Vào nội dung chính
NGA - MỸ - VŨ KHÍ HẠT NHÂN

Hiệp ước Mỹ-Nga New START bị đình chỉ: Bốn câu hỏi để hiểu thêm

Ngày 20/0/2023, tổng thống Nga đã có bài diễn văn thường niên trước Quốc Hội về phương hướng hành động của Liên Bang Nga, dài hai tiếng đồng hồ. Giới quan sát đặc biệt chú ý đến tuyên bố Nga đình chỉ tham gia hiệp định New START (tên gọi tắt của Hiệp Định Cắt Giảm Vũ Khí Chiến Lược Mới). Thông báo của ông Putin gây lo ngại về một cuộc chạy đua hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và tổng thống Nga Dmitry Medvedev (P) ký hiệp định New START tại Praha, CH Séc, ngày 08/04/2010.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (T) và tổng thống Nga Dmitry Medvedev (P) ký hiệp định New START tại Praha, CH Séc, ngày 08/04/2010. AP - Alex Brandon
Quảng cáo

Nội dung chính của Hiệp định kiểm soát vũ khí hạt nhân chiến lược Nga – Mỹ New START là gì ? Vì sao Mỹ và Nga có được Hiệp định này ? Tầm quan trọng của Hiệp định với quan hệ Mỹ - Nga ? Tại sao Nga đình chỉ Hiệp định New START? Mục Theo dòng Thời sự của RFI tổng hợp thông tin trên truyền thông Pháp về chủ đề này.

***

1/ Hiệp định New START có nội dung chính là gì?

New START là một thỏa thuận hướng đến ‘‘giải trừ hạt nhân’’. Hiệp định được ký kết năm 2010. Người ký vào thời điểm đó là tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama và người đồng cấp Nga Dmitri Medvdev. Hiệp định New START được ký kết nhằm thay thế cho Hiệp định START 1 (Strategic Arms Reduction Treaty), ký năm 1991, giữa tổng thống đầu tiên và cũng là tổng thống cuối cùng của Liên Xô, Mikhail Gorbarchev và tổng thống Mỹ George Bush. Hiệp định hết hiệu lực vào năm 2009.

Hiệp định New START, ký 2010, có hiệu lực đến năm 2021, nhưng năm 2021, hai bên đã quyết định gia hạn Hiệp ước. Việc gia hạn là kết quả của nhiều nỗ lực ngoại giao Nga – Mỹ kéo dài nhiều năm.

Theo Hiệp định này, hai siêu cường hạt nhân được phép sở hữu tối đa 1.550 đầu đạn mỗi bên, tức giảm gần 30% so với giới hạn được xác định trước đó vào năm 2002. New START cũng giới hạn tối đa là 800 số lượng phương tiện dùng để phóng tên lửa hạt nhân chiến lược, như các dàn phóng, và oanh tạc cơ hạng nặng. Hiệp định bao gồm một loạt các điều khoản cho phép thanh tra các cơ sở quân sự của nhau, một cách để hai bên kiểm soát việc thực thi Hiệp định.

2/ Vì sao Hiệp định New START lại quan trọng với quan hệ Nga – Mỹ?

Các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân nói chung và vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng là điểm mấu chốt trong việc duy trì lòng tin trong quan hệ giữa hai siêu cường quân sự Mỹ - Nga hiện nay, cũng như giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trước đây. Cách đây hơn 50 năm, Mỹ và Liên Xô đạt được thỏa thuận lịch sử đầu tiên về vũ khí hạt nhân, chấm dứt một thời kỳ kéo dài nhiều thập niên mà nguy cơ chiến tranh hạt nhân lơ lửng trên đầu nhân loại.

Ngày 26/05/1972, tổng thống Nixon và chủ tịch Liên Xô Leonid Brejnev ký kết các hiệp ước SALT giới hạn vũ khí hạt nhân chiến lược. Năm 1987, tổng thống Mỹ Ronald Reagan cùng chủ tịch Liên Xô Mikhail Gorbatchev ký Hiệp ước về tên lửa tầm trung có thể mang đầu đạn hạt nhân INF (đã bị tổng thống Trump hủy bỏ).

Trong nhiệm kỳ của tổng thống tiền nhiệm Hoa Kỳ Donald Trump (2016 – 2020), chính quyền Mỹ đã rút khỏi hai hiệp ước liên quan đến vũ khí hạt nhân, Hiệp ước vũ khí hạt nhân tầm trung INF (rút năm 2019) và Hiệp ước Bầu Trời Mở (Treaty on Open Skies) (năm 2020). Hiệp ước Bầu Trời Mở cho phép các chuyến bay quốc tế trên không phận quốc gia để giám sát việc giải trừ vũ khí.

Trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump, nước Mỹ đã rút thỏa thuận Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung INF (giới hạn số lượng tên lửa có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km). Mục tiêu là để gây áp lực buộc Trung Quốc tham gia vào một hiệp định tên lửa tầm trung mới. Tuy nhiên, tính toán nói trên bất thành. Theo Les Echos, chính quyền Putin đã ‘‘gia hạn một năm để hai bên có thể đàm phán kéo dài hiệp định INF, mà không có điều kiện tiên quyết’’, nhưng rốt cục không có kết quả. Hiệp định vũ khí hạt nhân tầm trung Nga – Mỹ hoàn toàn bị chôn vùi.

