghiệp nguyên tử của Pháp có bị đe dọa ?

Mỏ khai thác uranium Somaïr của doanh nghiệp Pháp Orano tại Niger, gần Arlit, vào tháng 01/2023.
Mỏ khai thác uranium Somaïr của doanh nghiệp Pháp Orano tại Niger, gần Arlit, vào tháng 01/2023. AP - Maurice Ascani
Quảng cáo

Theo đài truyền hình France 24, với khoảng 70% điện năng đến từ năng lượng hạt nhân, Pháp trở thành quốc gia phụ thuộc vào hạt nhân lớn nhất trên thế giới. Pháp cũng là nước xuất khẩu năng lượng hạt nhân, với thu nhập khoảng 3 tỷ euro mỗi năm. Điều đáng chú ý là để vận hành các nhà máy điện hạt nhân, Pháp phải nhập khẩu 20% uranium từ Niger. Vài ngày sau cuộc đảo chính tại Niger, hôm 29/07, nghị sĩ đảng Xanh của Pháp, Sandrine Rousseau khẳng định trên mạng xã hội X (tiền thân là Twitter) : “Niger cung cấp lượng uranium thiết yếu cho các nhà máy điện hạt nhân của Pháp”. Liệu cuộc đảo chính có tác động đến các hoạt động khai thác, xuất khẩu uranium của tập đoàn Pháp hay không, trong bối cảnh bài Pháp ngày càng gia tăng ? RFI xin tổng hợp các câu hỏi chính xoay quanh vấn đề này.    

Bức tranh toàn cảnh về hoạt động khai thác Uranium của Pháp tại Niger  ?    

Theo báo Le Monde, với hơn 700 nhân viên và 1000 nhà thầu phụ (sous-traitant), Orano đã khai thác 2186 tấn uranium vào năm 2021. Ở phía bắc Niger, Orano đã khai thác hai mỏ uranium từ 50 năm qua : Somaïr và Akokan. Cơ sở khai thác Somaïr sẽ tiếp tục hoạt động cho đến năm 2040, theo thỏa thuận giữa tập đoàn này và chính phủ Niger từ tháng 5 năm ngoái. Cơ sở tại Akokan thì đã ngừng hoạt động vào năm 2021 nhưng có thể sẽ được mở rộng phát triển. Ngoài ra, Orano cũng đang tiến hành các nghiên cứu để khai thác tại Imouraren, một trong những mỏ uranium lớn nhất thế giới, cũng nằm ở phía bắc Niger, có trữ lượng ước tính khoảng 200.000 tấn.    

Liệu hoạt động của Orano tại Niger có bị đe dọa sau cuộc đảo chính ?   

Trên mạng xã hội, một số bài đăng được loan truyền đưa tin quân đội đảo chính đã ra lệnh cấm xuất khẩu vàng và uranium sang Pháp, nhưng vẫn chưa có thông cáo chính thức nào về việc này. Mặc dù Pháp đã thông báo sơ tán công dân khỏi Niger, nhất là vì không khí bài Pháp ngày càng gia tăng, đại diện của Orano vẫn bảo đảm “tiếp tục hoạt động” khai thác “trong khuôn khổ lệnh giới nghiêm được thiết lập trên toàn bộ lãnh thổ Niger”. Công ty này khẳng định cuộc đảo chính ở Niger “không tác động về ngắn hạn đến khả năng giao hàng của Orano cho Pháp và các khách hàng quốc tế”.   

Để tránh rủi ro từ bất ổn chính trị, Orano cũng đã giảm bớt phụ thuộc vào các nước châu Phi. Trong những năm gần đây, tập đoàn này đã đầu tư vào các mỏ ở Canada và đặc biệt là ở Trung Á như Kazakhstan và Uzbekistan. Cho đến nay, các mỏ khai thác uranium tại Kazakhstan cung cấp trữ lượng uranium lớn nhất (45%).   

Nguồn cung uranium từ Niger tác động như thế nào đến Pháp ?    

Theo Teva Meyer, nghiên cứu về địa lý và địa chính trị, chuyên gia về hạt nhân tại đại học Mulhouse, được tạp chí Le Point trích dẫn, Pháp tiêu thụ khoảng 15-17 % uranium từ Niger trong mười năm qua, “tỷ lệ này đang có xu hướng giảm không phải vì vấn đề an ninh mà là do chi phí vận hành ngày càng đắt đỏ tại Niger, cao hơn so với các mỏ khác của Orano, chẳng hạn như ở Uzbekistan”. Không giống như khí đốt và than đá, việc ngừng chuyển uranium đột ngột, nếu có, không tác động về ngắn hay trung hạn đối với Pháp.  

