Vào nội dung chính
NATO - NGA

Tướng Pháp gợi ý nên lập « điện thoại đỏ » giữa Nga và NATO

Tướng Jean-Paul Palomeros từng là tham mưu trưởng Lực lượng Không quân Pháp từ năm 2009 đến 2012. Từ năm 2012 đến 2015, ông giám sát quá trình hiện đại hóa quân sự của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khói bốc lên sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan. Ảnh chụp ở Nowosiolki, Ba Lan ngày 15/11/2022.
Khói bốc lên sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan. Ảnh chụp ở Nowosiolki, Ba Lan ngày 15/11/2022. VIA REUTERS - STOWARZYSZENIE MOJE NOWOSIOLKI
Quảng cáo

Sau sự cố tên lửa rơi xuống một ngôi làng Ba Lan hôm 15/11/2022, ông cho rằng nên tái lập một loại "đường dây nóng" mới giữa NATO và Matxcơva, nhằm ngăn chặn mọi nguy cơ leo thang trong cuộc chiến tranh Ukraina. Một ngày sau, trên website tuần báo Pháp l’Express, tướng Palomeros nhận định : « Nếu Nga cố tình bắn tên lửa vào Ba Lan, đó là điều hết sức nghiêm trọng ». RFI xin giới thiệu bài trả lời phỏng vấn.

***

Căng thẳng bất ngờ leo thang sau vụ tên lửa rơi xuống Ba Lan khiến 2 người thiệt mạng. Ông đánh giá như thế nào về mức độ nghiêm trọng của vụ việc này ? 

Jean-Paul Palomeros : Vụ việc này nghiêm trọng, nhưng không quá nghiêm trọng. Sẽ là điều nghiêm trọng nếu Nga đã cố tình bắn tên lửa của mình vào Ba Lan và cùng lúc Mỹ lên gân thổi phồng sự việc. Và nếu chúng ta rơi vào tình thế leo thang, thì khó có thể làm giảm căng thẳng. 

NATO có lường trước một kịch bản leo thang đột ngột không ? 

Jean-Paul Palomeros : Vào thời điểm diễn ra chiến tranh lạnh, điều đó đã được lường trước. Trước đây, đã từng có những biện pháp cụ thể nhằm ngăn chặn sự coi thường hoặc diễn giải sai mối nguy hiểm mà đối phương gây ra, để tránh dẫn đến cuộc đối đầu ác liệt giữa Liên Xô và Hoa Kỳ mà một khi đã bùng phát thì không thể nào ngăn chặn được. Hai bên đã từng có "đường dây nóng" cùng với các thỏa thuận quân sự cụ thể cho phép tạo ra các vùng đệm ở phía đông châu Âu, đặc biệt là ở biên giới giữa hai nước Đức. 

Để giảm thiểu rủi ro, lực lượng không quân của cả hai bên đã nhất trí sẽ không có máy bay hay tên lửa nào bay qua khu vực này. Điều này để tránh bất kỳ sự mập mờ nào về ý đồ của đối phương. Cần phải loại bỏ tất cả những điều không chắc chắn, loại trừ mọi hiểu lầm có thể khiến khởi phát căng thẳng. Vào thời điểm đó, tình hình hết sức căng thẳng, do vậy, điều quan trọng là phải tránh cho điều tồi tệ nhất xảy ra. Dần dần, khi niềm tin giữa hai bên tăng lên, các biện pháp này theo một cách nào đó đã được "thể chế hóa". Mặc dù đôi bên vẫn ở trong tình trạng căng thẳng, nhưng đã không xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào liên quan đến tên lửa. Tình hình giờ đây thì khác. 

Ông có thể nói rõ hơn không ? 

Jean-Paul Palomeros : Một tên lửa rơi xuống một ngôi làng Ba Lan gần biên giới Ukraina và thành phố lớn Lviv. Điều này chưa bao giờ xảy ra. Nhưng kể từ khi xung đột bắt đầu, vẫn luôn có nguy cơ một tên lửa đi chệch hướng hoặc bị lập trình sai. Nhưng hãy bình tĩnh. Tình hình hiện nay thực sự mơ hồ khiến cho quá trình phân tích trở nên khó khăn. Tên lửa rơi xuống Ba Lan là tên lửa S-300. Tuy nhiên, loại tên lửa này do Nga sản xuất,  được cả Nga lẫn Ukraina sử dụng. 

