Vào nội dung chính
COVID-19 - TIÊM CHỦNG

Covid-19 : Tiêm chủng cứu được gần 20 triệu người năm 2021

Một nghiên cứu được công bố ngày 24/06/2022 trên tạp chí The Lancet thẩm định khoảng 19,8 triệu bệnh nhân Covid-19 có thể đã tránh bị tử vong trong năm 2021 nhờ được tiêm chủng. Nghiên cứu được thực hiện dựa trên dữ liệu của 185 nước và vùng lãnh thổ trong một năm, từ ngày 08/12/2020 đến ngày 08/12/2021.

Vac-xin Moderna phòng COVID-19 tại nơi tiêm chủng ở Trinity United Church of Christ, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 13/02/2021.
Vac-xin Moderna phòng COVID-19 tại nơi tiêm chủng ở Trinity United Church of Christ, Chicago, Illinois, Hoa Kỳ. Ảnh chụp ngày 13/02/2021. REUTERS - KAMIL KRZACZYNSKI
Quảng cáo

Cụ thể các nước có thu nhập cao và trung bình cao tránh được nhiều ca tử vong nhất, hơn 12 triệu. Tiếp theo, những nước được hưởng chương trình Covax phân phối vac-xin của Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng tránh được hơn 7 triệu ca tử vong. Nghiên cứu cũng cho rằng hơn 599.000 ca tử vong khác có lẽ đã tránh được nếu đạt được mục tiêu tiêm phòng ít nhất hai liều cho 40% dân cư ở mỗi nước vào cuối năm 2021.

Tại Liên Hiệp Châu Âu, nơi đang lo đối phó với đợt dịch Covid-19 mới, ngày 23/06, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã cấp phép phê chuẩn vac-xin thứ sáu. Vac-xin của Valneva, một công ty Pháp-Áo có trụ sở ở thành phố Nantes (Pháp), dùng công nghệ virus bất hoạt truyền thống và được khuyến cáo tiêm cho người « từ 18 đến 50 tuổi ».

Áo từ bỏ chính sách bắt buộc tiêm chủng

Châu Âu là một trong những khu vực có tỉ lệ tiêm phòng cao, chủ yếu dựa trên tinh thành tự nguyện. Tuy nhiên, Áo, nước từng bắt buộc người dân tiêm ngừa Covid-19, đã thông báo từ bỏ chính sách này ngày 23/06.

Thông tín viên RFI Isaure Hiace tại Vienna giải thích :

Khi tuyên bố từ bỏ tiêm chủng bắt buộc, chính phủ Áo thông báo chấm dứt một biện pháp chưa bao giờ được áp dụng thực sự. Tháng 11/2021, khi tình hình dịch bệnh xấu đi nhanh chóng, chính phủ thông báo kể từ tháng 02/2022, mọi công dân Áo trên 18 tuổi sẽ phải tiêm chủng nếu không sẽ bị phạt.

Đạo luật chưa từng có ở châu Âu đã dẫn đến hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn. Tuy nhiên, chính quyền Vienna vẫn duy trì luật này và luật có hiệu lực từ tháng 02/2022. Các án phạt đầu tiên được dự kiến vào giữa tháng 03 nhưng ngay từ đầu tháng 03, chính phủ đã quyết định đình chỉ luật trên, lấy lý do là tình hình dịch không còn cần phải áp dụng luật nữa.

Từ đó, luật bắt buộc tiêm chủng bị gác lại và giờ được từ bỏ hoàn toàn, theo thông báo của chính phủ hôm 23/06. Bộ trưởng Y Tế Johannes Rauch thừa nhận luật bắt buộc tiêm chủng không có hiệu quả, và hơn nữa, lại gây ra những rạn nứt sâu sắc trong xã hội. Từ giờ, mỗi công dân Áo được kêu gọi thể hiện trách nhiệm bản thân. Hiện nay, khoảng 62% người dân Áo có chứng nhận tiêm chủng hợp lệ.

Tại châu Á, dù không có nhiều ca nhiễm mới hàng ngày như châu Âu nhưng chính quyền Macao (Trung Quốc) vẫn quyết định đóng cửa các tụ điểm công cộng từ ngày 23/06, trừ các sòng bạc. Cho đến nay, Macao vẫn tránh được đại dịch Covid-19, tuy nhiên, chỉ với 110 ca nhiễm công bố ngày 23/06, chính quyền Macao đã quyết định xét nghiệm hàng loạt và ban hành nhiều biện pháp hạn chế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.