Vào nội dung chính
ISRAEL - NGA - UKRAINA

Tại sao Israel không thể theo phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina ?

Israel « sẽ không cung cấp vũ khí cho Ukraina » mà chỉ « cấp hệ thống báo động tấn công dân sự » nhưng « sẽ tiếp tục ủng hộ và sát cánh với phương Tây ». Bộ trưởng Quốc Phòng Benny Gantz đã tuyên bố như trên trong cuộc họp ngày 19/10/2022 với đại sứ các nước Liên Hiệp Châu Âu.

Ảnh minh họa : Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel, gần thị trấn Sderot, Israel.
Ảnh minh họa : Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm sắt của Israel, gần thị trấn Sderot, Israel. © CC / NatanFlayer
Quảng cáo

Bộ trưởng Quốc Phòng Benny Gantz đã phải khẳng định lập trường của Israel, chỉ hai ngày sau khi nhân vật số 2 của Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev, dọa trên mạng Telegram rằng nếu Israel giao vũ khí cho Kiev, « biện pháp bất cẩn » đó « sẽ phá hoại mọi mối quan hệ giữa hai nhà nước ».

Ông Yair Lapid, thủ tướng Israel hiện nay, là người lên án « chiến dịch quân sự » của Nga ở Ukraina và chỉ trích tổng thống Putin ngay khi còn làm ngoại trưởng. Tuy nhiên, « sức ảnh hưởng của Nga đối với Israel » đã được tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky nhấn mạnh trong buổi phỏng vấn với một số cơ quan truyền thông Pháp hôm 23/09. Ông Zelensky cho biết « bị sốc » « Tôi không hiểu chuyện gì xảy ra ở Israel. Tôi không hiểu tại sao họ không thể cung cấp phương tiện phòng không cho chúng tôi. Israel chẳng cấp gì cho chúng tôi cả. Không gì hết! »

Israel cần Nga chống « khủng bố » ở Trung Đông 

Ukraina cần hệ thống phòng không và ngay từ tháng 06 đã đề nghị Israel viện trợ hệ thống phòng thủ bắn chặn tên lửa « Vòm sắt ». Nhu cầu này mỗi ngày thêm cấp bách vào lúc Nga « đạt được một số thành công khi dùng nhiều drone tấn công cùng lúc » và sắp tới có thể dùng tên lửa của Iran, kẻ thù của Israel, tấn công những cơ sở hạ tầng, đặc biệt là năng lượng và nước, của Ukraina. Theo báo New York Times ngày 12/10, trích nguồn tin từ một quan chức cấp cao Israel, dường như một công ty của Israel đã cung cấp thông tin về drone của Iran được Nga sử dụng ồ ạt, cũng như hình ảnh chụp từ vệ tinh các vị trí của quân Nga. 

Về mặt chính thức, hỗ trợ của Israel chỉ dừng lại ở « viện trợ nhân đạo và giao thiết bị phòng thủ thiết yếu » cho Kiev, theo phát biểu của bộ trưởng Quốc Phòng Benny Gantz hôm 19/10. Sau thời gian đầu không lên án Nga, thậm chí cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Matxcơva, chính phủ Israel đã lên tiếng chỉ trích Nga gây chiến nhưng vẫn từ chối viện trợ vũ khí tấn công cho Ukraina. Đại sứ Ukraina tại Israel từng nói thẳng là Israel không giao vũ khí cho Kiev « vì sợ lực lượng Nga hiện diện ở Syria »

Thực vậy, Nhà nước Do Thái luôn cố gắng duy trì mối quan hệ hữu hảo với cả hai cường quốc Mỹ và Nga để bảo đảm an ninh của Israel trước những mối đe dọa trong khu vực, từ kẻ thù Iran, đến những lực lượng Hamad hay Hezbollah. Chính sách an ninh của Israel thường không thay đổi, dù thủ tướng là ai. Trong khi ở Trung Đông hiện nay, an ninh không thể ổn định nếu không có Nga, hiện hoạt động rất mạnh ở Syria. 

Theo trang The Conversation ngày 23/05, Israel và Nga đã xây dựng một mối quan hệ hợp tác được cho là thực dụng, luôn được củng cố trong những năm gần đây mà đỉnh điểm là thỏa thuận hợp tác quân sự và công nghệ được ký năm 2015. Thỏa thuận này được thể hiện rõ trên thực địa Syria, nơi hai lực lượng tránh đối đầu trên mặt đất và cho phép Israel tiến hành chiến dịch không quân « Operations beetween wars » nhắm vào các mục tiêu của lực lượng dân quân Iran theo hệ phái Shia đóng ở Syria, nơi Nga kiểm soát không phận, hoặc các lực lượng bị Israel liệt là « khủng bố », như Hezbollah. 

