Vào nội dung chính
NGA - LIÊN HIỆP QUỐC - NHÂN ĐẠO

Nga phủ quyết gia hạn hành lang nhân đạo viện trợ cho Syria

Hôm qua, 11/07/2023, tại trụ sở của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, các cuộc đàm phán để gia hạn duy trì hành lang viện trợ nhân đạo cho Syria từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ không đạt được kết quả nào. Nga đã phủ quyết việc gia hạn thêm 9 tháng đối với hành lang nhân đạo chủ chốt, viện trợ hàng tháng cho người Syria ở vùng xung đột Idlib.

Ảnh tư liệu: Một người dân sống sót sau vụ động đất ở Alep, Syria, ngày 08/02/2023.
Ảnh tư liệu: Một người dân sống sót sau vụ động đất ở Alep, Syria, ngày 08/02/2023. © FIRAS MAKDESI / REUTERS
Quảng cáo

Cơ chế hành lang nhân đạo được lập ra vào năm 2014 cho phép Liên Hiệp Quốc viện trợ nhân đạo cho người dân tại các vùng nổi loạn ở phía tây bắc Syria mà không cần sự cho phép của chính phủ Syria. Ban đầu, có 4 hành lang được lập ra, nhưng bị Nga gây áp lực từ nhiều năm, hiện chỉ duy nhất hành lang Bab al-Hawa còn hoạt động. 85 % viện trợ nhân đạo được gửi tới Syria đi qua con đường này. Tuy nhiên nghị quyết mà Liên Hiệp Quốc cho phép mở hành lang này chỉ có hiệu lực 6 tháng và phải đàm phán để gia hạn sau đó.

Thông tín viên RFI Carrie Nooten giải thích từ New York :

 « Đây là tập mới nhất trong vở kịch dài nhiều hồi vô liêm sỉ, khiến Liên Hiệp Quốc phải phấp phỏng hồi hộp 6 tháng một lần và ai cũng tự hỏi liệu Nga có dám phủ quyết về việc gia hạn hành lang trợ giúp nhân đạo hay không. Thụy Sĩ và Brazil, hai nước đưa ra dự thảo nghị quyết này đề xuất gia hạn thêm 9 tháng. Đây là một sự nhượng bộ để xoa dịu Matxcơva bởi vì các cơ quan nhân đạo của Liên Hiệp Quốc kêu gọi kéo dài thêm 12 tháng.

Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo cho Syria hiện càng cấp thiết hơn kể từ các vụ động đất xảy ra hồi tháng Hai. Đằng sau hậu trường, các nhà ngoại giao tiết lộ rằng, ngay cả chế độ của Bachar Al-Asad cũng không phản đối nghị quyết. Trên hết, việc gia hạn này cho phép không cần phải đàm phán lại vào mùa đông này, khi tình hình của những người tị nạn Syria càng bấp bênh hơn. Tuy nhiên, điều này không ngăn cản Nga đưa ra quyền phủ quyết, làm gián đoạn hành lang viện trợ nhân đạo và buộc phải nối lại các đàm phán ngoại giao.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thất vọng về việc Hội Đồng Bảo An đã thất bại. 14 nước thành viên khác của Hội Đồng cũng có cùng quan điểm này. »

Liên Hiệp Quốc cho biết, 4 triệu người tại phía tây bắc Syria, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, cần được viện trợ để có thể tồn tại sau nhiều năm sống trong cảnh xung đột, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh. Các vụ động đất càng làm cho tình trạng đói nghèo thêm nghiêm trọng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.