Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH TUYÊN TRUYỀN

Chiến tranh Ukraina: Mặt trận tuyên truyền gay gắt giữa Kiev và Matxcơva

Ngay từ những giây phút khởi đầu của cuộc tấn công của Nga vào Ukraina ngày 24/02/2022, guồng máy tuyên truyền của cả hai phía đều đã tăng cường hoạt động, với những thông tin hay hình ảnh thực thực, hư hư được cả hai bên tung ra để hướng dẫn dư luận.

Ảnh được ghi là của viên phi công người Ukraina đã "bắn hạ 10 máy bay" của Nga công bố ngày 27/02/2022 trên trang Twitter của Lực Lượng Võ Trang Ukraina. Ảnh chụp màn hình
Ảnh được ghi là của viên phi công người Ukraina đã "bắn hạ 10 máy bay" của Nga công bố ngày 27/02/2022 trên trang Twitter của Lực Lượng Võ Trang Ukraina. Ảnh chụp màn hình © Capture d'écran
Quảng cáo

Trên đài RFI ngày 21/03/2022, Romain Milcarek, một nhà báo Pháp đồng thời là nhà nghiên cứu chuyên về thông tin trong thời chiến, đã phác họa chiến lược tuyên truyền khác nhau được Nga và Ukraina sử dụng. Đối với nhà nghiên cứu Pháp, dù đều là tuyên truyền, nhưng sự thật không thể chối cãi là trong cuộc chiến này, rõ ràng là có một bên là kẻ tấn công, đó là Nga và bên kia là Ukraina, nước bị tấn công.

Tính chất tuyên truyền, thậm chí bóp méo sự thật lộ rõ trong những “thông tin” mà cả hai bên đã đưa ra. Về phía Matxcơva chẳng hạn, Nga luôn luôn khẳng định rằng Ukraina hiện đang bị các thành phần quốc xã và phát xít chiếm đóng, đang chế tạo vũ khí hạt nhân và võ trang cho các bệnh viện. Đây tuy nhiên chỉ là những lời khẳng định suông, không hề có bất kỳ bằng chứng nào.

Về phía Ukraina thì chính quyền Kiev đã không ngần ngại tung ra những video ngụy tạo về những phi công Ukraina bất khả chiến bại nhưng hoàn toàn tưởng tượng.

Dĩ nhiên, các thông tin về chiến sự từ cả hai phía đều nhằm nhân lên gấp bội tổn thất của “quân địch” và phủ nhận thiệt hại của “quân ta”.

Nga ưu tiên dùng thuyết âm mưu để tuyên truyền

Trong học thuyết quân sự của Nga, thông tin được coi là một loại vũ khí tương tự như bất kỳ loại vũ khí nào khác. Theo giáo sư David Colon tại Học Viện Chính Trị Sciences Po Paris, chuyên gia nghiên cứu về tuyên truyền và thao túng thông tin: “Nga đi theo một lôgic kép: Ra sức bảo vệ lĩnh vực thông tin của Nga đồng thời lũng đoạn không gian thông tin của phương Tây.”

Để làm suy yếu đối thủ, guồng máy tuyên truyền của Nga lợi dụng thái độ thiếu tin tưởng của một bộ phận người dân phương Tây đối với giới lãnh đạo của mình, chẳng hạn như lao vào loan truyền lập luận của những kẻ theo thuyết âm mưu. Giáo sư Colon ghi nhận: “Kể từ thời còn cơ quan mật vụ KGB, người Nga đã phổ biến tất cả các loại thuyết âm mưu nhằm phủ nhận các sự thật chính thức… Đó chính là chức năng được gán cho các cơ quan truyền thông RT (Russia Today) và Sputnik, vốn đã dành một không gian quá lớn cho các lý luận gia theo thuyết âm mưu, nhằm khuyến khích tâm lý nghi kỵ và đào sâu sự chia rẽ (trong xã hội phương Tây)”.

