Vào nội dung chính
EU - NGA - CẤM VẬN

Cấm vận dầu hỏa Nga: Lại rạn nứt trong nội bộ Liên Âu

Đúng như chờ đợi, hôm qua, 04/05/2022, Ủy Ban Châu Âu đã đề xuất loạt trừng phạt thứ 6 nhắm vào Nga về cuộc xâm lược Ukraina, trong đó quan trọng nhất là quyết định cấm vận dầu hỏa Nga. Và cũng đúng như dự đoán, đề nghị này đã gây chia rẽ trong nội bộ Liên Hiệp Châu Âu, giữa những nước như Hungary, Slovakia đang lệ thuộc nặng nề vào Matxcơva, với các thành viên triệt để chống Nga như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic. 

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong buổi thảo luận về hậu quả kinh tế, xã hội của chiến tranh Ukraina đối với Liên Hiệp Châu Âu tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 04/05/2022.
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen phát biểu trong buổi thảo luận về hậu quả kinh tế, xã hội của chiến tranh Ukraina đối với Liên Hiệp Châu Âu tại Nghị Viện Châu Âu ở Strasbourg, Pháp, ngày 04/05/2022. AP - Jean-Francois Badias
Quảng cáo

Trong phát biểu trước các nghị sĩ châu Âu họp tại Strasbourg, miền đông nước Pháp, nơi đặt trụ sở của Nghị Viện Châu Âu, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen, khi trình bày loạt trừng phạt thứ sáu chống lại Nga, đã công khai thừa nhận rằng việc áp dụng lệnh cấm vận dầu hỏa Nga sẽ “không dễ dàng” đối với “một số quốc gia thành viên đang phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ của Nga”.  

Tương tự như lệnh cấm nhập khẩu than đá đã ban hành từ đầu năm và sẽ áp dụng kể từ ngày 01/08 tới đây, lệnh cấm vận dầu hỏa - vận chuyển bằng đường biển hoặc đường ống - sẽ chỉ có hiệu lực trong vài tháng nữa. Mục tiêu là dừng nhập khẩu dầu thô vào tháng 11 và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm. Trước đó, ngay từ tháng 6 tới, Ủy Ban cũng muốn cấm các công ty EU cung cấp mọi dịch vụ liên quan đến việc xuất khẩu dầu hỏa Nga ra thế giới, từ vận chuyển, môi giới, cho đến bảo hiểm và tài chính. 

Ủy Ban Châu Âu dĩ nhiên cũng chiếu cố các nước nằm sâu trong đất liền như Slovakia và Hungary, hai nước kết nối với các đường ống dẫn dầu của Nga nhưng lại không được kết nối với các đường ông châu Âu. Hai thành viên này sẽ được hưởng một thời hạn một năm trước khi phải dừng mua dầu hỏa từ Nga. 

Vấn đề đối với Liên Hiệp Châu Âu là các biện pháp trừng phạt Nga phải được sự nhất trí của tất cả các thành viên, và ngay từ hôm qua, Hungary đã tỏ ý bất bình. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto không ngần ngại khẳng định : “Hungary chỉ có thể chấp nhận các lệnh trừng phạt này nếu việc nhập khẩu dầu thô bằng đường ống được miễn các hạn chế”.  

Slovakia cũng đòi một thời gian chuyển tiếp ít nhất là ba năm, trong lúc Cộng Hòa Séc và Bulgari đòi được đối xử đặc biệt. Ngay cả các nước như Hy Lạp, Malta và Síp cũng tỏ ra khó chịu trước lệnh cấm tàu ​​của EU vận chuyển dầu hỏa Nga đi khắp thế giới. 

Đối lập với thái độ miễn cưỡng, thậm chí chống đối kể trên, Ba Lan và các nước Baltic như Litva, Latvia lại muốn áp dụng cấm vận ngay lập tức và từ chối các trường hợp ngoại lệ. 

Lập trường của Đức 

Riêng đối với hai nước đầu tầu của Liên Âu, việc cấm vận dầu hỏa Nga không thành vấn đề, vì Pháp không phải là khách hàng của Matxcơva trong lãnh vực này, trong lúc Đức đã chuẩn bị trước cho một biện pháp như vậy, và trong những tuần gần đây đã giảm đáng kể lượng dầu hỏa nhập khẩu từ Nga. 

Từ Berlin, thông tín viên RFI Pascal Thibaut giải thích:  

“Có thể có "những xáo trộn", đặc biệt ở cấp vùng”: Bộ trưởng Kinh Tế và Khí Hậu Đức Robert Habeck, thừa nhận rằng lệnh cấm vận dầu hỏa Nga có thể có ảnh hưởng trên nước Đức, trong đó các vấn đề giá cả. Tuy nhiên, vào hôm qua, sau một cuộc hội thảo của chính phủ, thủ tướng Scholz cùng với vị bộ trưởng của ông xác định rằng Đức đã chuẩn bị cho một kịch bản như vậy.  

Cho đến gần đây, một phần ba dầu hỏa mà Đức nhập khẩu đến từ Nga, thế nhưng mới đây, Berlin đã giảm được 2/3 mức lệ thuộc này. Các nguồn cung cấp thay thế đã sẵn sàng, và thời hạn chuyển tiếp do Ủy Ban Châu Âu ấn định đủ dài để Đức ứng phó. 

Miền đông của nước Đức vẫn còn là vấn đề với một nhà máy lọc dầu ở Schwedt ở Brandenburg thuộc tập đoàn Rosneft của Nga, cung cấp dầu cho 90% khu vực Berlin. Thế nhưng Đức không loại trừ việc tịch thu nhà máy. 

Đức cũng đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào than của Nga, chỉ còn bằng 1/4 mức trước đây. Thách thức lớn nhất đối với Berlin vẫn là nguồn cung cấp khí đốt của Nga. Đức sẽ phải mất nhiều thời gian hơn để từ bỏ nguồn cung này. Thế nhưng, thị phần của khí đốt Nga tại Đức đã giảm từ 55% xuống còn 35% trong vỏn vẹn vài tuần".  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.