Vào nội dung chính
BOSNIA - BẦU CỬ

Bầu cử Bosia: Phe ‘‘cải cách’’ đối đầu với phe ‘‘dân tộc chủ nghĩa’’

Quốc gia Nam Âu Bosnia-Herzegovina (gọi tắt là Bosnia) bỏ phiếu bầu Quốc Hội và Hội Đồng Tổng Thống mới hôm nay, 02/10/2022. Nỗi lo ngại tái bùng phát xung đột sắc tộc đè nặng lên xã hội Bosnia, vốn đang trong cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng nhất kể từ khi kết thúc nội chiến.   

Cử trị Bosnia- Herzegovina đi bầu lãnh đạo đất nước, tại Sarajevo, Bosnia, ngày 02/10/2022.
Cử trị Bosnia- Herzegovina đi bầu lãnh đạo đất nước, tại Sarajevo, Bosnia, ngày 02/10/2022. AP - Armin Durgut
Quảng cáo

Bên cạnh Quốc Hội, và các hội đồng dân cử cấp địa phương và cấp vùng, 3,4 triệu cử tri Bosnia bầu chọn Hội Đồng Tổng Thống, gồm ba thành viên Hội Đồng Tổng Thống. Mỗi thành viên Hội Đồng Tổng Thống đại diện cho một cộng đồng sắc tộc : cộng đồng người Hồi Giáo Bosnia, cộng đồng người Serbia ở Bosnia chủ yếu theo Chính Thống Giáo và cộng đồng người Croatia, chủ yếu theo Công Giáo. 

Thể chế liên bang của Bosnia-Herzegovina, với cơ chế Hội Đồng Tổng Thống nói trên, được xác lập theo các Thỏa Ước Dayton năm 1995, chấm dứt nội chiến lập lại hòa bình tại Bosnia. Nội chiến kéo dài từ 1991 đến 1995 khiến khoảng 100.000 người chết và hơn 2 triệu người tị nạn. Bosnia hiện đang trong tiến trình gia nhập Liên Âu (EU). EU chính thức công nhận quy chế ứng viên của Bosnia từ năm 2016.

Theo hãng tin Reuters, việc thiếu các thăm dò dư luận đáng tin cậy khiến mọi dự đoán đều trở nên khó khăn, tuy nhiên, theo nhiều nhà phân tích, các đảng phái dân tộc chủ nghĩa có nhiều khả năng tiếp tục thống trị chính trường Bosnia. Thay đổi quan trọng nhất có thể đến từ phe Hồi Giáo Bosnia, có đông đảo cử tri nhất và đa dạng nhất xét về quan điểm chính trị.    

Hai đối thủ - tranh cử chức thành viên Hội Đồng Tổng Thống đại diện cho cộng đồng Hồi Giáo Bosnia - là lãnh đạo đảng Hành động Dân chủ (SDA) (thành viên của liên đảng cánh hữu châu Âu PPE), ông Bakir Izetbegovic, người bốn lần nắm giữ chức chủ tịch Hội Đồng Tổng Thống Bosnia, và ông Denis Becirovic, ứng cử viên đảng cải cách Xã hội – dân chủ (SDP), chống chủ nghĩa dân tộc, được 11 phong trào đối lập của xã hội dân sự ủng hộ.   

 Về phần cộng đồng người Serbia tại Bosnia, cuộc đọ sức diễn ra giữa thủ lĩnh phe ly khai dân tộc chủ nghĩa với kinh tế gia đối lập Jelena Trivic.

Phóng sự của đặc phái viên Daniel Vallot gửi về từ Sarajevo cho thấy không khí đối đầu căng thẳng giữa hai phe, cải cách và dân tộc chủ nghĩa:     

‘‘Người cựu chiến binh từng tham gia cuộc chiến, đã chia cắt Bosnia vào đầu những năm 1990, từ chối cho biết tên. Không giấu được nỗi lo lắng trước các phát biểu dân tộc chủ nghĩa, ông nói: ‘‘việc tôi lo lắng là chuyện bình thường. Tôi 23 tuổi vào lúc chiến tranh nổ ra. Tôi đã ở trong chiến hào đằng kia vào lúc đó, bạn thấy không? Tại chiến tuyến nằm phía trên nghĩa trang Do Thái kia kìa. Giờ đây, tôi đã có con cái, tôi không muốn chúng phải trải qua những điều tương tự’’.   

 Aida 11 tuổi khi chiến tranh nổ ra. Cô cũng từng lo sợ, vào lúc người Serbia ở Bosnia vào đầu năm nay đe dọa sẽ ly khai. Tuy nhiên, cô ấy cho chúng tôi biết là những lo lắng đã nhanh chóng tan biến sau đó. Aida nói : ‘‘Rút cuộc chúng tôi nhận ra rằng sẽ không có chiến tranh đâu, đơn giản vì sẽ không có ai để gây ra nó. Những người thuộc thế hệ tôi sẽ không cầm súng. Bởi vì mọi người đều biết thế nào là chiến tranh, và sẽ chẳng thu được gì từ đó’’.     

Có một quan điểm rất phổ biến ở Sarajevo, đó là những người duy nhất quan tâm đến việc chia rẽ các sắc tộc là các đảng phái dân tộc chủ nghĩa. Theo một người đàn ông Bosnia, các luận điệu chia rẽ này ‘‘chỉ là cách nói hùng biện mà người ta sử dụng để khiến mọi người sợ hãi. Người ta nói với bạn rằng, nếu bạn không bầu cho chúng tôi thì đó sẽ là một thảm họa, nhưng sau đó, họ sẽ không làm gì trong bốn năm tiếp theo’’.   

Theo các thăm dò sau cuộc bỏ phiếu Chủ nhật này, một liên minh các đảng đối lập ở Bosnia – có lập trường khác xa với những luận điệu dân tộc chủ nghĩa - hy vọng sẽ có thể làm thay đổi tình hình, với việc đánh bại ứng cử viên của đảng SDA liên tục nắm quyền kể từ khi chiến tranh kết thúc’’.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.