Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - VŨ KHÍ

Chiến tranh Ukraina : Đạn pháo chứa uranium nghèo, thứ vũ khí gây tranh cãi

Anh Quốc cam kết cung cấp đạn pháo chứa uranium nghèo cho các loại xe tăng hiện đang được Ukraina sử dụng. Để đáp trả Matxcơva thông báo triển khai vũ khi hạt nhân chiến thuật tại Belerus. Các loại đạn này từ lâu nay vẫn gây tranh cãi vì chúng chứa các chất phóng xạ. Đầu đạn chứa uranium nghèo là thứ vũ khí đáng sợ để hủy diệt các các xe bọc thép.

Binh sĩ Ukraina tập luyện sử dụng vũ khí đạn dược mới tại một căn cứ quân sự tại Anh Quốc (không rõ địa điểm), ngày 24/03/2023.
Binh sĩ Ukraina tập luyện sử dụng vũ khí đạn dược mới tại một căn cứ quân sự tại Anh Quốc (không rõ địa điểm), ngày 24/03/2023. AP - Kin Cheung
Quảng cáo

Ông Vladimir Putin đã chớp lấy cơ hội để chơi con bài leo thang hạt nhân. Thứ Ba ngày 21/03, tổng thống Nga đã cảnh cáo việc Vương quốc Anh cung cấp cho Ukraine loại đạn pháo  gây tranh cãi "sẽ buộc Nga phải đáp trả tương ứng". Bốn ngày sau, 25/03,  tổng thống  Putin thông báo Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân “ chiến thuật” trên lãnh thổ Belarus. Theo chủ nhân điện Kremlin, việc cung cấp đầu đạn chứa uranium nghèo, đã được Luân Đôn xác nhận, tức là các loại “vũ khí chứa thành phần hạt nhân” đã được đưa vào chiến trường.

Đạn uranium nghèo: Từ thời Đức Quốc Xã đến chiến tranh Nam Tư

Chính phủ Anh lên tiếng tố cáo “Nga bóp méo thông tin”, đồng thời nhấn mạnh rằng quân đội Anh vẫn sử dụng một cách hợp pháp « từ hàng thập kỷ nay » những loại đạn pháo như vậy. Luân Đôn cho rằng các loại đạn pháo chứa uranium nghèo được phép sử dụng theo điều 36 về «  vũ khí mới » của nghị định thư 1977 bổ sung cho Công ước Genève 1949.

Hôm 23/03 , Washington lên tiếng ủng hộ ý định của Anh đồng thời bảo đảm rằng từ trước tới giờ đầu đạn uranium nghèoy « không hề gây nguy cơ phóng xạ cũng như không làm leo thang hạt nhân ».

Thực tế, các loại đầu đạn đó được chế từ những thành phần phụ của công đoạn làm giàu uranium trong công nghiệp hạt nhân dân sự. Gọi là «  nghèo » là bởi trong đạn chứa uranium nghèo có ít nguyên tố đồng vị phóng xạ thấp nhiều hơn uranium làm giàu.

Tuy nhiên, Jeff Hawn, chuyên gia về chiến tranh tại Ukraina, tư vấn cho viện nghiên cứu địa chính trị Mỹ, New Lines Institute khẳng định : «  Rõ ràng là việc chuyển loại đạn pháo đó cho Kiev sẽ càng cung cấp thêm lập luận của những người vẫn đồng thanh với luận điệu của Nga rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm trong việc làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ».

Bởi vì loại đạn pháo này vẫn mang tiếng xấu từ nhiều thập kỷ qua và các tranh cãi khoa học về mức độ nguy hiểm của việc tiếp xúc với phóng xạ  liên quan đến loại đạn này "chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm", chuyên gia người Mỹ cho biết thêm.

Các đầu đạn chứa uranium nghèo chủ yếu « được trang bị cho các chiến xa để tiêu diệt các xe bọc thép của địch », chuyên gia Jeff Hawn nhấn mạnh.  Ý tưởng sử dụng loại vật liệu phóng xa này để chế tạo đạn đã có từ thời phát xít Đức. Năm 1943, bộ trưởng về vũ khí của Hitler, Albert Speer muốn dùng vật liệu này để giải quyết tình trạng khan hiếm volfram, một chất vốn dược dùng để chế tạo đạn pháo của xe tăng. Nhưng lịch sử không nói đến việc nước  Đức Quốc Xã thực sự có dùng đến loại vật liệu này hay không.

Về sau, người Mỹ đã nắm lấy ý tưởng đó để triển khai các loại vũ khí «  sát thủ xe tăng của Nga » trong những năm 1960. Chuyên gia Jeff Hawn nhắc lại, « Hoa Kỳ đã từng muốn có các loại vũ khí hiệu quả nhất để tiêu diệt các xe bọc thép Liên Xô trong trường hợp cuộc chiến  xảy ra tại châu Âu ».