Một trong những ví dụ nổi bật gần đây liên quan đến vụ tấn công của Nga vào một bệnh viện phụ sản vào ngày 10 tháng 3 ở Mariupol. Matxcơva khẳng định đó là một cơ sở đã bị lực lượng võ trang Ukraina chiếm đóng. Và để gọi là “lật tẩy” các thông tin mà họ cho là thất thiệt của các nhà báo có mặt tại chỗ, các đại sứ quán Nga mọi nơi bắt đầu tố cáo việc một trong những cô gái mang thai bị thương trong vụ bắn phá cũng là một người có ảnh hưởng trên Instagram, và cảnh thường dân bị thương vong là do chính quyền Ukraina dàn dựng.

Theo chuyên gia Milcarek đây là một kiểu suy đoán theo thuyết âm mưu: Không cần chứng minh mà chỉ cần làm dấy lên sự hoài nghi của người xem, họ rất có khả năng nghĩ rằng có lẽ có một cái gì đó đáng ngờ trong vụ đó, cho dù chỉ cần vài cú nhấp chuột là có thể xác minh được là cô gái đó đã thực sự thông báo có thai từ lâu trên mạng xã hội. Nga thường bắt chước các trang web xác minh thực tế và đóng triện “Giả mạo” trên các bài báo bị họ cho là dối trá mà không có bất kỳ hình thức xác minh nào khác.

Matxcơva cố bưng bít thông tin đối với dân Nga

Còn đối với dư luận trong nước thì chính quyền Nga đã bảo đảm sao cho người dân không thể nghi ngờ khi tìm cách bưng bít các thông tin về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina. Đạo luật chống “thông tin sai lệch” ngày 04/03 đe dọa trừng phạt bất kỳ ai nói về “chiến tranh” ở Ukraina, vốn được Điện Kremlin trình bày như một “chiến dịch đặc biệt” nhằm “phi quốc xã hóa” láng giềng.

Hôm 18/03, thâm chí chính tổng thống Vladimir Putin đã lặp lại lời nói dối của mình trước một biểu ngữ nhấn mạnh: “Vì một thế giới không có chủ nghĩa Quốc Xã", trước một đám đông tụ tập ở sân vận động Matxcơva. Lời nói dối đã được lập lại ngay cả khi các phần tử  tân phát xít ở Ukraina chỉ là một thiểu số cực kỳ nhỏ.

Maxime Audinet, chuyên gia về Nga tại Viện Nghiên Cứu Quân Sự Pháp Irsem cho rằng lập luận “Phi quốc xã hóa Ukraina” là cách khai thác tâm lý tự hào của dân Nga về chiến thắng chống chủ nghĩa phát xít trong Thế Chiến Thứ II mà Nga gọi là cuộc “Chiến Tranh Vệ Quốc Vĩ Đại”. Theo nhà nghiên cứu Pháp, câu chuyện về cuộc chiến này được đa số người Nga ủng hộ, đặc biệt là những người trên 45 tuổi.

Ukraina: Chiến lược truyền thông theo kiểu Mỹ

Trong chiến lược tuyên truyền của mình, nếu phía Nga áp dụng mô hình Liên Xô, bôi xấu hình ảnh đối phương, thì phía Ukraina được cho là đã đi theo một cách vận động kiểu Mỹ, gọi là “Kêu gọi đến những con người bình thường” (Plain Clothes Appeal), với tổng thống Ukraina đã trở thành gương mặt tiêu biểu của một nước Ukraina nhỏ bé dũng cảm chống lại nước Nga khổng lồ.

Colin Gérard, chuyên gia Pháp về chiến lược thông tin của Nga thuộc Học Viện Địa Chính Trị Pháp IFG, đã ghi nhận như sau về sự “lột xác” của tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski từ ngày chiến tranh nổ ra: “Trước đây, không ai biết đến Zelensky, ngoại trừ một số nhà nghiên cứu và nhà báo, nhưng giờ đây mọi người đều biết đến ông… Ông đã nói chuyện trực tiếp với người dân các nước, đặc biệt là người châu Âu, để họ thúc đẩy giới lãnh đạo của họ đưa ra các quyết định chính trị, một mục tiêu mà hiệu quả không chắc chắn lắm”.

