Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - XUẤT KHẨU

Ukraina xuất khẩu ngũ cốc trở lại : Thành công và trách nhiệm của Ankara

Lần đầu tiên từ khi chiến tranh nổ ra, Ukraina xuất khẩu ngũ cốc trở lại. Tàu Razoni ​​chở 26.000 tấn ngô đã rời cảng Odessa, miền nam Ukraina, hôm qua, 01/08/2022, để đi tới cảng Tripoli của Liban. Cũng hôm qua, ngoại trưởng Ukrain Dmytro Kouleban cho biết 16 tàu khác chở ngũ cốc đang chờ đến lượt rời cảng Odessa.

Tàu Razoni khi rời cảng Odesa, Ukraina,  ngày 01/08/2022.
Tàu Razoni khi rời cảng Odesa, Ukraina, ngày 01/08/2022. via REUTERS - UKRAINIAN NAVAL FORCES
Quảng cáo

Theo dự kiến, vào đêm nay, 02/08, tàu Razoni tới vùng biển ngoài khơi Thổ Nhĩ Kỳ, và sáng mai sẽ được các chuyên gia Nga, Ukraina, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hiệp Quốc kiểm tra. Tuy nhiên, tối hôm qua, tổng thống Ukraina Zelensky cho rằng hiện vẫn là quá sớm để vui mừng, kết luận hay đưa ra các dự báo. Ông Zelensky nhấn mạnh « Cần chờ xem thỏa thuận được thực hiện thế nào và an ninh có thực sự được bảo đảm hay không ».

Theo AFP, tổng thống Pháp Macron khẳng định châu Âu sẽ tiếp tục các nỗ lực để giúp đỡ Kiev xuất khẩu ngũ cốc. Trong khi đó, ngoại trưởng Anh Liz Truss lưu ý đến khả năng Nga lại oanh kích cảng Odessa như họ đã làm hôm 23/07, chỉ một ngày sau khi ký thỏa thuận ngũ cốc tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, đóng vai trò trung gian hòa giải chính để các bên đạt được thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc, nước này đang gặt hái những thành công ngoại giao, nhưng cũng phải gánh nhiều trách nhiệm.

Từ Ankara, thông tín viên Anne Andlauer cho biết thêm :

Trong phản ứng đầu tiên về việc tàu Razoni rời cảng Odessa, tổng thống Recep Tayyip Erdogan đã hoan nghênh, xem đó là một thành công của đất nước Thổ Nhĩ Kỳ và ca ngợi hiệu quả của Trung tâm điều phối chung đặt tại Istanbul. Các binh sĩ Nga, Ukraina và Thổ Nhĩ Kỳ đang làm việc tại trung tâm này, nhưng không có đội vũ trang nào hộ tống các con tàu trong hành trình ở Biển Đen.

Ngoài vai trò địa lý và ngoại giao hàng đầu, Thổ Nhĩ Kỳ còn có một lợi ích chiến lược trong vấn đề này. Serhat Güvenç, giáo sư tại Đại học Kadir Has ở Istanbul, chuyên gia về các vấn đề quốc phòng và chính sách đối ngoại, nhận xét : « Đàm phán được về một giải pháp hoàn toàn mang tính « dân sự », và không có  sự tham gia của nước ngoài Biển Đen, đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đây là một trong những điểm quan trọng nhất của thành công này ».

Nhưng thành công cũng đi kèm với trách nhiệm. Ukraina nhắc đi nhắc lại điều đó : Họ không tin tưởng vào Nga. Ukraina trông cậy vào Liên Hiệp Quốc, nhưng trên hết là Thổ Nhĩ Kỳ, để gây áp lực đối với Matxcơva và kêu gọi Nga tôn trọng cam kết. Giáo sư Serhat Güvenç nhấn mạnh : « Nếu Nga từ bỏ việc áp dụng thỏa thuận và sử dụng các hành lang hàng hải này để mở các chiến dịch tấn công trên không và trên biển nhắm vào Odessa hoặc một thành phố khác của Ukraina nhìn ra Biển Đen, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải gánh một trách nhiệm rất nặng nề. »

Tuy nhiên, theo chuyên gia này, diễn biến tình hình chiến sự tại Ukraina và việc triển khai thỏa thuận ngũ cốc không làm mất hẳn, mà chỉ làm giảm nguy cơ Nga tiến hành một vụ tấn công.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.