Vào nội dung chính
NHÂN QUYỀN

Freedom House: Thêm nhiều nước truy bức công dân của mình ở ngoại quốc

Trong một bản báo cáo công bố ngày 06/04/2023, tổ chức đấu tranh cho dân chủ Freedom House, trụ sở tại Hoa Kỳ, báo động : Ngày càng có thêm nhiều nước áp dụng các biện pháp như bắt cóc, hành hung hoặc cưỡng bức hồi hương các công dân của họ đang sinh sống ở nước ngoài nhằm bịt miệng những người bất đồng chính kiến. Các quốc gia đó như vậy là đã theo gương Trung Quốc - quốc gia đàn áp nhiều nhất.

Bản đồ các nước dân chủ và không dân chủ trên thế giới.
Bản đồ các nước dân chủ và không dân chủ trên thế giới. Capture d'écran freedomhouse.org
Quảng cáo

Trong bản báo cáo mang tựa đề "Vẫn không được an toàn: Tình trạng đàn áp xuyên quốc gia trong năm 2022 - Still Not Safe: Transnational Repression in 2022", Freedom House, một tổ chức nghiên cứu dân chủ độc lập, nhưng được chính phủ Mỹ tài trợ, ghi nhận trong năm 2022,  đã có 20 chính phủ trên thế giới can dự vào 79 vụ đàn áp xuyên quốc gia, trong số này, lần đầu tiên có Bangladesh và Djibouti.

Báo cáo cũng nhắc lại kể từ năm 2014, đã có 854 vụ "đàn áp xuyên quốc gia" do 38 chính phủ trực tiếp thực hiện, dưới các hình thức như “ám sát, bắt cóc, hành hung, giam giữ và trục xuất bất hợp pháp”. Trung Quốc là tác giả của 30% số vụ đàn áp này, trong đó có các trường hợp gây áp lực buộc các quốc gia khác phải giao nộp cho Bắc Kinh những người Duy Ngô Nhĩ.

Theo hãng tin Pháp AFP,  ông Michael Abramowitz, chủ tịch Freedom House, nhận định: "Mặc dù nhận thức về vấn đề này ngày càng tăng, nhưng vẫn có thêm nhiều chính phủ độc đoán cố gắng kiểm soát các cộng đồng người di cư và lưu vong của họ".

Báo cáo khuyến nghị các chính phủ xây dựng kế hoạch ngăn chặn đàn áp xuyên quốc gia, bao gồm cả việc áp đặt các biện pháp trừng phạt có trọng điểm và hạn chế việc hỗ trợ an ninh.

Tấm gương đàn áp Trung Quốc 

Sau Trung Quốc, quốc gia đứng đầu về các hành vi truy bức công dân của họ ở ngoại quốc, báo cáo nêu bật trường hợp của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã tăng cường đàn áp những người lưu vong kể từ năm 2016, sau âm mưu đảo chính bất thành chống lại tổng thống Erdogan. Gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng việc Thụy Điển xin gia nhập NATO để buộc Stockholm giao nộp một số người nhưng không thành công.

Quốc gia khác bị vạch mặt chỉ tên là Nga, vốn đã gây áp lực trên Kazakhstan để truy bắt người Nga chạy trốn vì chiến tranh Ukraina, và Tajikistan, vốn đã hợp tác với Matxcơva để trao trả các thành viên của cộng đồng người Pamiri bị Nga cáo buộc theo chủ nghĩa ly khai…

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.