"Rất dễ cháy "

Uranium nghèo có một đặc tính lý tưởng để chống tăng : «  Đó là một loại vật liệu có sức khoan phá lớn, rất hữu dụng để xuyên lớp giáp sắt bảo vệ » chiến xa, bộ Quốc Phòng Mỹ ghi nhận.  

Chuyên gia quân sự Mỹ cho biết thêm, ưu điểm của nó so với các vật liệu khác là “ rất dễ cháy”. Cụ thể, những đầu đạn này dễ dàng xuyên vào buồng lái của xe tăng mục tiêu,  rồi làm nóng lên, gây cháy nổ xe tăng.

 

Bất lợi chính của loại đạn  này là gì ? Uranium dù đã được làm nghèo vẫn độc hại. Chính vì thế, dù có nhiều nước chế tạo được loại đạn pháo này (Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Pakistan, Nga), nhưng hiếm có nước nào chính thức sử dụng loại đạn này. Thực tế, chỉ có Hoa Kỳ và Anh Quốc sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần đầu năm 1990 và trong cuộc chiến tranh Nam Tư  (1991-2001).

Sau đó, liên tục có các nghiên cứu khoa học nhằm đánh giá mức độ độc hại đối với sức khỏe con người. Riêng Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế ( AIEA) từ năm 2008 đến 2014 đã có nhiều báo cáo về vấn đề này. Năm 2001, Cơ quan Royal Society của Anh đã công bố một báo cáo hơn 300 trang và các bài viết mang tính khoa học cố gắng phân tích các rủi ro cho sức khỏe  do các đầu đạn loại này gây ra.

Nguy hiểm không đáng kể cho sức khỏe ?

Các nghiên cứu khoa học trước hết tập trung vào các nguy hiểm đối với binh sĩ sử dụng thứ vũ khí này. Tiếp đó, nhiều nghiên cứu đã cố tìm hiểu nguy cơ ô nhiễm phóng xạ vào môi trường có nguy hiểm về lâu dài đối với dân cư khu vực sử dụng đạn. Chẳng hạn tại Irak, nhiều nghiên cứu đã tìm cách thiết lập mối liên hệ, những không thành, giữa mức độ gia tăng các bệnh ung thư ghi nhận trong một số vùng với việc quân đội Mỹ  sử dụng đầu đạn uranium nghèo hồi 1991.

Thực tế vẫn có nguy cơ kép. Thứ nhất, các mảnh đạn này vẫn mang phóng xạ, tiềm ẩn những nguy hiểm cho các trường hợp tiếp xúc lâu dài. Tiếp đó, khi tiếp cận mục tiêu, các loại đạn này sẽ làm phát tán các bụi phóng xạ vào môi trường. Đất và các mạch nước ngầm như vậy có thể bị ô nhiễm, kéo theo người dân trong khu vực đó bị nhiễm phóng xạ, theo ghi nhận trong báo cáo của Royal Society.

Hoa Kỳ và Anh Quốc từ nhiều năm qua vẫn khẳng định những hậu quả sử dụng loại đạn này đối với sức khỏe là không đáng kể. Cơ quan Royal Society đã kết luận rằng nguy cơ gây ung thư phổi có thể cao hơn một chút nhưng chỉ  là trong trường hợp tiếp xúc trực tiếp thời gian dài với các loại đạn trên.  

Mặc dù có khá nhiều tài liệu khoa học, về phần mình, Liên Hiệp Quốc nhận thấy cần phải tiếp tục đánh giá những hệ quả của các loại vũ khi này đối với sức khỏe, cũng như nhấn mạnh rằng cho đến giờ không có một bằng chứng nguy hiểm « đáng kể » nào đối với sức khỏe được xác nhận.

Tuy vậy, theo chuyên gia Jeff Hawn, “việc sử dụng các loại đạn dược đó ở Ukraina chắc hẳng sẽ dẫn tới tình trạng ô nhiễm môi trường hàng thập kỷ ». Trong những điều kiện như vậy dùng đến các đầu đạn uranium nghèo có thực sự là cần thiết  khi mà Nga đã tổn thất một phần không nhỏ các chiến xa của họ ?

Ông Jeff Hawn nhận định, dẫu sao cũng có thể biện minh được cho quyết định của Anh. Trước hết là « do tình trạng khan hiếm đạn và các loại đạn pháo này đang ứ đọng trong kho, chúng lại có thể sử dụng được đối với các mẫu xe tăng mà Ukraina đang có ». Loại đạn này lại bắn được xa hơn so với đa số các loại đạn pháo cho xe tăng. « Quân đội Ukraina càng có thể bắn xã bao nhiêu thì họ càng an toàn và càng bảo vệ được quân của mình. Đây là điều cốt lõi cho một quân đội  thấp hơn nhiêu về số lượng », chuyên gia Jeff Hawn nhận định.  Đó có lẽ cũng là lý do chủ yếu khiến Nga phản ứng dữ dội. Có thể  Matxcơva không mấy quan tâm đến độc nhiều hay ít mà chủ yếu là họ thấy loại đạn này giúp cho đối thủ Ukraina giành được ưu thế trên chiến trường.

(Theo france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.