Vào nội dung chính
CHÁY RỪNG CANADA

Cháy rừng Canada : Khói mù bay đến tận bắc Âu

Sau Hoa Kỳ đến lượt Na Uy hít khói mù từ hàng trăm đám cháy rừng tại Canada. Đến hết ngày 10/06/2023 Canada vẫn phải đối mặt với 416 "ổ lửa" gần như từ miền đông sang miền tây nước này. Gần một nửa trong số đó ngoài tầm kiểm soát. Tình hình tại chỗ không hề thuyên giảm. Tính từ đầu năm 2023 hỏa hoạn cướp đi hơn 4,6 triệu hecta rừng của Canada.

Ảnh vệ tinh theo dõi khói mù từ các vụ cháy rừng ở Canada lan sang châu Âu. Ảnh minh họa ngày 06/06/2023.
Ảnh vệ tinh theo dõi khói mù từ các vụ cháy rừng ở Canada lan sang châu Âu. Ảnh minh họa ngày 06/06/2023. AP
Quảng cáo

Trong tuần các đám khói, bụi đã bao phủ bờ đông Hoa Kỳ làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh tế, các sinh hoạt thể thao. Gió thổi khói đã băng Đại Tây Dương, tràn tới Groenland, rồi Iceland, và giờ đây đến lượt Na Uy. Lượng khói mù và bụi siêu nhỏ tại Na Uy cao « bất thường », dân chúng bị ngột ngạt vì mùi khét. Thông tín viên đài RFI trong khu vực Bắc Âu, Carlotta Morteo từ Stockholm, Thụy Điển tường trình :

« Người Na Uy sống ở bờ tây có lẽ đã ngửi thấy mùi khói khét và thậm chí là trông thấy một lớp bụi mù màu vàng úa bao phủ ở khắp nơi. Thế nhưng từ đài dự báo thời tiết ở Birkenes, miền nam Na Uy, giới quan sát đã thấy khói từ Canada thổi đến khu vực Bắc Âu, với những lượng còn rất nhỏ về khí thải carbon monoxid độc hại, và trong không khí có nhiều hạt bụi siêu nhỏ. Căn cứ vào ảnh vệ tinh, những đám khói đó xuất phát từ Canada cách Na Uy 3.000 cây số.

Nạn cháy rừng càng kéo dài, khói mù càng được đẩy lên độ cao và những phân tử cực nhỏ lại càng được thổi đi xa. Trước mắt các giới chức địa phương không quá lo lắng. Khói mù từ Canada không đe dọa đến sức khỏe của các công dân bắc Âu, ở mãi tận bên này Đại Tây Dương. Dù vậy các nhà nghiên cứu Na Uy theo dõi sát hiện tượng này để xem rằng những hạt bụi nhỏ có bám vào băng tuyết và nhất là bám vào những tảng băng ở Bắc Cực hay không.

Các nhà khoa học cũng cần biết rằng khói bụi đó có làm hâm nóng thêm bầu khí quyển, gây tan băng nhanh hơn hay không. Đây là kịch bản đã xảy ra hồi 2020 vì khói từ các đám cháy rừng ở bang California, Hoa Kỳ đã thổi đến quần đảo Svalbard, thuộc trung tâm Bắc Cực ».  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.