Vào nội dung chính
NGA - NHÂN QUYỀN

Nga giải thể tổ chức bảo vệ nhân quyền Nhóm Helsinki Matxcơva

Nhóm Helsinki Matxcơva, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Nga, vừa bị giải thể, theo phán quyết ngày hôm qua 25/01/2023 của một tòa án ở Matxcơva, dựa trên đề xuất của Tư Pháp Nga. Trên mạng Telegram, tòa án này cho biết Nhóm Helsinki Matxcơva cũng bị rút giấy phép đăng ký tư cách pháp nhân.

Các luật sư của Nhóm Helsinki Matxcơva sau phiên điều trần về việc giải thể nhóm, ngày 25/01/2023, Matxcơva, Nga.
Các luật sư của Nhóm Helsinki Matxcơva sau phiên điều trần về việc giải thể nhóm, ngày 25/01/2023, Matxcơva, Nga. REUTERS - EVGENIA NOVOZHENINA
Quảng cáo

Hồi cuối tháng 12/2022, sở Tư Pháp Matxcơva đã đệ trình yêu cầu « giải thể Nhóm Helsinki Matxcơva và cấm hoạt động của tổ chức này trên lãnh thổ Nga ». Tổ chức nhân quyền lâu đời nhất tại Nga bị cáo buộc đã có những hoạt động bên ngoài phạm vi vùng Matxcơva mà họ được phép hoạt động, nhất là cử quan sát viên đến các phiên tòa, hoặc cử các thành viên đến dự những sự kiện tại một số vùng khác.

Ngay sau phán quyết của tòa, các luật sư của Nhóm Helsinki Matxcơva  thông báo sẽ kháng cáo. Trả lời đài RFI Pháp ngữ, Valery Vasilyevich Borshchev, chủ tịch của tổ chức này, bày tỏ thái độ phẫn nộ:

« Mọi cáo buộc đều là giả tạo, đều là do họ bịa đặt ra. Phá vỡ mọi phong trào bảo vệ nhân quyền là xu hướng hiện nay. Trước tiên, họ đóng cửa tổ chức Memorial và bây giờ, họ tấn công vào Nhóm Helsinki Matxcơva. Đây là một đòn mạnh giáng vào phong trào, bởi vì Nhóm Helsinki Matxcơva có ảnh hưởng rất lớn, có ảnh hưởng về mặt tinh thần trong các phương tiện truyền thông, các tổ chức của chính phủ, các tổ chức nhân quyền và thậm chí là trong chính quyền. Dĩ nhiên là chúng tôi sẽ chiến đấu, và dĩ nhiên là tình hình sẽ ngày càng khó khăn, thực sự là khó khăn, bởi vì chính quyền không còn quan hệ, không còn hợp tác với các tổ chức bảo vệ nhân quyền như trước đây ».

Về lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell, ông lấy làm tiếc về « một cuộc tấn công mới nhắm vào nhân quyền tại Nga ». Trên mạng Twitter, ông Josep Borrell chỉ trích « điện Kremlin mở rộng cuộc tấn công tại Ukraina thành cuộc trấn áp chính trị trong nước, bịt miệng các nhà bảo vệ nhân quyền, đàn áp xã hội dân sự và các tiếng nói phản đối chế độ độc tài và phản đối chiến tranh ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.