Theo Cộng đồng Năng lượng Nguyên tử châu Âu (Euratom) chịu trách nhiệm về nguồn cung cho các nhà máy điện hạt nhân trong Liên Hiệp Châu Âu, Niger là nhà cung ứng hàng đầu của Liên Âu vào năm 2021, với 2905 tấn uranium, đứng trước Kazakhstan (2905) và Nga (2358 tấn). Ba quốc gia này cung cấp gần 67 % uranium cho khối 27 nước. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Teva Meyer, “số lượng này có thể thay đổi năm này qua năm khác, nhất là khi cần phải thay nhiên liệu ba năm một lần tại nhà máy điện hạt nhân có nhu cầu lớn”.    

Tại Pháp, bà Teva cho rằng kho dự trữ uranium chiến lược có thể đủ dùng được trong hai năm. Dữ liệu từ Orano chỉ ra rằng kho dự trữ uranium tự nhiên lên đến 39.800 tấn (tức là hơn 5 năm tiêu thụ), 3.380 tấn uranium đã làm giàu (tức là 2 đến 3 năm tiêu thụ).     

Hoạt động tại các nhà máy điện hạt nhân của Pháp và châu Âu có bị ảnh hưởng hay không ?    

Tập đoàn điện lực Pháp EDF, chủ của các nhà máy điện hạt nhân, có thể tìm các nguồn cung khác, thay vì mua từ Orano. Do vậy, 56 lò phản ứng hạt nhân của Pháp không có nhiều điều đáng bận tâm mà Orano mới là bên phải lo lắng. Theo Le Figaro, bộ Chuyển Đổi Năng Lượng Pháp xác nhận rằng EDF có nhiều nguồn cung cấp và đa dạng về mặt địa lý, từ 4 châu lục, để bảo đảm an toàn nguồn cung nhiên liệu cho các nhà máy hạt nhân. Nếu như quân đội đảo chính cản trở việc xuất khẩu uranium từ Niger, thì Pháp có thể tìm các đối tác khác. Nhà kinh tế Anna Creti trả lời Le Figaro, cho rằng Pháp “có thể sửa đổi các hợp đồng ngắn hạn hoặc tìm đến các nguồn cung từ thị trường quốc tế”.     

Cơ quan hạt nhân của Euratom xác nhận với Reuters rằng nếu nhập khẩu uranium từ Niger bị giảm, thì sẽ không có rủi ro ngay lập tức đối với việc sản xuất năng lượng hạt nhân về ngắn hạn. Ủy Ban Châu Âu cho biết các lò điện hạt nhân tại các nước Liên Âu có “đủ dự trữ uranium để giảm thiểu rủi ro cung cấp ngắn hạn”.    

Liệu Uranium có thể trở thành quân bài địa chính trị trong cuộc chiến năng lượng ?  

Chuyên gia Cyrille Cormier, trả lời France 24, nhắc lại rằng Matxcơva xâm lược Ukraina, “rõ ràng là Nga đã sử dụng năng lượng như một vũ khí kinh tế”.  Ngoài Niger, gần 50 % uranium tự nhiên mà Pháp nhập khẩu đến từ Kazakhstan và Uzbekistan. Theo chuyên gia Cormier, “nếu quay lưng lại với uranium Niger, thì Pháp sẽ phải duy trì việc mua nhiên liệu ở Trung Á.”  Tuy nhiên, tất cả nhiên liệu từ hai quốc gia này được vận chuyển dưới sự kiểm soát của Rosatom, công ty năng lượng hạt nhân quốc gia Nga.    

Ông Cormier cho biết “hai phần ba lượng uranium đã được làm giàu, mà Pháp nhập khẩu đến từ Nga. Như vậy chẳng khác nào tài trợ gián tiếp cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraina”.    

Theo ước tính từ năm 2021, Canada và Úc lần lượt là nhà cung cấp uranium lớn thứ ba và thứ tư cho Pháp. Tuy nhiên, chuyên gia Cormier đặt câu hỏi : Giữa lúc một cuộc chiến năng lượng đang diễn ra trên toàn cầu, liệu các đồng minh ngày nay có còn quan tâm đến việc giúp Pháp duy trì khả năng cạnh tranh kinh tế, bằng cách cung cấp nhiên liệu giá rẻ cho nước này hay không ? Theo ông Cormier, những vấn đề năng lượng không chỉ đơn giản là câu hỏi về nguồn cung uranium mà là việc phải đưa ra các lựa chọn chiến lược trong một thế giới đang thay đổi.  

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.