Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - VŨ KHÍ

SIPRI: Năm 2022, châu Âu tăng gấp đôi vũ khí nhập khẩu để viện trợ cho Ukraina

Trong năm 2022, mức nhập khẩu vũ khí tại châu Âu đã tăng gần gấp đôi, chủ yếu do các đợt viện trợ vũ khí ồ ạt cho Ukraina chống quân Nga xâm lược và Ukraina trở thành nước tiếp nhận nhiều vũ khí thứ ba trên thế giới, theo báo cáo Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế (Sipri), trụ sở tại Stockholm, Thụy Điển, công bố hôm nay 13/03/2023. 

Ảnh minh họa: Một quân nhân Ukraina dùng súng phóng lựu tự động để chống lại cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Bakhmout, vùng Donetsk (Ukraina) ngày 03/03/2023;
Ảnh minh họa: Một quân nhân Ukraina dùng súng phóng lựu tự động để chống lại cuộc tấn công của Nga vào thành phố tiền tuyến Bakhmout, vùng Donetsk (Ukraina) ngày 03/03/2023; REUTERS - STRINGER
Quảng cáo

Theo số liệu của Viện Sipri, lượng vũ khí châu Âu nhập khẩu tăng 93% cũng là do nhiều nước như Ba Lan, Na Uy tăng chi tiêu quân sự. Và xu hướng này sẽ còn tiếp tục gia tăng. Pieter Wezeman, từ 30 năm qua là đồng tác giả của báo cáo thường niên của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế, cho AFP biết, cuộc chiến Nga xâm lăng Ukraina là lý do chính khiến nhu cầu vũ khí tại châu Âu tăng vọt và nhập khẩu của châu Âu sẽ còn tiếp tục tăng. 

Riêng về Ukraina, cộng cả vũ khí do phương Tây viện trợ, số vũ khí Kiev nhập về đã tăng 60 lần trong năm 2022. Ukraina trở thành nước nhập khẩu nhiều vũ khí thứ 3 thế giới (8%), sau Qatar (10%) và Ấn Độ (9%), và trước Ả Rập Xê Út (7%), Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (7%) và Pakistan (5%). 

Ngoài việc viện trợ vũ khí cho Ukraina, châu Âu cũng đẩy mạnh nhập khẩu vũ khí khí tài, tăng 35%, trong năm 2022.  

Về phía 5 nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới trong 5 năm qua, đứng đầu là Mỹ (40%), Nga (16%), tiếp theo là Pháp (11%), Trung Quốc (5%) và Đức (4%). Chỉ riêng 5 nước này chiếm ba phần tư tổng lượng vũ khí xuất khẩu trên thế giới. Dù vẫn đứng trong top 5, nhưng mức xuất khẩu của Nga đã giảm mạnh so với cách nay vài năm, thậm chí Matxcơva còn được cho là nhập khẩu vũ khí từ Trung Quốc, vốn dĩ là một khách hàng truyền thống của Nga.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.