Ukraina sử dụng nó như một tên lửa phòng không (địa đối không), đó là chức năng ban đầu của nó, trong khi Nga sử dụng nó như một tên lửa đạn đạo (địa đối địa). Vậy chúng ta có thể có nhiều cách nhìn nhận vấn đề. Tên lửa này của nước nào ? Dường như đó là một tên lửa được Ukraina sử dụng với chức năng ban đầu nhưng bị rơi ở Ba Lan, ở dạng mảnh vỡ hoặc toàn bộ tên lửa. 

Liệu ý kiến cho rằng có thể Nga cố tình phóng tên lửa để thử khả năng phản ứng của NATO ? 

Jean-Paul Palomeros : Tôi không nghĩ vậy. Việc bắn tên lửa vào một ngôi làng nhỏ ở biên giới không thể được coi là một cuộc thử nghiệm chính đáng. Một ngôi làng như vậy không phải là một mục tiêu đáng kể. Hơn nữa, Nga đang có những vấn đề khác phải lo. Hiện tại, họ không có nhu cầu hoặc lợi ích gì trong việc khiêu khích Mỹ hay NATO hoặc bất kỳ ai khác. 

Tuy nhiên, việc Ba Lan phản ứng mạnh mẽ là điều hiển nhiên. Vụ việc xảy ra trên lãnh thổ của họ. Họ yêu cầu tổ chức một cuộc họp tham vấn với NATO. Đây là chuyện bình thường và được dự báo từ trước. Vụ việc này có lẽ sẽ khiến các bên phải suy nghĩ về cách kiểm soát rủi ro tốt hơn thông qua các cơ chế đối thoại với Nga, như vào thời điểm diễn ra chiến tranh Lạnh. Bởi vì gần như chắc chắn, những sự cố kiểu này sẽ lại xảy ra. 

Tại sao lại thế ? 

Jean-Paul Palomeros : Bởi chiến tranh đang diễn ra ở biên giới Ba Lan, kể từ khi ông Putin oanh kích vào các cơ sở hạ tầng năng lượng và các thành phố ở phía tây Ukraina (nơi có nhiều người tị nạn sinh sống và có rất nhiều thiết bị được lắp đặt), cho nên một sự cố tương tự có thể xảy ra. Các vụ oanh kích diễn ra càng sát biên giới thì nguy cơ tên lửa đi chệch hướng hoặc bị lập trình sai càng lớn. 

Vậy căng thẳng vẫn có thể leo thang ? 

Jean-Paul Palomeros : Nếu một tên lửa vượt qua biên giới và rơi vài chục km bên trong Ba Lan hoặc một quốc gia NATO khác, thì điều đó rõ ràng hơn. Học thuyết của NATO chỉ rõ rằng chỉ cần một tấc đất nhỏ nhất của lãnh thổ NATO bị Nga tấn công hoặc đe dọa, thì Liên Minh Bắc Đại Tây Dương sẽ có phản ứng. Câu hỏi ngay lập tức được đặt ra sẽ là vụ phóng tên lửa này do vô tình hay cố ý ? Nếu là cố ý, thì mọi chuyện không phải là nghiêm trọng mà là cực kỳ nghiêm trọng. 

NATO đã lường trước mọi kịch bản để sẵn sàng trả đũa nếu thực sự bị tấn công ? 

Jean-Paul Palomeros : Tất cả các kế hoạch và hoạt động của NATO đều nhằm mục đích dự đoán tương lai. Nhiều cuộc tập trận quân sự được tiến hành theo hướng này. Và kể từ cuộc xâm lược Crimée của Nga vào năm 2014, NATO đã có những nỗ lực tăng cường ngân sách, gia tăng các kế hoạch và tăng cường lực lượng phương Tây ở biên giới phía đông của châu Âu. Pháp cũng có mặt ở Rumani và các nước vùng Baltic, nơi chúng ta góp phần bảo đảm an toàn không phận. 

Mọi người đều biết rằng một cuộc tấn công trực diện lớn của Nga chống lại NATO dường như khó có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, không thể loại trừ hành động tấn công được thực hiện bằng tên lửa. Để tránh cho điều này xảy ra, Hội đồng NATO-Nga đã được thành lập và được duy trì đến năm 2014. Thật đáng tiếc là chúng ta đã không thể duy trì hoạt động của hội đồng vì cơ chế tham vấn này sẽ rất hữu ích vào thời điểm hiện tại. Chúng ta không hẳn đang ở trong một cuộc chiến tranh lạnh, nhưng chúng ta đang ở trong một tình thế có nhiều rủi ro.  