Giáo sư David Colon cũng nhận thấy rằng ông Zelensky đã phô bày  hình ảnh một nguyên thủ quốc gia khiêm tốn, trong chiếc áo phông kaki, túc trực bên cạnh người dân: “Ông ấy làm ngược lại với Vladimir Putin, người đã cố gắng phô trương quyền lực độc tôn áp đặt theo chiều dọc. Ông Zelensky đã áp dụng một kỹ thuật giao tiếp nổi tiếng của Mỹ, được gọi là Plain Folks Appeal, nhằm tạo ra một hình ảnh gần gũi với mọi người. Điều này đã có hiệu quả phi thường trong việc thuyết phục dư luận ​​phương Tây đã nhìn thấy chính mình trong nhân vật này.

Tuy nhiên ông Carl Miller, một chuyên gia về mạng kỹ thuật số, đã nêu bật sự kiện là nếu ở châu Âu, người ta nghĩ rằng người Ukraina đã giành chiến thắng trong cuộc chiến thông tin, thì ở những nơi khác, đặc biệt là ở châu Phi và châu Á, những thông điệp của Nga lại được cư dân mạng tiếp thu và phổ biến rộng rãi.

Ukraina: Truyền thuyết ngụy tạo về chàng phi công "ma"

Bên cạnh đó, chính quyền Kiev cũng không ngần ngại phổ biến những thông tin thất thiệt. Nhà nghiên cứu Maxime Audinet chẳng hạn đã thấy rằng Ukraina đã phóng đại rất nhiều thành tích của quân đội nước này tiêu diệt lính Nga, “anh hùng hóa những người lính đã chết và nhấn mạnh tính chất tử vì đạo của người dân Ukraina”. Theo chuyên gia này, đây là một hình thức tuyên truyền mang tính chất thủ thế, nhằm khích lệ tinh thần chiến đấu của quân đội.”

Một ví dụ điển hình về một vụ loan tin thất thiệt của chính quyền Kiev là thông tin về một “Phi công Ukraina đã bắn rơi 10 máy bay địch” đăng trên tài khoản Twitter của lực lượng vũ trang Ukraina ngày 27/02, với những chiến công được quay phim và công bố, nhưng thực ra chỉ là hình ảnh được lấy từ một trò chơi điện tử.

Tuyên truyền có giá trị không?

Tóm lại, cả Ukraina lẫn Nga đều sử dụng biện pháp tuyên truyền và thao túng thông tin. Câu hỏi đặt ra là có nên đánh đồng hai cách làm hay không?

Đối với giáo sư David Colon: “Các nguyên tắc tuyên truyền đều giống nhau đối với tất cả những bên tham chiến, trong mọi cuộc xung đột. Bên nào cũng kết tội bên kia là kẻ gây chiến và gây ra những hành động tàn bạo. Nhưng chủ nghĩa tương đối có một giới hạn: Khi hai quốc gia đều khẳng định rằng chính đối thủ là người bắt đầu chiến tranh, thì một trong hai bên là kẻ nói dối. Và ở đây, không còn bất kỳ nghi ngờ nào: Nga là kẻ xâm lược.

Trong cuộc chiến tranh thông tin, tuyên truyền gay gắt đang diễn ra, điều quan trọng là phải biết gạn đục, khơi trong, tách biệt cái đúng khỏi cái sai. Theo nhà nghiên cứu Colin Gérard, giải pháp duy nhất là “báo chí phải xử lý thông tin một cách nghiêm túc, không cho phép bản thân bị cảm xúc lấn át, trong lúc giới nghiên cứu phải thực hiện công việc phân tích và giải thích”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.