Vào nội dung chính
TRUNG QUỐC-PAKISTAN

Pakistan, trở ngại trên con đường tơ lụa mới OBOR của Trung Quốc

Cuộc đọ sức huynh đệ tương tàn tranh giành quyền lực tại Islamabad đe dọa quyền lợi kinh tế của Trung Quốc ?. Toàn cảnh kinh tế Pakistan thêm đen tối trước nguy cơ khủng hoảng chính trị kéo dài, tình hình « vuột ngoài tầm kiểm soát » sau việc thủ tướng bị lật đổ Imran Khan hôm 22/08/2022 chính thức bị khởi tổ vì tội « vi phạm luật chống khủng bố ». Nổi tiếng là thân Bắc Kinh, ông bị cáo buộc nhận tiền của « nước ngoài ».

Pakistan trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 20/04/2015.
Pakistan trải thảm đỏ đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 20/04/2015. Reuters
Quảng cáo

Đắc cử năm 2018, cựu cầu thủ bóng cricket của Pakistan Imran Khan đã mất chức do bị Quốc Hội bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 4/2022. Nguyên đại sứ Pakistan tại Hoa Kỳ, Mahilha Lodhi đánh giá : không có lý do nào để lạc quan về tương lai chính trị và kinh tế tại quốc gia Nam Á này.

RFI tiếng Việt mời giáo sư Hugo Billard, chuyên về địa chính trị trường Saint Michel Picpus, Paris phân tích thêm về vị trí của Pakistan trên bàn cờ kinh tế và chiến lược của Trung Quốc.  

Năm 2015 tại Islamabad, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết hàng loạt hợp đồng đầu tư 60 tỷ đô la vào Pakistan. Thủ tướng Nawaz Sharif khi đó kỳ vọng Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Pakistan CECP là chiếc đũa thần biến quốc gia Nam Á này thành một « Con Cọp Kinh Tế » của châu lục. Bảy năm sau, thủ tướng Pakistan đương nhiệm Shehbaz Sharif – em trai ông Nawaz Sharif, cay đắng nhận thấy rằng, trở thành một « Con Cọp Kinh Tế » của châu Á là giấc mơ ngoài tầm tay.

Islamabad năm 2019 dưới sự điều hành của thủ tướng Imran Khan đã phải cầu viện Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế để tránh khỏi kịch bản « mất khả năng thanh toán nợ nước ngoài ». Một năm sau Pakistan kiểm điểm tình hình tài chính và nhận thấy 60 % nợ nước ngoài do Trung Quốc nắm giữ.  

Về phía Bắc Kinh, chủ nợ chính của Pakistan, tuy nắm « dao đằng chuôi » nhưng thất vọng vì đối tác Islamabad cũng lớn không kém. Hành lang CECP nối liền Tân Cương với biển Ả Rập vốn được xem là một « ngọn hải đăng » trên Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc đang bị « sa lầy ». Quan hệ Bắc Kinh –Islamabad nguội lạnh. Nhiều công trình của Trung Quốc tại Pakistan bị tấn công. Tháng Giêng 2022, thủ tướng Imran Khan sang tận Bắc Kinh cầu viện và ông đã ra về tay không. Hơn ba tháng sau, ông mất chức.  

Giáo sư địa chính trị trường Saint Michel Picpus Paris, Hugo Billard nhắc lại vì sao Bắc Kinh đã quan tâm đến Pakistan :

Hugo Billard : « Đường biên giới duy nhất ổn định của Pakistan là với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới. Bắc Kinh xem Pakistan là cửa ngõ mở ra Tây Ấn Độ Dương. Thí dụ như nhờ hợp tác với Islamabad mà dầu hỏa của Iran và các luồng giao thương với Trung Đông không bắt buộc phải đi qua ngả Đông Nam Á, qua Biển Đông. Từ Tây Tạng Trung Quốc có thể « đấu nối » vào Pakistan, đi một mạch ra hải cảng Gwadar nhìn ra Ấn Độ Dương. Đây là một cảng với những hoạt động thương mại rất lớn nhưng càng lúc các hoạt động quân sự càng được mở rộng. Đừng quên rằng cảng Gwadar là một chặng dừng trước khi đến cảng Djibouti, căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở hải ngoại. Từ cảng của Pakistan, Trung Quốc cũng dễ dàng vươn ra Hồng Hải, hay Vịnh Ba Tư … Mục đích của Bắc Kinh là hiện diện ở khắp khu vực này để bảo đảm các nguồn cung ứng và các tuyến đường giao thương từ Hoa Lục đến Trung Đông mà Pakistan là một mắt xích quan trọng. Thực ra, cho đến nay, Pakistan chưa hẳn là một hành lang quan trọng lắm nhìn từ góc độ kinh tế và thương mại, nhưng đây là một vành đai mang tính chiến lược. Rõ ràng Trung Quốc cần bảo đảm tất cả mọi ngả -trên bộ cũng như trên biển, vì xuất nhập khẩu ».

RFI : Vào lúc Trung Quốc luôn bị ám ảnh về an ninh quân sự, về an ninh cho các hoạt động xuất nhập khẩu, các nhà quan sát lại cho rằng, « không một đường biên giới nào của quốc gia rộng lớn này thực sự ổn định ». Phải chăng vì vậy ở đường biên giới tây nam, sát với Ấn Độ , sát với Pakistan, Bắc Kinh muốn lôi kéo Islamabad về phía mình, để làm đối phó với New Delhi khi cần ?  

