Vào nội dung chính
ĐỘNG ĐẤT - TRUNG ĐÔNG

Động đất Thổ Nhĩ Kỳ, Syria: Quốc tế ráo riết hỗ trợ

Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) hôm nay, 07/02/2023 đánh giá các trận động đất mạnh làm rung chuyển cả đông nam Thổ Nhĩ Kỹ và miền bắc Syria có thể ảnh hưởng đến khoảng 23 triệu người dân. WHO cam kết sẽ hỗ trợ lâu dài cho hai quốc gia này sau đợt hỗ trợ khẩn cấp đầu tiên. 

Cứu nạn sau động đất tại thành phố Sarmada, Syria, thuộc vùng Idleb do phe nổi dậy kiểm soát. Ảnh chụp ngày 06/02/2023.
Cứu nạn sau động đất tại thành phố Sarmada, Syria, thuộc vùng Idleb do phe nổi dậy kiểm soát. Ảnh chụp ngày 06/02/2023. AFP - AAREF WATAD
Quảng cáo

Trong khi đó, theo AFP, đợt cứu trợ quốc tế và những nhóm cứu hộ đầu tiên, đặc biệt là của  Pháp và Qatar, hôm nay đã đến Thổ Nhĩ Kỳ. Phía Pháp cho biết sẽ đến vùng Kahramanmaras, tâm chấn của trận động đất đầu tiên, khu vực được cho là khó tiếp cận nhất và gánh chịu hậu quả thảm khốc nhất, hiện đang ngập sâu dưới tuyết. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan « mọi sự hỗ trợ đều cần thiết », đồng thời thông báo điều 79 nhân viên cứu hộ đến trợ giúp. Bắc Kinh hôm nay cũng cho biết hỗ trợ 5,9 triệu đô la, bao gồm cả nhân viên cứu hộ chuyên về vùng đô thị, các nhóm y tế và thiết bị khẩn cấp. 

Theo tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng đã có 45 quốc gia đề nghị hỗ trợ. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát và các tổ chức phi chính phủ, thách thức lớn nhất nằm bên phía Syria, đặc biệt là tại vùng Idleb do quân nổi dậy kiểm soát. Theo thống kê sơ bộ, ít nhất đã có 1.600 người chết ở Syria trong các trận động đất hôm qua. 

Trong cảnh nội chiến từ 12 năm qua, tình hình người dân đã bi thảm, nay thêm phần khó khăn, do hầu hết hỗ trợ quốc tế đi từ Thổ Nhĩ Kỳ đưa đến khu vực này phải đi qua ngả Bab al-Hawa, lối đi duy nhất do Liên Hiệp Quốc kiểm soát, nhưng bị Damas và Matxcơva phản đối, lên án vi phạm chủ quyền quốc gia Syria. 

Hôm nay, trên đài Franceinfo, ông Raphael Pitti, phụ trách đào tạo cho tổ chức phi chính phủ Mehad, đã kêu gọi mở lại nhiều hành lang nhân đạo mà Nga đã dần đóng lại từ bốn năm qua, nhằm cô lập vùng Idlib, vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào nguồn hỗ trợ nhân đạo quốc tế. 

AFP cho biết thêm, lợi dụng hỗn loạn do động đất gây ra, khoảng 20 chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo (IS) đã đào thoát khỏi một nhà tù quân sự ở Rajo, do phe nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát. 

 

 

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.