Vào nội dung chính
HOA KỲ - QUYỀN PHÁ THAI

Mỹ: TT Joe Biden muốn ra luật liên bang bảo vệ quyền phá thai

Trong buổi họp trực tuyến với thống đốc các bang thuộc đảng Dân Chủ ngày 01/07/2022, tổng thống Mỹ Joe Biden một lần nữa lên án quyết định của Tòa Án Tối Cao về quyền phá thai là « tồi tệ và cực đoan », « sẽ làm đảo lộn nhiều cuộc đời ». Ông kêu gọi cử tri Mỹ ủng hộ đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử lập pháp giữa kỳ vào tháng 11 tới để có được đa số ở Thượng Viện nhằm thông qua một đạo luật liên bang bảo vệ quyền phá thai.

Những người ủng hộ quyền phá thai biểu tình phản đối trước trụ sở Tòa Án Tối Cao, tại Washington, Hoa Kỳ ngày 24/06/2022, sau khi Tòa ra phán quyết hủy bỏ quyền phá thai.
Những người ủng hộ quyền phá thai biểu tình phản đối trước trụ sở Tòa Án Tối Cao, tại Washington, Hoa Kỳ ngày 24/06/2022, sau khi Tòa ra phán quyết hủy bỏ quyền phá thai. AP - Gemunu Amarasinghe
Quảng cáo

Đảng Dân Chủ cần có thêm hai ghế ở Thượng Viện, cùng với đa số ở Hạ Viện hiện nay, ông mới có thể ký đạo luật này. Ông Joe Biden tỏ ra lo ngại khả năng nhiều bang có thể bắt giữ phụ nữ sang bang khác để phá thai, và như vậy vi phạm nghiêm trọng đến « các quyền cơ bản » của họ.

Tổng thống Mỹ kêu gọi chính phủ liên bang hành động để bảo vệ những phụ nữ đó và bảo đảm thuốc điều trị cho họ ở những bang cấm phá thai. Một số thống đốc Dân Chủ khẳng định « sẽ không hợp tác » tìm kiếm và trừng phạt những phụ nữ sang bang họ phá thai.

Theo Reuters, hiện có 13 bang đã cấm hoặc gần như cấm hoàn toàn việc phá thai. Trước khi tổng thống Biden đề xuất luật bảo vệ quyền cơ bản của phụ nữ, nhiều tổ chức bảo vệ quyền công dân đã « phản công », bằng cách khiếu nại lên các tòa án tại 11 bang, từ Oklahoma đến Tây Virginia hay Utah, Kentucky và Idaho.

Trong khi đó, bang New York muốn ghi vào Hiến Pháp của bang các quyền phá thai và ngừa thai của phụ nữ. Ngày 01/07, Thượng Viện của bang do phe Dân Chủ chiếm đa số, « đã thông qua một tu chính án » về điểm này. Văn bản sẽ được đưa ra bỏ phiếu ở Hạ Viện bang, tiếp theo là trưng cầu dân ý và có thể có hiệu lực sớm nhất vào năm 2024.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.