Hiệp ước New START được ký kết năm 2010 là một trong các thành tố cơ bản của chính sách ‘‘reset’’ với Nga, tức nỗ lực khởi động lại quan hệ Washington với Matxcơva sau một thập niên quan hệ căng thẳng. Cho đến nay, New START là hiệp ước về kiểm soát và giới hạn vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Mỹ và Nga.

Quan hệ Nga – Mỹ trong những năm gần đây đã xấu đi chưa từng thấy kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với hàng loạt hồ sơ quốc tế bất đồng, Nga bị cáo buộc can thiệp vào bầu cử Mỹ, hoạt động tin tặc, gián điệp… chưa kể các vấn đề nhân quyền, và tình hình căng thẳng tại Ukraina trước khi chiến tranh bùng nổ. Kể từ khi lên cầm quyền, đầu 2021, tổng thống Joe Biden đã nỗ lực cải thiện tình hình. Joe Biden và Vladimir Putin đã có cuộc hội kiến tại Genève hồi đầu năm. Ngày 29/01/2021, tức hơn một tuần sau khi ông Biden nhậm chức, tổng thống Nga ký quyết định kéo dài Hiệp định. Cuối năm 2021 Quốc Hội Lưỡng Viện Nga phê chuẩn quyết định triển hạn New START, đúng vào thời điểm quân đội Nga áp sát biên giới Ukraina, làm gia tăng nguy cơ chiến tranh bùng nổ.

3/ Việc Nga đình chỉ Hiệp định New START có những hệ quả gì?

Trước mắt, việc đình chỉ Hiệp định không đồng nghĩa với việc Nga sẽ tăng ngay trở lại số đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, điện Kremlin khẳng định có quyền tiến hành các vụ thử tên lửa mới, nếu Hoa Kỳ ‘‘làm trước’’. Với quyết định đình chỉ, Matxcơva sẽ không cho phép phía Mỹ thanh tra các cơ sở vũ khí tại Nga theo Hiệp định. Trên thực tế, đây không phải là điều mới, vì chính quyền Mỹ đã tố cáo quy định kiểm soát vũ khí đã bị Nga vi phạm ngay từ mùa hè năm ngoái.

Hệ quả nổi bật hàng đầu của việc Nga đình chỉ Hiệp định là niềm tin giữa hai siêu cường hạt nhân sụt giảm mạnh. Hiệp định New START có ý nghĩa chiến lược toàn cầu, bởi tổng số lượng vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ chiếm hơn 90% vũ khí hạt nhân toàn cầu, theo một báo cáo của Viện Quốc tế nghiên cứu về Hòa bình ở Stockholm (SIPRI). Đình chỉ các cơ chế giám sát lẫn nhau, thông tin cho nhau cũng có nghĩa là làm ‘‘tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân’’.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đánh giá quyết định này của Nga là ‘‘đáng thất vọng và vô trách nhiệm’’, nhưng cũng cho biết Mỹ sẵn sàng thảo luận trở lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân.

4/ Tại sao Nga đình chỉ Hiệp định New START?

Việc chính quyền Putin đình chỉ New START ắt hẳn là một mũi tên hướng đến nhiều đích. Theo nhiều nhà quan sát, với thông báo này, tổng thống Nga chủ ý đẩy trách nhiệm về phía Mỹ. Ông Putin cáo buộc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây không để Nga thực hiện việc giám sát tuân thủ Hiệp định tại các nước phương Tây. Tổng thống Nga cũng nhân dịp này yêu cầu các cường quốc hạt nhân khác của NATO là Anh và Pháp tham gia vào một kiểu hiệp định hạt nhân tương tự như với Mỹ.

Việc Nga đình chỉ Hiệp định New START diễn ra trong bối cảnh chiến sự gia tăng tại Ukraina. Phương Tây đoàn kết kiên quyết ủng hộ Ukraina chống xâm lược Nga đến cùng, đặc biệt với các hậu thuẫn về quân sự ngày càng mạnh. Là bên xâm lăng, nhưng tổng thống Nga muốn tỏ ra là lực lượng kiến tạo hòa bình. Việc ông Putin chọn đúng dịp một năm ngày Nga xâm lược Ukraina để đưa ra quyết định định chỉ Hiệp định New START, trong bối cảnh quân đội Nga đang chuẩn bị một chiến dịch lớn, rất có thể là một hành động nắn gân phương Tây, chia rẽ phương Tây với phần còn lại của thế giới. Trong bài phát biểu ngày 20/02, tổng thống Nga quy cho phía phương Tây mưu đồ ‘‘can thiệp vào các cơ sở hạt nhân’’ của Nga để thực thi mục tiêu giáng cho Nga một ‘‘thất bại chiến lược’’.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.