Vào nội dung chính
ĐỘNG ĐẤT THỔ NHĨ KỲ

Thổ Nhĩ Kỳ : Sau động đất, nạn trộm cướp hoành hành

Ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, gần 3 tuần sau trận động đất mạnh 7,8 độ Richter phá hủy khoảng 100.000 tòa nhà và giết chết hơn 45.000 người, nạn trộm cắp trong các cửa hàng và các tòa nhà bị phá hủy đang gia tăng. Để tránh cho mọi chuyện vượt ra ngoài tầm kiểm soát, chính quyền Ankara đã điều động hàng trăm binh lính và cảnh sát tới những khu vực bị thiên tai. Nhưng đã có nhiều trường hợp bạo lực từ phía cảnh sát được báo cáo.

Quân đội tuần tra phòng chống cướp bóc tại khu nhà đổ nát vì động đất tại Antalya, nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/02/2023.
Quân đội tuần tra phòng chống cướp bóc tại khu nhà đổ nát vì động đất tại Antalya, nam Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/02/2023. AP - Unal Cam
Quảng cáo

Từ Iskenderun, đặc phái viên Manon Chapelain gửi về bài phóng sự :

Ở trung tâm thành phố Iskenderun, Mehmet đã dựng một chiếc lều gần tòa nhà bị rạn nứt của anh. Kể từ sau trận động đất, anh tránh không đi quá xa vì sợ bị ăn cắp.

Mehmet nói : « Chúng tôi thấy rất nhiều người ăn cắp trong đống đổ nát. Tất nhiên sau đó họ bị bắt, nhưng họ làm việc đó ngay bên cạnh chúng tôi, trong khi chúng tôi thì đang thu hồi xác người chết. »

Ezgi Önalan, một luật sư tại tòa án Istanbul đã đến đây sau trận động đất để theo dõi những vụ hôi của này. Bà khẳng định rằng phần lớn hành vi ăn cắp diễn ra trong những ngày đầu tiên, khi lực lượng cứu hộ chưa tới.

Bà Ezgi Önalan nói : « Người dân ăn cắp để không chết đói. Tất cả họ đều nói với chúng tôi rằng họ phải ăn cắp trong các cửa hàng, vì bị đói. »

Theo nữ luật sư, điều nghiêm trọng hơn nhiều là các vụ tra tấn do cảnh sát gây ra đối với những người bị cáo buộc là kẻ cắp. Trong một tuần, bà đã mở hàng chục hồ sơ về vấn đề này.

Bà Ezgi Önalan nói thêm : « Có một số người đã tháo biển số xe và chạy xung quanh thành phố. Ví dụ, tôi đang phụ trách trường hợp của Ahmed Guleçé cùng với anh trai Sabri Guleçé. Cảnh sát đến nhà họ, bắt họ, buộc tội họ ăn cắp. Họ bị tra tấn. Ahmed Guleçé sau đó đã chết tại đồn cảnh sát. »

Hầu hết các nạn nhân của những bạo lực này không dám đâm đơn kiện vì họ thiếu niềm tin vào tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ. Zeynel Nihadioğlu tố cáo tình trạng cảnh sát không bị trừng phạt. Theo anh, anh trai của mình sau khi bị buộc tội ăn cắp, đã bị đâm chết bởi một chiếc xe cảnh sát.

Zeynel Nihadioğlu nói : « Kể từ khi tình trạng khẩn cấp được ban hành, không còn luật nào bảo vệ chúng tôi nữa. Binh lính và cảnh sát bắt giữ bất cứ ai họ muốn. Họ kiểm tra danh tính và họ rất bạo lực. Họ đối xử với mọi người như tội phạm trong khi người dân ở đây hầu hết là nạn nhân. »

Một tuần sau trận động đất, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố rằng khoảng 100 kẻ cướp đồ đã bị bắt giữ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.