Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG NĂNG LƯỢNG

Khủng hoảng năng lượng : Khi phương Tây ve vãn các vương quốc vùng Vịnh

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng do trừng phạt Nga, các nước phương Tây giờ trông cậy vào các vương quốc Ả Rập ở Trung Đông. Trong khi tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có chuyến công du Ả Rập Xê Út, tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhắm tới Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, một đồng minh đặc biệt của Pháp trong vùng Vịnh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) đón tiếp đồng nhiệm  Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed tại điện Elysée, Paris, ngày 18/07/2022.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (P) đón tiếp đồng nhiệm Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed tại điện Elysée, Paris, ngày 18/07/2022. AP - Michel Euler
Quảng cáo

Tân tổng thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất Mohammed ben Zayed hôm qua 18/07/2022 đã đến Pháp trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi lên lãnh đạo đất nước hồi tháng 5 vừa qua. Trong chuyến thăm Paris lần này, nhiều thỏa thuận hợp tác về năng lượng đã được ký kết, đặc biệt có việc cung cấp dầu diesel cho Pháp. Chuyến công du của tổng thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất diễn ra trong một bối cảnh đáng chú ý ngay sau chuyến đi của tổng thống Mỹ Joe Biden đến Ả Rập Xê Út, mà trong đó một phần quan trọng cũng dành cho hồ sơ năng lượng.  

Các nước phương Tây, sau khi đã quyết định áp đặt cấm vận dầu lửa Nga vì coi đó là nguồn thu chủ yếu giúp Matxcơva tiến hành cuộc xâm lược Ukraina, giờ đây đang cố gắng xoay sang các mối quan hệ của họ với các nước vùng Vịnh để bảo đảm nguồn cung ứng, đồng thời hạn chế tình trạng giá vàng đen tăng vọt, khiến nền kinh tế của chính mình cũng bị thiệt hại. 

 Đối tác thương mại hàng đầu 

Paris đã đón tiếp long trọng tổng thống của vương quốc dầu mỏ. Cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ tại điện Elysée ( phủ tổng thống ) buổi trưa và buổi dạ tiệc Nhà nước tại lâu đài Versailles hôm qua để chứng tỏ « mối liên hệ khăng khít » giữa hai nước về kinh tế cũng như văn hóa. Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất năm ngoái đã ký hợp đồng vũ khí lớn nhất trong lịch sử của mình với trị giá hơn 17 tỷ đô la để mua 80 máy bay chiến đấu Rafale và tên lửa của Pháp. Thủ đô của vương quốc Ả Rập này còn có một công trình văn hóa lớn của Pháp ở nước ngoài : Bảo tàng Louvre Abou Dhabi, được khánh thành từ năm 2017. 

« Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất là nước thứ ba mà Pháp có thặng dư thương mại, sau Anh Quốc và Singapore », nhà nghiên cứu chính trị chuyên gia về thế giới Hồi Giáo đương đại, Alexandre Kazerouni, nhận xét về tầm quan trọng của quan hệ kinh tế hai nước trong cán cân thương mại của Pháp. 

Tuy nhiên, ngoài việc phát triển theo chiều sâu các quan hệ đối tác đã có, Pháp giờ đây đặt kỳ vọng vương quốc vùng Vịnh này sẽ giúp đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, bởi đồng minh chiến lược này của Pháp là nhà sản xuất dầu lớn thứ 3 ở vùng Vịnh Ba Tư, chỉ sau Irak và Ả Rập Xê Út.  

Nguồn thay thế dầu Nga 

Trong lúc giá năng lượng thế giới đã tăng vọt do các rối loạn trong chuỗi cung ứng vì đại dịch Covid-19, châu Âu hôm 31/05 thông báo cấm vận dầu Nga, dự tính cắt giảm tới 90% xuất khẩu dầu lửa của Nga từ nay đến năm 2023. Hệ quả là giá năng lượng ngày càng tăng trên khắp thế giới.  

Đầu tháng 6 vừa qua, bộ trưởng Kinh Tế Bruno Le Maire cho biết Pháp đã đi tìm nguồn dầu thay thế. Ông khẳng định các cuộc thương lượng với Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất đã được bắt đầu.

Khách mua dầu của các nước vùng Vịnh từ trước tới giờ chủ yếu vẫn là châu Á. Hồi đầu tháng 5, tập đoàn dầu khí Pháp TotalEnergies đã thuê một tàu chở dầu để vận chuyển dầu từ Abu Dhabi về châu Âu.  

