Vào nội dung chính
ĐỨC - VŨ KHÍ - UKRAINA

Đức lại bị chỉ trích vì dè dặt trong việc cung cấp chiến xa cho Ukraina

Trong bối cảnh Ukraina liên tiếp loan báo những thành công về mặt quân sự, đặc biệt là nhờ vào vũ khí do phương Tây cung cấp, chính quyền Đức vào hôm qua, 12/09/2022, lại bị chỉ trích vì không chịu bật đèn xanh cho việc cung cấp chiến xa hiện đại cho Ukraina theo đề nghị của chính quyền Kiev.

(Ảnh minh họa) - Chiến xa Leopard 2 của Đức tham gia đợt tập trận ở Letzlingen, tháng 03/2011.
(Ảnh minh họa) - Chiến xa Leopard 2 của Đức tham gia đợt tập trận ở Letzlingen, tháng 03/2011. Sean Gallup/Getty Images
Quảng cáo

Phát biểu tại Berlin, bà Christine Lambrecht, bộ trưởng Quốc Phòng Đức cho biết là để hỗ trợ Ukraina, chính quyền của thủ tướng Olaf Scholz dự trù nới lỏng các quy tắc xuất khẩu vũ khí. Thế nhưng, bà lại làm dấy lên tranh cãi khi tiếp tục tỏ thái độ dè dặt trong việc cung cấp chiến xa cho Ukraina, với lý do là Berlin không thể “một mình” làm việc này trong bối cảnh “chưa một nước nào cung cấp xe thiết giáp chuyển quân hoặc chiến xa phương Tây” cho Ukraina.

Thông tín viên RFI tại Berlin, Pascal Thibault phân tích :

“Đức phải đóng một vai trò hàng đầu trong NATO”: Trong bài phát biểu sáng thứ Hai 12 tháng 9 về chiến lược quân sự của Đức, bà bộ trưởng Quốc Phòng đã cho thấy tham vọng của Berlin. Nhưng khi được hỏi về việc giao loại xe tăng Leopard 2 cho Ukraina, Christine Lambrecht đã nhắc lại câu trả lời thông thường của chính quyền Đức từ nhiều tuần lễ nay : Không hành động một mình. Một ít lâu sau đó, bản thân thủ tướng Olaf Scholz cũng có câu trả lời tương tự. 

Một số người đang tự hỏi liệu sự phối hợp với các đối tác NATO mà Đức cho là cần thiết để làm việc này có che giấu thái độ nhát gan của Berlin hay không.  

Những thành công quân sự của Ukraina trong những ngày gần đây đã làm dấy lên cuộc tranh luận về sự giúp đỡ mạnh mẽ hơn, với việc cung cấp chiến xa. Trong chuyến thăm Kiev vào tuần trước, ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock đã phải đối mặt với đề nghị của Ukraina mà không thể đưa ra câu trả lời dứt khoát.  

Đảng Xanh và đảng Tự Do, trong liên minh của thủ tướng Olaf Scholz, chủ trương tăng gia nỗ lực với việc chuyển giao xe tăng Marder và Leopard 2 cho Ukraina. Hướng này cũng được cánh bảo thủ trong phe đối lập Đức ủng hộ. Thế nhưng, đảng Dân Chủ Xã Hội của thủ tướng Scholz lại tỏ ra dè dặt hơn”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.