Vào nội dung chính
NGOẠI GIAO UKRAINA

Ukraina đả kích lập trường trung lập của Ấn Độ, nhưng tránh phê phán Trung Quốc

Từ ngày Nga xâm lược Ukraina đến nay, hai nước lớn ở châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc đều duy trì thái độ trung lập, không lên án Matxcơva như Phương Tây. Lãnh đạo ngành ngoại giao Ukraina vào hôm qua, 10/09/2022 đã lên tiếng chỉ trích Ấn Độ, nhưng lại tỏ vẻ thận trọng đối với Trung Quốc.

Anh minh họa: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba họp báo tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 29/08/2022 cũng với nữ thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson.
Anh minh họa: Ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba họp báo tại Stockholm (Thụy Điển), ngày 29/08/2022 cũng với nữ thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson. via REUTERS - TT NEWS AGENCY
Quảng cáo

Theo nhật báo Pháp Le Monde, phát biểu tại Kiev nhân một diễn đàn quốc tế mang tên Yalta European Strategy (YES), ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba, đã không ngần ngại cáo buộc Ấn Độ “hưởng lợi” từ “sự hy sinh” của Ukraina và Phương Tây.

Đối với ngoại trưởng Ukraina: “Bạn không thể trung lập và giả vờ như không có gì xảy ra khi về cơ bản bạn được hưởng lợi từ những hy sinh của chúng tôi”.

Kể từ khi bắt đầu xâm lược Ukraina, và phải hứng chịu một loạt các lệnh trừng phạt của phương Tây, bao gồm cả cấm vận đối với dầu mỏ, Nga đã trở thành nhà cung cấp dầu thô chính cho Ấn Độ. Các nhà máy lọc dầu Ấn được hưởng những khoản giảm giá quan trọng, trong lúc giá xăng dầu ở châu Âu tăng vọt.

Theo ông Kuleba: “Sở dĩ Ấn Độ mua được dầu của Nga với giá rất thấp để giải quyết các vấn đề trong nước của họ, đó là vì đã có ai đó hy sinh tính mạng ở Ukraina và ai đó ở châu Âu áp đặt các biện pháp trừng phạt”. Vì vậy, theo ngoại trưởng Kuleba, “Ấn Độ mắc nợ” Ukraina.

Thế nhưng, khi được hỏi về mối quan hệ của Ukraina với Trung Quốc, nước cũng không lên án cuộc xâm lược của Nga, ngoại trưởng Ukraina cho biết ông muốn có một cuộc đối thoại tích cực hơn với Bắc Kinh, không phải là vì hai bên không có liên lạc, mà là vì Kiev muốn hiểu thêm về Trung Quốc.

Ông Kuleba khẳng định: “Mỗi khi các quan chức Trung Quốc nói điều gì đó đi ngược lại với lợi ích quốc gia của Ukraina, chúng tôi đều không ngần ngại phản ứng. Nhưng về nguyên tắc, chúng tôi không thấy là Trung Quốc đang giúp đỡ Nga (…) và đó đã là một điều tốt”.

Ukraina chỉ trích IMF

Cũng tại Diễn Đàn Yes, hôm qua, thủ tướng Ukraina Denys Chmygal đã chỉ trích "thái độ thụ động" của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế FMI/IMF và bày tỏ lo ngại về "sự chậm trễ" của định chế này trong việc xem xét yêu cầu trợ giúp của Ukraina.

Vào tháng 8 vừa qua, Kiev đã yêu cầu IMF để ra một chương trình viện trợ mới vì nền kinh tế Ukraina bị ảnh hưởng cuộc xâm lược của Nga tác hại nặng nề, có nguy cơ bị co thắt hơn 30% trong năm nay.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.