Vai trò của cử tri Do Thái gốc Liên Xô trong các cuộc bầu cử Israel 

Điểm thứ hai là lực lượng cử tri Do Thái gốc Liên Xô trong các cuộc bầu cử ở Israel. Gần 20% trên tổng số 9 triệu dân là người gốc Liên Xô cũ, đa số là người Ukraina và Nga. Đó là lực lượng cử tri không thể lơ là trong mỗi kỳ bầu cử tại đất nước mà khoảng cách đa số rất sít sao. Sự hiện diện đông đảo người Do Thái Nga cũng là yếu tố giúp thắt chặt quan hệ hai nước. 

Không chỉ là nơi lánh nạn của nhiều nhà đối lập với điện Kremlin, trong đó có nhiều người nổi tiếng chuyển đến ngay khi Nga phát động cuộc chiến ở nước láng giềng, Israel còn là điểm hạ cánh của rất nhiều nhà tài phiệt Nga, kể cả có quốc tịch Israel như Roman Abramovitch, Mikhail Fridman, Petr Aven, Viktor Vekselberg, bị phương Tây trừng phạt do có liên hệ với tổng thống Putin.  

Israel không muốn bị liên lụy đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây nên ngay ngày 27/02, khi còn là ngoại trưởng, ông Yair Lapid, đã chủ trương Israel từ chối giúp đỡ các nhà tài phiệt Nga là người Do Thái, bị phương Tây trừng phạt. Sự hiện diện của họ có thể ảnh hưởng đến tình hình trong nước vì lý do kinh tế. Biện pháp này được xác nhận ngày 14/03 khi một quan chức cấp cao tuyên bố Israel sẽ cố gắng góp phần áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào giới tài phiệt Nga. 

Sau dấu hiệu bị Nga coi là thiếu thiện chí, là một « sự cố » ngoại giao khác bắt đầu từ ngoại trưởng Nga. Ông Serguei Lavrov phát biểu « tổng thống người Do Thái Zelensky không nên đi theo chủ nghĩa phát xít ». Ngay lập phía Israel lên án những bình luận này là « dối trá »« phân biệt chủng tộc » và « ám chỉ bài Do Thái ». Không dừng ở đó, ngoại trưởng Nga nhanh chóng lên án chính phủ Israel ủng hộ « chế độ tân phát xít » ở Kiev. Theo một số nguồn tin Israel được báo chí Pháp trích dẫn, ông Putin dường như đã xin lỗi Israel nhưng thông tin này bị điện Kremlin bác bỏ.  

Để đáp trả « lập trường chống Nga và ủng hộ chế độ Ukraina », Matxcơva dọa đóng của Cơ quan Do Thái Nga. Đây là một tổ chức phi chính phủ nhưng được Nhà nước Israel hậu thuẫn, nhằm vận động và giúp đỡ người Do Thái khắp thế giới di cư đến Israel. Trong thông điệp đăng trên YouTube ngày 26/07 và được hãng tin Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu trích dẫn, người phát ngôn bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova đã đề cập đến yêu cầu của bộ Tư Pháp Nga với tòa án cho dừng hoạt động của văn phòng của Cơ quan Do Thái tại Nga vì đã vi phạm đời tư của người Nga. 

Israel cũng ở thế khó xử vì có đến 250.000 người Do Thái sinh sống ở Ukraina, tập trung đông ở thành phố Uman. Bản thân tổng thống Zelensky cũng xuất thân từ gia đình Do Thái và nằm trong số ba nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới là người Do Thái (thủ tướng Israel và Latvia). Ông của tổng thống Zelensky có anh em chết trong cuộc diệt chủng Holocaust của Đức Quốc xã. Vì thế, sự trung lập của Israel, một đất nước được coi là chốn yên bình cho những cộng đồng bị truy sát, lại là sự thất vọng lớn cho tổng thống Zelensky, theo bà Elizabeth Sheppard-Sellam, giảng viên Đại học Tours (Pháp) được trang France 24 trích dẫn ngày 21/03. 

Ông Zelensky bất bình vì Israel là nước duy nhất trong phe phương Tây không hỗ trợ quân sự cho cuộc chiến chống xâm lược Nga của Ukraina. Thực vậy, theo trang The Conversation, không giống như các quốc gia khác, Israel không phải là một đối tác chiến lược mà là một đồng minh hữu cơ của các cường quốc phương Tây và sự sống còn của nước này phụ thuộc vào sự ủng hộ vững chắc này. Việc duy trì ưu thế quân sự của Israel (Qualitative Military Edge) luôn được Hoa Kỳ đảm bảo. Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ 10 năm cho giai đoạn 2019-2028, Washington đã viện trợ quân sự cho Israel 38 tỷ đô la. Chỉ riêng 2022, chính quyền Biden đã yêu cầu 3,3 tỷ đô la viện trợ cho tài chính quân sự nước ngoài của Israel và 500 triệu đô la hỗ trợ phòng thủ tên lửa. 

Hiện giờ, cuộc chiến ở Ukraina đào sâu thêm khoảng cách tồn tại giữa Israel và Nga, hai nước chưa bao giờ là đồng minh chiến lược mà chỉ đơn thuần là đối tác tình thế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.