Trước chuyến thăm Paris, cố vấn ngoại giao của tổng thống Ben Zayed giải thích : « Chúng tôi đã bán dầu cho vùng Viễn Đông trong suốt 40 năm và giờ đây trong giai đoạn khủng hoảng chúng tôi chuyển hướng về châu Âu » 

« Ngoài việc là đối tác chiến lược của Pháp ở vùng Vịnh, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất còn là một trong số hiếm hoi các nhà sản xuất dầu của OPEP( tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa ) cùng với Irak và Ả Rập Xê Út, có khả năng sản xuất thêm dầu, còn các nước khác, hoặc khả năng khai thác đã ở mức tối đa, hoặc cũng đang bị trừng phạt, như trường hợp của Venezuela hay Iran », chuyên gia về các vấn đề năng lượng của Viện nghiên cứu Quan hệ quốc tế và Chiến lược của Pháp (IRIS) Francis Perrin phân tích.  

« Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất một mình không thể nào bù vào nguồn thiếu hụt của dầu Nga, nhưng họ là đối tác bản lề trong chiến lược đa dạng hóa nguồn năng lượng của Pháp », chuyên gia này nhấn mạnh.  

Với Elysée, thỏa thuận dầu diesel vừa ký giữa hai nước nằm trong nỗ lực của Pháp muốn mở rộng số lượng các đối tác để tránh bị rơi vào tình trạng khan hiếm. 

Kiểu đối tác như vậy cũng là cách giúp Pháp cắt giảm dần lệ thuộc năng lượng vào Hoa Kỳ. Bởi vì năm 2022, trong bối cảnh chiến tranh tại Ukraina, Liên Hiệp Châu Âu đã vượt Châu Á, trở thành khu vực nhập khẩu khí hóa lỏng lớn nhất của Mỹ.  

Giải quyết vấn đề cung ứng, các nước phương Tây còn điều chỉnh tránh tình trạng lạm phát. Từ nhiều tháng qua, Châu Âu, Hoa Kỳ đã cố gắng thương lượng với các vương quốc dầu mỏ để tăng sản lượng dầu, với hy vọng sẽ cân bằng được giữa cung và cầu để kéo giá dầu xuống.  

Hôm 15/07, tổng thống Joe Biden tuyên bố « Tôi sẽ làm hết khả năng để tăng sản lượng dầu cho Hoa Kỳ », đồng thời ông khẳng định đã có các cuộc thảo luận hiệu quả với Ả Rập Xê Út. Thế nhưng chuyến công du của tổng thống Mỹ đã khép lại mà không có thông báo nào theo chiều hướng đó. Tổng thống Pháp cũng không khá hơn, đến giờ ông Macron cũng không có được cam kết nào tăng sản lượng dầu từ phía tổng thống Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất. 

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, hai nước vùng Vịnh nói trên giờ đây đều theo chiến lược chủ yếu dùng thu nhập từ dầu để đầu tư ngày càng mạnh vào cơ sở hạ tầng trong nước mình. Họ đều là những nước xuất khẩu dầu lửa và khí đốt rất lớn, cùng có mối quan tâm làm sao phần dầu bán ra phải mang lại thu nhập tối đa để phát triển du lịch và đa dạng hóa nền kinh tế trong nước. 

Chuyên gia Alexandre Kazerouni nhận định : « Vấn đề của Ả Rập Xê Út cũng như với Các Tiểu Vương Quốc Vùng Vịnh là họ không phải là các quốc gia duy nhất của OPEP và chẳng có lợi gì khi giá dầu giảm ». 

Theo ông Francis Perrin, với việc gặp gỡ các lãnh đạo của các vương quốc vùng Vịnh, tổng thống Emmanuel Macron và Joe Biden trước hết tìm cách gây ảnh hưởng đối với các quyết định của OPEP, một tổ chức gồm 13 thành viên chính thức, nhưng đồng thời còn có 10 nước sản xuất dầu khác, trong đó có Nga.

« Khan hiếm dầu lửa có thể dẫn đến giá cả tăng vọt. Nhưng cũng có thể giá cả tăng là do các quyết định chính trị. Đó là trường hợp hiện nay với  cuộc chiến tranh tại Ukraina, giá cả tăng bởi các chính sách đề phòng trước », ông Francis Perrin giải thích. « Các nước sản xuất dầu đã cam kết sẽ có những biện pháp trong trường hợp xảy ra khan hiếm. Về phần mình, Châu Âu và Hoa Kỳ gây áp lực để các nước đó tăng sản lượng ngay từ giờ với khẳng định rằng nguy cơ khan hiếm dầu là có thật ».

Hồi tháng 6, lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Ukraina nổ ra, tổ chức OPEP đã thông báo tăng một chút sản lượng dầu, từ 432 nghìn thùng mỗi ngày lên 648 nghìn thùng. Trong cuộc họp tới của các nước OPEP vào tháng 8, Châu Âu và Hoa Kỳ hy vọng các nước xuất khẩu dầu sẽ đồng ý tăng sản lượng đáng kể để có thể làm giảm giá dầu.

(Nguồn: france24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.