Vào nội dung chính
MỸ - THỔ NHĨ KỲ

Ngoại trưởng Mỹ đến Thổ Nhĩ Kỳ bàn hỗ trợ nạn nhân động đất

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công du Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày hôm nay 19/02/2023 với chủ đề chính là hỗ trợ nạn nhân trận động đất 7,8 độ Richter khiến hơn 46.000 người chết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Hồ sơ gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan là một chủ đề lớn khác.

Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 19/02/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Đức tham dự Hội nghị An ninh Munich (17 đến 19/02). Ảnh chụp tại sân bay ngày 17/02.
Trước khi đến Thổ Nhĩ Kỳ hôm nay 19/02/2023, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Đức tham dự Hội nghị An ninh Munich (17 đến 19/02). Ảnh chụp tại sân bay ngày 17/02. REUTERS - POOL
Quảng cáo

Ông Antony Blinken đến căn cứ không quân Incirlik (tỉnh Adana), nơi trung chuyển và điều phối hoạt động cứu trợ của Mỹ từ hôm 06/02 ngay sau khi xảy ra động đất, và thị sát vùng bị nạn bằng trực thăng. Ngày mai 20/02, ngoại trưởng Mỹ sẽ thảo luận với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu để gia tăng hỗ trợ khắc phục hậu quả của trận động đất. Theo dự kiến, ông Blinken sẽ được tổng thống Erdogan tiếp đón.

Trước đó, Cơ quan Phát triển Mỹ (USAID) thông báo Mỹ viện trợ 85 triệu đô la cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, thông qua các đối tác tại địa phương « để cung cấp các hỗ trợ khẩn cấp và thiết yếu cho hàng triệu người », nhất là về lương thực và chăm sóc y tế.

Chủ đề lớn thứ hai trong chuyến công du của ông Blinken là hồ sơ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO của hai nước Bắc Âu Thụy Điển và Phần Lan. Chính quyền Ankara từng tuyên bố sẽ chỉ chấp nhận để Phần Lan gia nhập và vẫn từ chối phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển, với cáo buộc Stockholm chứa chấp những người bị Ankara cáo buộc là « khủng bố ».

Theo Reuters, chuyến đi được lên kế hoạch trước khi xảy ra trận động đất. Đây là lần đầu tiên, ông Antony Blinken công du Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là ngoại trưởng Mỹ cho dù nhậm chức cách đây đã 2 năm, khác với hai người tiền nhiệm Hillary Clinton và Rex Tillerson, tới Thổ Nhĩ Kỳ ngay trong ba tháng đầu nhiệm kỳ.

Giới phân tích cho rằng chuyến công du muộn màng này cho thấy mối quan hệ căng thẳng giữa Ankara và Washington, đặc biệt là từ năm 2019 khi Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga. Tiếp theo là những điều kiện của chính quyền tổng thống Erdogan, yêu cầu Thụy Điển và Phần Lan - hai nước ứng viên NATO - mạnh tay với đảng Lao động Kurdistan (PKK). Đảng PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu liệt vào danh sách tổ chức khủng bố. Ankara cũng cáo buộc Thụy Điển dung dưỡng một tổ chức khác, bị tình nghi tham gia âm mưu đảo chính năm 2016.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.