Vài tháng trước, Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng họ sẽ tiêu diệt hạm đội Nga ở Biển Đen và tất cả các vị trí của Nga ở Ukraina nếu Matxcơva sử dụng vũ khí hóa học hoặc hạt nhân... 

Jean-Paul Palomeros : Đối với tôi, dường như cuộc thảo luận về mối đe dọa hạt nhân đang giảm xuống nhanh chóng và đó là điều đáng mừng, mặc dù vẫn luôn có những người như Dmitri Medvedev tiếp tục tỏ ra hiếu chiến. Mọi người dường như đã thức tỉnh. Chiến tranh hạt nhân là một vấn đề quá nghiêm trọng để có thể đề cập hàng ngày như thể đó là chiến tranh sử dụng các vũ khí quy ước. Vũ khí hạt nhân đã quay trở lại đúng vị trí của mình, tức là vũ khí chiến lược. Các bên đều hài lòng về điều đó, cả Nga lẫn chúng ta. Nếu chúng ta có thể ngừng việc tầm thường hóa vũ khí nguyên tử, thì sẽ không ai bị thiệt. 

Vậy Nga có sợ NATO không ? 

Jean-Paul Palomeros : Họ hiểu rằng đó là một lực lượng đáng gờm với sự tham gia tích cực của Hoa Kỳ và hai cường quốc hạt nhân khác là Pháp và Anh. Đúng, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương rất mạnh. Nhưng điều khiến Nga thực sự sợ là thứ mà NATO đại diện, cụ thể là một chiếc dù bảo vệ cho các nền dân chủ và tự do. Họ biết rất rõ rằng NATO không xâm lược các quốc gia mà ngược lại, hỗ trợ các quốc gia muốn bảo vệ chủ quyền của mình. Đây chính là lý do tại sao Vladimir Putin tấn công Ukraina, ông ta cảm thấy làn gió dân chủ và tự do đang thổi quá gần biên giới nước Nga. Từ quan điểm đó, vấn đề của ông ta không phải là quân sự, mà là chính trị. 

Phản ứng tối đa của NATO sẽ là gì trong trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng, chẳng hạn nếu một tên lửa rơi xuống một thành phố hoặc một trường học của Ba Lan ? 

Jean-Paul Palomeros : Chúng ta đang bước vào một lĩnh vực vừa mang tính suy đoán và vừa kín đáo (không làm ầm ĩ). Đối với NATO và Liên Hiệp châu Âu (EU), họ có nguyên tắc đáp trả dần dần hoặc tương xứng, thể hiện qua hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế và chính trị đã được áp dụng, chưa kể viện trợ quân sự cho Ukraina. Phương Tây có tầm nhìn khái quát về vấn đề này. Và suy đoán về một kịch bản có thể xảy ra là rất khó. Trên thực tế, mọi thứ sẽ phụ thuộc vào thái độ của hai bên, cụ thể là thái độ của Nga. Liệu Nga có thừa nhận sai lầm của mình và thẳng thắn xin lỗi hay họ sẽ hoàn toàn phủ nhận ? Điều này sẽ tạo ra sự khác biệt, bởi NATO có phương tiện để nhận biết và chứng minh nguồn gốc của bất kỳ vật thể nào bay qua Ukraina. 

Trong trường hợp căng thẳng leo thang, NATO sẽ tăng cường sự hiện diện của mình ở biên giới. Liên minh sẽ tiến hành một cuộc tấn công trả đũa ? Đó là câu hỏi lớn. Tất cả phụ thuộc vào bối cảnh vốn rất khó dự đoán. Có rất nhiều sách khoa học viễn tưởng về chủ đề này và hơn nữa, điều này không quá xa thực tế. Cá nhân tôi nghĩ rằng tình hình sẽ phải nghiêm trọng hơn là một vụ tên lửa đi lạc để có thể gây ra leo thang căng thẳng. Đó phải là việc Nga cố ý tấn công. Nhưng với tương quan lực lượng hiện tại, tôi nghĩ điều đó khó có thể xảy ra. Nhưng vẫn có khả năng xảy ra những kịch bản khác. Các sự kiện quân sự có thể xảy ra ở những nơi khác như ở Biển Đen, ở Địa Trung Hải hay biển Baltic, trong vùng biển hoặc không phận quốc tế. Do vậy, chiến tranh vẫn chưa đến hồi kết thúc. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.