Hugo Billard : «  Dùng Pakistan như một đòn bẩy để đối phó với Ấn Độ, điều đó chỉ đúng một phần. Câu hỏi đặt ra là một cuộc xung đột với Ấn Độ có lợi gì cho Trung Quốc hay không ? Thực tế là xung đột ở biên giới Trung Quốc, với Ấn Độ hay là giữa Ấn Độ với Pakistan chẳng hạn chẳng mang lại lợi ích gì cho Bắc Kinh cả. Trung Quốc cũng không muốn các nước láng giềng sát cạnh rơi vào thế bất ổn, vì như vậy sẽ đe dọa đến những quyền lợi kinh tế của chính Trung Quốc. Tranh chấp biên giới Ấn -Trung đã và vẫn xảy ra nhưng đừng quên rằng Trung Quốc không hề muốn một cuộc chiến thứ ba ở đường biên giới chung. Sau cùng, tôi không tin rằng chủ đích của Bắc Kinh là biến Islamabad, một đồng minh của Mỹ, thành một đối tác trung thành. Trung Quốc muốn được bảo đảm rằng Pakistan là một cửa ngõ thương mại, là một quốc gia tương đối ổn định về mặt chính trị, để không phải đàm phán lại từ đầu mỗi lần thay đổi chính phủ tại Islamabad. Trung Quốc cũng không muốn hai quốc gia Nam Á là Ấn Độ và Pakistan chạm súng, và nhất là muốn có một sự ổn định nào đó giữa Pakistan với Afghanistan. Tất cả những điều đó nhằm phục vụ một lợi ích : đó là tiếp tục xây dựng Con Đường Tơ Lụa Mới ở một vùng mà giới trong ngành thường gọi là ‘thùng thuốc súng’ của châu Á ».

RFI : « Thùng thuốc súng của châu Á » ngay sát cạnh đường biên giới Trung Quốc : phải chăng vì vậy mà Bắc Kinh đã có tham vọng cả về quân sự ở Pakistan, như với các dự án phát triển cảng Gwadar ?

 Hugo Billard : « Trung Quốc biết rõ là Mỹ sẽ không để cho Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng quân sự tại Pakistan một cách quá đáng, cho dù là từ ngày giành được độc lập năm 1947, Islamabad luôn có một chiến lược lạ lùng. Gần đây nhất là việc Pakistan vừa là đồng minh của Mỹ, nhận viện trợ quân sự của Hoa Kỳ nhưng lại ủng hộ quân Taliban. Lúc thì dung túng Ben Laden, nhưng điều đó không cấm cản trùm khủng bố người Ả Rập Xê Út này đã bị quân đội Mỹ giết chết ngay trên lãnh thổ Pakistan. Dù vậy đừng quên, khu vực Nam Á này như vừa nói là một « thùng thuốc nổ » mà không một cuờng quốc nào, từ Mỹ đến Trung Quốc hay Ấn Độ và kể cả Nga, Iran, Thổ Nhĩ kỳ dám đùa với lửa ».

RFI : Một câu hỏi chót liên quan đến vai trò của Pakistan trên hồ sơ Afghanistan : làm thế nào hiểu được những nước cờ của Islamabad, vừa nhận viện trợ quân sự của Mỹ, vừa là chốn dung thân cho quân Taliban bên Afghanistan. Pakistan liệu có thể là một lá bài của Bắc Kinh trong cuộc tranh hùng Mỹ-Trung ?  

Hugo Billard : « Mục đích của Pakistan là giữ để đường biên giới với Afghanistan được ổn định tối đa. Islamabad cũng không muốn trực tiếp đương đầu với Ấn Độ trong một cuộc xung đột vũ trang. Vì lợi ích kinh tế Pakistan bắt tay Trung Quốc. Thế còn với Afghanistan, từ trước đến giờ, tức là kể từ ngày tuyên bố độc lập năm 1947, các chính quyền liên tiếp đều chủ trương chọc gậy bánh xe ngăn cản nước láng giềng sát cạnh này được yên ổn về mặt chính trị, và thịnh vượng về kinh tế. Bất luận quyền lực tại Kaboul trong tay ai, Islamabad đã can thiệp bằng mọi giá  để Afghanistan không ngả về phía Ấn Độ. Pakistan cần duy trì một nước Afghanistan vừa yếu kém về kinh tế, vừa để các bộ tộc, các phe phái đánh nhau vì quyền lực chính trị. Có như thế Islamabad mới có thể can thiệp dưới hình thức này hay hình thức khác. Có như thế Afghanistan mới phục vụ quyền lợi, và nhất là về mặt an ninh, của Pakistan.

Với Mỹ, người ta thường nói Pakistan, ‘hai mặt’, theo tôi Islamabad không đi thang hai dây mà là ba, hay thậm chí là đến bốn dây thì đúng hơn. Tất cả chỉ vì an ninh trên chính lãnh thổ của mình. Pakistan từng là điểm tựa của phe Taliban Afghanistan trong thời gian gần 20 năm phe này bị liên quân quốc tế truy đuổi. Từ khi Taliban trở lại cầm quyền ở Kaboul hồi tháng 8/2021 mà Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi công nhận  chế độ mới ở Afghanistan. Điều đó không hoàn toàn khiến Pakistan hài lòng, bởi vì nếu Bắc Kinh và Taliban hợp tác, mở hành lang giao thương gắn kết Hoa Lục với Afghanistan sang đến tận Vịnh Ba Tư, Iran thì Trung Quốc có thể ít chú ý đến Pakistan hơn. Vả lại Islamabad cũng muốn dùng lá bài Afghanistan để mặc cả với Mỹ để làm đối trọng với ảnh hưởng của Nga và Trung Quốc trong khu vực. Đó là chưa kể cả Nga lẫn Trung Quốc cùng là đứng về phía Iran ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.