Vào nội dung chính
KYRGYZSTAN - TADJIKISTAN - XUNG ĐỘT

Xung đột Kyrgyzstan và Tadjikistan: Thỏa thuận ngừng bắn còn "mong manh"

Đụng độ biên giới giữa hai quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) bùng phát đúng vào lúc tổ chức này đang họp thượng đỉnh tại Uzbekistan. Thỏa thuận ngừng bắn được lãnh đạo hai nước đưa ra bên lề thượng đỉnh hôm qua được coi là  "mong manh", trong lúc hai bên hôm nay, 17/09/2022, tiếp tục cáo buộc nhau về các hành động gây hấn.

Người dân Kyrgyzstan tụ tập đông đảo trước trụ sở chính phủ tình nguyện đến vùng xảy ra xung đột với Tadjikistan ngày 16/09/2022.
Người dân Kyrgyzstan tụ tập đông đảo trước trụ sở chính phủ tình nguyện đến vùng xảy ra xung đột với Tadjikistan ngày 16/09/2022. AP - Vladimir Voronin
Quảng cáo

Theo AFP, lực lượng biên phòng Kyrgyzstan ra thông báo cho biết quân đội Tadjikistan đã bốn lần bắn vào một số vị trí quân sự của Kyrgyzstan dọc biên giới sáng nay, đặc biệt là bằng pháo cối. Các vụ tấn công xảy ra tại hai vùng Och và Batken ở miền nam. Theo thông tin từ phía Kyrgyzstan, hai bên đang chuẩn bị một đợt thương lượng mới giữa các đại diện của lực lượng biên phòng hai nước.

Về phần mình, biên phòng Tadjikistan cho biết tình hình ‘‘tương đối tạm lắng’’ vào lúc 10 giờ, giờ địa phương, nhưng cũng cáo buộc Kyrgyzstan về một số vi phạm tại biên giới, và khẳng định quân đội Kyrgyzstan đang tăng cường lực lượng ở biên giới.

Về thiệt hại nhân mạng, theo bộ Y Tế Kyrgyzstan, đã có 24 người chết và 103 người bị thương trong các vụ đụng độ. Chính quyền Kyrgyzstan nói đến hàng chục nghìn người sơ tán. Về phía Tadjikistan, bộ Nội Vụ nước này cũng cho biết nhiều thường dân bị thiệt mạng khi lệnh ngừng bắn bị vi phạm, nhưng không nêu con số.

Kyrgyzstan và Tadjikistan là hai quốc gia Liên Xô cũ và cũng là hai thành viên sáng lập của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, ra đời năm 2001, với Nga và Trung Quốc là trụ cột. Xung đột biên giới giữa Kyrgyzstan và Tadjikistan chưa bao giờ ngưng kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Gần một nửa trong số 970 cây số biên giới giữa hai nước là nơi tranh chấp. Tháng 4/2021, bạo lực bùng lên khiến hơn 50 người chết, gây lo ngại xung đột vũ trang lan rộng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.