Vào nội dung chính
NATO - NGA

Thượng đỉnh NATO: Phương Tây giúp Ukraina nhưng tránh trực tiếp đối đầu với Nga

Tăng cường khả năng phòng thủ trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, đẩy mạnh viện trợ nhân đạo và giúp Ukraina chống chỏi với Nga, nhưng khối này tránh đương đầu trực diện với Matxcơva. Đó là kết quả cuộc họp thượng đỉnh bất thường của NATO hôm 24/03/2022. 

Khối NATO tổ chức thượng đỉnh về chiến dịch xâm lược Ukraina của Nga tại Bruxelles (Bỉ) ngày 24/03/2022.
Khối NATO tổ chức thượng đỉnh về chiến dịch xâm lược Ukraina của Nga tại Bruxelles (Bỉ) ngày 24/03/2022. REUTERS - HENRY NICHOLLS
Quảng cáo

Kết thúc cuộc họp tại Bruxelles, Bỉ, tổng thống Biden tuyên bố trong trường hợp Nga dùng vũ khí hóa học nhắm vào thường dân Ukraina, NATO sẽ « đáp trả ». Lãnh đạo Nhà Trắng không đi sâu vào chi tiết và tránh sử dụng cụm từ « lằn ranh đỏ » như người tiền nhiệm Obama trong hồ sơ Syria hồi 2013. 

30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO nhấn mạnh đến việc tăng cường khả năng phòng thủ. Trước hết là khả năng phòng thủ của Ukraina, kể cả trong việc đối phó với vũ khí hóa học và hạt nhân. Kế tới là tăng cường an ninh cho các thành viên của khối, đặc biệt là các nước Đông Âu. 

Tuy nhiên, trái với chờ đợi, ngoài Hoa Kỳ, NATO tránh ban hành thêm các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga và nhất là tránh đáp ứng tất cả mọi yêu cầu của chính quyền Kiev. Phát biểu qua cầu truyền hình trong khuôn khổ thượng đỉnh NATO hôm qua tổng thống Volodymyr Zelensky kêu gọi phương Tây hỗ trợ quân sự cho Ukraina « về mọi mặt », trong đó bao gồm cả việc viện trợ vũ khí tấn công. 

Thông tín viên đài RFI Pierre Bénazet tổng kết thượng đỉnh NATO : 

« Liên Minh Bắc Đại Tây Dương từ chối áp đặt vùng cấm bay, từ chối đưa quân đến hiện trường hay cung cấp vũ khí tấn công. Mục tiêu nhằm tránh để bị coi là « cùng tham chiến với Ukraina » hay là một bên tham gia trong xung đột này. Ngược lại phần lớn các thành viên NATO đẩy mạnh viện trợ vũ khí phòng thủ cho Kiev. Trong đó bao gồm đạn dược, các vũ khí phòng không, thậm chí là Mỹ còn đề cập cả đến việc cấp tên lửa chống hạm cho Ukraina.

Trước những tuyên bố của Nga liên quan đến vũ khí hạt nhân và hóa học, NATO sẽ cung cấp cho Ukraina các thiết bị bảo hộ, phát hiện chất phóng xa và tẩy rửa trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học hay hóa học. NATO cũng đưa ra những biện pháp tương tự để bảo vệ binh lính của khối này. 

Ngoài ra, Liên Minh Bắc Đại Tây Dương đã bắt đầu lập một lực lượng phòng thủ về lâu dài, với bốn cụm chiến thuật, bốn tiểu đoàn bổ sung tại tất cả các nước thành viên chung quanh Hắc Hải và biển Baltic.

Thủ tướng Nhật Bản đã đến trụ sở NATO dự thượng đỉnh nhóm G7 được diễn ra ngay sau đó. Khối này quyết định làm tất cả để Vladimir Putin phải trả giá về những hành vi của mình. Bảy nước công nghiệp phát triển nhất thế giới cũng đồng ý phối hợp các biện pháp trừng phạt »  

Giới hạn của sự đoàn kết trong NATO 

Một trong những mục tiêu của thượng đỉnh Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bất thường vừa qua là phô trương đoàn kết chặt chẽ của phương Tây trên vấn đề Ukraina. Tuy nhiên theo giới quan sát, tổng thống Hoa Kỳ vẫn chưa thuyết phục được các đối tác châu Âu ngừng nhập khẩu dầu khí của Nga.

Về phía Pháp, tổng thống Emmanuel Macron đã nhấn mạnh NATO không muốn trở thành "một bên tham chiến" trong xung đột tại Ukraina. Về vai trò của Bắc Kinh trên hồ sơ này, Paris quan niệm do là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, là một cường cuốc thế giới Trung Quốc « chỉ có thể đóng một vai trò trung gian và chừng mực » để giải quyết xung đột đang diễn ra tại châu Âu. Tổng thống Macron cũng nói thêm ông hy vọng rằng « Trung Quốc sẽ không tham gia dưới bất kỳ hình thức nào khiến tình hình thêm căng thẳng ». 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.