Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - TRỪNG PHẠT - NGA

Ukraina: Liên Âu thêm phát ngôn viên tổng thống Nga và các tài phiệt Nga vào danh sách đen

Hôm qua, 28/02/2022, Liên Hiệp Châu Âu đã thêm phát ngôn viên của tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhiều nhà tài phiệt Nga vào danh sách các nhân vật bị trừng phạt vì ủng hộ cuộc xâm lược Ukraina. 

Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo trực tuyến của tổng thống Nga Vladimir Putin, 17/12/2020
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov tại cuộc họp báo trực tuyến của tổng thống Nga Vladimir Putin, 17/12/2020 AP - Alexander Zemlianichenko
Quảng cáo

Tổng cộng có 26 nhân vật, bao gồm nhiều nhân vật thân cận của ông Putin và một chục phóng viên, nằm trong danh sách mới được các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu thông qua và được đăng trên công báo hôm qua. Tài sản của những người này ở châu Âu sẽ bị phong tỏa và họ bị cấm nhập cảnh vào các nước Liên Âu. 

Thứ Sáu tuần trước, Liên Hiệp Châu Âu đã đưa tổng thống Putin và ngoại trưởng Serguei Lavrov vào danh sách đen nói trên. 

Hôm qua, sau cuộc họp qua video giữa các lãnh đạo của Pháp, Mỹ và của một số nước khác, điện Elysée thông báo là châu Âu và các đồng minh sẵn sàng ban hành các trừng phạt mới đối với Nga. 

Ngay cả Thụy Sĩ nay cũng từ bỏ vị thế trung lập, tuyên bố thi hành toàn bộ các trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Matxcơva.

Từ Genève, thông tín viên Jérémie Lanche tường trình:

“ Mặc dù tổng thống Liên bang Thụy Sĩ giải thích trung lập không đồng nghĩa với thờ ơ, thông báo ban đầu của ông về việc không thi hành các trừng phạt nước Nga đã bị chỉ trích. Thứ nhất là chỉ trích từ các nước châu Âu, rất bất bình khi thấy Thụy Sĩ muốn duy trì các mối quan hệ kinh tế với Nga. Thứ hai là chỉ trích từ một bộ phận quan trọng của chính giới Thụy Sĩ, đòi chính phủ phải có phản ứng mạnh mẽ trước cuộc xâm lăng Ukraina của Nga. 

Kể từ nay, yêu cầu này đã thành hiện thực. Thụy Sĩ phong tỏa các tài sản của Vladimir Putin và của nhiều bộ trưởng Nga. Các tài phiệt thân cận tổng thống Nga cũng bị cấm nhập cảnh Thụy Sĩ. Chính phủ nước này thậm chí còn tuyên bố không chống việc loại nước Nga ra khỏi hệ thống tài chính Swift. Đây là cách để chứng tỏ Thụy Sĩ đặt tình đoàn kết châu Âu bên trên các lợi ích riêng.

Tổng cộng 140 nhân viên của công ty North Stream 2, đặt trụ sở tại Thụy Sĩ, đặc trách khai thác đường ống dẫn khí đốt giữa Đức và Nga, một dự án gây nhiều tranh cãi, đã bị sa thải.”

Được mệnh danh là “Thụy Sĩ châu Á”, Singapore hôm qua cũng đã thông báo các biện pháp trừng phạt Nga, ngăn chận một số ngân hàng Nga và các giao dịch tài chính liên quan đến Nga, đồng thời kiểm soát mọi mặt hàng xuất khẩu có thể được trực tiếp sử dụng để chống Ukraina. Nhật Bản phong tỏa các tài sản của tổng thống Putin và của Ngân hàng Trung ương Nga. Hàn Quốc cũng sẽ cấm xuất khẩu các vật liệu chiến lược sang Nga.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.