Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nhà máy Zaporijjia : ‘Nồi áp suất’ hạt nhân gấp 6 lần Tchernobyl

Tình hình nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia được bộ trưởng Quốc Phòng Nga và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc thảo luận ngày 15/08, tiếp theo là cuộc điện đàm giữa hai tổng thống Pháp và Ukraina ngày 16/08. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc và tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đến gặp tổng thống Ukraina tại thành phố Lviv ngày 18/08. Hàng loạt hoạt động ngoại giao ráo riết nói trên cho thấy quốc tế đang nỗ lực tránh một thảm họa như Tchernobyl trước việc nhà máy Zaporijjia liên tục bị oanh kích từ ngày 05/08.

Lính Nga đứng gác trước nhà máy hạt nhân Zaporijjia, miền nam Ukraina, ngày 01/05/2022.
Lính Nga đứng gác trước nhà máy hạt nhân Zaporijjia, miền nam Ukraina, ngày 01/05/2022. AP
Quảng cáo

Dựa vào phát biểu với Reuters của một kỹ sư Ukraina ẩn danh, có thể thấy tình hình bên trong nhà máy Zaporijjia rất căng thẳng. Nhân viên làm việc dưới sự giám sát của khoảng 500 quân Nga, được trang bị vũ khí hạng nặng. Từ cuối tháng 7, họ phải chịu sức ép lớn hơn cả về tâm lý lẫn thể chất để tránh « thảm kịch lớn như Tchernobyl năm 1986 và có lẽ còn kinh khủng hơn » do các vụ oanh kích nhắm vào nhà máy.

Mối đe dọa nguy hiểm gấp sáu lần Tchernobyl

Tương tự như nhà máy Tchernobyl, quân Nga cũng chiếm nhà máy Zaporijjia, nằm bên bờ sông Dnipro, ngay trong những ngày đầu xâm lược. Từ ngày 05/08, thị trưởng Energoda, thành phố đặt nhà máy Zaporijjia, lên án các vụ bắn súng cối gần như thường nhật. Một lần, tên lửa đã rơi gần một kho chứa chất phóng xạ và một lần tấn công khác hôm 05/08 đã làm hỏng biến thế, khiến lò phản ứng số 3 ngừng hoạt động. Cả Nga và Ukraina cáo buộc nhau oanh kích nhà máy, làm dấy lên lo sợ tái diễn thảm họa hạt nhân như Tchernobyl. Còn người dân trong vùng lo « sẽ chịu chung số phận với người dân Tchernobyl ».

Khả năng xảy ra thảm họa là có, nhưng thật ra không giống mối đe dọa năm 1986, theo giải thích của một kỹ sư Pháp về xử lý sự cố ở các cơ sở hạt nhân, với trang Marianne ngày 16/08 : « Chất phóng xạ vào thời điểm đó rất tập trung, có đến vài trăm tấn uranium được chứa ở cùng một chỗ, gọi là « trung tâm ». Ngày nay, chúng được trữ trong cơ sở và không có cùng thành phần hay cấu trúc như năm 1986 ».

Tuy nhiên, Tchernobyl chỉ có một lò phản ứng bị nổ, trong khi Zaporijjia có đến 6 lò phản ứng, với công xuất gần 6.000 megawatt và vẫn hoạt động. Ngày 15/08, tổng thống Ukraina cảnh báo : « Mọi sự cố phóng xạ ở nhà máy hạt nhân Zaporijjia có thể ảnh hưởng đến các nước Liên Hiệp Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia và cả những nước xa hơn. Tất cả phụ thuộc vào hướng gió và sức gió ».

Giải pháp ngoại giao để tránh thảm họa

Tổng thống Ukraina nhắc lại rằng « cả thế giới không được quên Tchernobyl », đồng thời kêu gọi quốc tế ban hành « thêm nhiều biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Nhà nước khủng bố và toàn ngành công nghiệp hạt nhân Nga đang gây ra mối đe dọa về thảm họa hạt nhân ».

Nhà máy Zaporijjia đang phải đối phó trên hai mặt trận. Ngoài các vụ tấn công và nguy cơ từ kho vũ khí mà quân Nga chứa trong nhà máy, tin tặc Nga đã tổ chức « một vụ tấn công mạnh chưa từng có kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraina » nhắm vào trang web chính thức của Energoatom, công ty quản lý nhà máy điện hạt nhân Zaporijjia, nhưng không gây tác động đáng kể.

Kể từ khi phát động cuộc chiến ở Ukraina, tổng thống Nga nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Dù chưa thực hiện, nhưng lời đe dọa hạt nhân vẫn lơ lửng, khiến châu Âu quan ngại, đặc biệt kể từ khi nhà máy Zaporijjia liên tục bị oanh kích trong thời gian gần đây. Ngoài ra, cần nhắc lại là Ukraina có 4 nhà máy hạt nhân để cung cấp điện cho một nửa đất nước rộng lớn nằm sát sườn Liên Hiệp Châu Âu. Năm 1986, khi nhà máy Tchernobyl nổ, một phần châu Âu đã bị nhiễm phóng xạ.

Bóng ma thảm họa Tchernobyl năm 1986 đã buộc Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp ngày 11/08. Pháp kêu gọi Nga rút quân khỏi nhà máy Zaporijjia. Mỹ và Liên Hiệp Quốc ủng hộ lập vùng phi quân sự xung quanh nhà máy hạt nhân, theo đề xuất của Ukraina. Tuy nhiên, để có được một giải pháp, cần phải có sự thống nhất của cả hai bên. Phía Nga chưa đưa ra tuyên bố cụ thể nào hay chứng tỏ thiện chí nào, ngoại trừ thông báo của bộ Quốc Phòng ngày 15/08 về cuộc điện đàm giữa bộ trưởng Serguei Choigu với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres thảo luận về các điều kiện để nhà máy hạt nhân Zaporijjia vận hành an toàn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.