Vào nội dung chính
COP15 - THUỐC TRỪ SÂU

Cắt giảm mạnh thuốc trừ sâu, diệt cỏ : Liên Âu "đơn độc" tại COP15

Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc Hội nghị Đa dạng Sinh học của Liên Hiệp Quốc tại Montréal. Các nhà đàm phán còn xa mới đạt được một thỏa thuận cho phép chặt đứng đà hủy diệt sinh giới. Phát triển một nền nông nghiệp bền vững để giảm thiểu mức độ hủy diệt là một mục tiêu được trông đợi. Một bất đồng chính xoay quanh quyết tâm cắt giảm mạnh hay không thuốc trừ sâu, diệt cỏ.

Thành viên hội Wilderness cảnh báo về mức độ nguy hiểm của thuốc trừ sâu đối với côn trùng, bên ngoài hội nghị COP15 tại Montréal, Canada, ngày 08/12/2022.
Thành viên hội Wilderness cảnh báo về mức độ nguy hiểm của thuốc trừ sâu đối với côn trùng, bên ngoài hội nghị COP15 tại Montréal, Canada, ngày 08/12/2022. AP - Paul Chiasson
Quảng cáo

Hôm qua, 15/12/2022, bộ trưởng Môi Trường của các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã có mặt tại chỗ để chỉ đạo đàm phán. Theo đài phát thanh Pháp France Info, bộ trưởng Chuyển Đổi Sinh Thái Pháp Christophe Béchu có mặt tại Montréal cho biết đề xuất của Liên Hiệp Châu Âu giảm 50% thuốc trừ sâu, diệt cỏ trên phạm vi toàn cầu ít được hưởng ứng. Bộ trưởng môi trường Pháp nhấn mạnh : ‘‘Đây là một trong các chủ đề chúng tôi bị đơn độc nhất. Có rất ít đồng minh sẵn sàng đưa ra các cam kết cụ thể, chính xác, và mang tính định lượng, như chúng tôi’’.

Đặc phái viên RFI Lucile Gimberg từ Montréal cho biết những khó khăn trong việc đạt được đồng thuận tại COP15 về cắt giảm thuốc trừ sâu, diệt cỏ, thủ phạm chính của đà hủy diệt sinh giới do nền nông nghiệp thâm canh hiện nay :

‘‘Tại Tây Âu, sự tiêu vong của các loài côn trùng do hóa chất dùng trong nông nghiệp rõ ràng là một thực tế. Chỉ trong vài thập niên, tại Đức, gần 70% côn trùng đã mất đi. Ong và các loài côn trùng thụ phấn khác gần như bị hủy diệt. Nhà sinh thái Paul Leadley, đại học Paris Saclay giải thích : ‘‘Sôcôla, cà phê và gần như tất cả các cây cho trái của chúng ta đều cần đến các côn trùng thụ phấn. Cuộc sống của ta phụ thuộc vào chúng. Tuy nhiên, chính ta lại đang hủy diệt di sản quý báu này’’.

Văn bản thỏa thuận đang được thương lượng tại Montréal tìm cách giảm bớt các nguy cơ liên quan đến việc sử dụng những sản phẩm hóa chất này. Tuy nhiên, các nước xuất khẩu nông nghiệp lớn như Brazil hay Achentina không muốn nghe nói đến điều đó. Nhà sinh thái học đại học Paris Saclay bổ sung : ‘‘Không chỉ có chính phủ các nước, mà cả một phần của ngành công nghiệp thực phẩm đang tiến hành các vận động hành lang, để làm sao cho các mục tiêu được đề ra (tại COP15) không mang tính ép buộc quá mức với họ’’.

Một số quốc gia nghèo khác thì yêu cầu có nhiều thời gian hơn, nhân danh an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, nhân loại có nhiều giải pháp thay thế. Nhà nông học sinh thái đại học Pháp Paris Saclay giải thích : ‘‘Khi chúng ta trộn lẫn nhiều giống cây trồng khác nhau thuộc cùng một loài, ví dụ như trồng chung các giống lúa mì, các giống lúa khác nhau, chúng ta có thể gần như loại trừ hoàn toàn việc sử dụng thuốc diệt nấm, bởi vì các loài nấm rất khó tấn công vào các cây trồng, tập hợp các hệ di truyền khác nhau’’.  

Liên Hiệp Châu Âu chủ trương giảm 50% các hóa chất bảo vệ thực vật, như đã áp dụng trên lãnh thổ Liên Âu. Tuy nhiên, điều nghịch lý là Liên Âu là trợ giá về nhiều mặt cho một hệ thống nông nghiệp thâm canh, không thể tồn tại mà không sử dụng các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ…’’. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.