Vào nội dung chính
G7-NGA

Nhóm G7 đạt thỏa thuận về cơ chế áp giá trần đối với dầu lửa của Nga

Trong cuộc họp trực tuyến hôm 02/09/2022, theo đề xuất của chính quyền tổng thống Mỹ Joe Biden, bộ trưởng Tài Chính các nước thành viên nhóm G7 đã đạt thỏa thuận về cơ chế áp giá trần đối với dầu lửa nhập khẩu từ Nga. Biện pháp này nhằm cắt bớt nguồn thu nhập của Nga từ ngành năng lượng.

Christian Lindner, bộ trưởng Tài Chính Đức họp báo ngày 02/09/2022 tại Berlin sau cuộc họp trực tuyến với các đồng cấp trong nhóm G7.
Christian Lindner, bộ trưởng Tài Chính Đức họp báo ngày 02/09/2022 tại Berlin sau cuộc họp trực tuyến với các đồng cấp trong nhóm G7. REUTERS - MICHELE TANTUSSI
Quảng cáo

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất muốn « cấp tốc» triển khai cơ chế mới về áp giá trần đối với dầu lửa của Nga. Trong thông cáo chung, G7 giải thích là giá sẽ được ấn định dựa trên hàng loạt dữ liệu kỹ thuật, nhưng vẫn chưa thông báo mức giá trần cụ thể mà họ muốn áp dụng.

Mục tiêu của G7 là hạ giá dầu của Nga xuống thấp hơn mức hiện tại, nhưng không thấp đến mức Nga phải ngưng xuất khẩu dầu. Tuy nhiên, theo phân tích của chuyên gia Philippe Charlez, Viện SAPIENS trên đài RFI Pháp ngữ, cơ chế này là không thể áp dụng được:

« Chúng tôi chưa có bất cứ thông tin nào về cơ chế này. Dường như đó là một cơ chế không thể áp dụng được, nhất là vì không phải tất cả các nước đều sẽ tham gia. Nếu tất cả các quốc gia trên thế giới đều tham gia vào việc áp giá trần đối với dầu lửa Nga, tức là cơ chế này mang tính toàn cầu, thì nó sẽ phát huy hiệu quả.

Thế nhưng, chúng ta biết rằng hiện giờ rất nhiều dầu lửa của Nga được xuất qua Ấn Độ và Trung Quốc. Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều sẽ không chấp nhận ván bài này. Nếu chỉ có một số nước áp dụng nguyên tắc này thì có nghĩa là cơ chế không có hiệu lực. Trên thế giới chỉ có một thị trường dầu lửa duy nhất, với một mức giá được ấn định theo đơn vị thùng dầu, bất kể nguồn dầu là từ đâu.

Điều mà nhóm G7 có thể quyết định là nói rằng các nước thành viên trong nhóm sẽ không mua dầu với giá trên 80 đô la/thùng. Nhưng nếu họ chỉ mua dầu ở mức giá 80 đô la/thùng trở xuống, điều này có nghĩa là lượng dầu lửa đó sẽ được bán cho các nước khác. Và như vậy các nước G7 có thể làm cho thị trường cạn kiệt và chỉ càng đẩy giá dầu tăng thêm ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.