Vào nội dung chính
CHIẾN TRANH UKRAINA - ĐÀM PHÁN

Nga - Ukraina sẽ đàm phán vòng 2 sau cuộc họp đầu tiên tại Belarus

Sau cuộc họp kéo dài 6 tiếng ngày 28/02/2022 tại Gomel, Belarus, hai phái đoàn Nga và Ukraina đã về nước để « tham vấn » chính quyền. Hai bên nhất trí tổ chức « vòng đàm phán thứ hai », sớm diễn ra tại biên giới Ba Lan - Belarus, theo người đứng đầu phái đoàn Nga Vladimir Medinski.

Phái đoàn Nga (T) và Ukraina đàm phán hòa bình lần đầu tiên tại vùng Gomel, Belarus, 28/02/2022.
Phái đoàn Nga (T) và Ukraina đàm phán hòa bình lần đầu tiên tại vùng Gomel, Belarus, 28/02/2022. AP - Sergei Kholodilin
Quảng cáo

Ông Mikhaïlo Podoliak, một trong các nhà đàm phán Ukraina, cho biết : « Các bên đã lập ra một loạt ưu tiên và chủ đề cần đến một số quyết định ». Phía Ukraina yêu cầu « ngừng bắn ngay lập tức và rút hết quân Nga khỏi lãnh thổ Ukraina ».

Điều kiện của Nga được tổng thống Vladimir Putin nêu trong cuộc điện đàm ngày 28/02 với đồng nhiệm Pháp Emmanuel Macron, gồm ba điểm : Công nhận bán đảo Crimée, bị Matxcơva sáp nhập năm 2014, là lãnh thổ của Nga ; phi quân sự Ukraina và giải trừ phát xít chính quyền Kiev ; cam kết « tình trạng trung lập » của Ukraina.

Trong bản tóm lược về cuộc điện đàm, điện Kremlin nhấn mạnh đây là ba điều kiện tiên quyết để giải quyết cuộc xung đột. Ông chủ điện Kremlin cũng cam kết với tổng thống Pháp là ngừng mọi trận oanh kích nhắm vào thường dân, tránh cơ sở hạ tầng dân sự, bảo đảm an ninh cho các trục đường… Nhưng chỉ vài phút sau cuộc điện đàm, nhiều hình ảnh cho thấy quân Nga tấn công các khu dân cư ở thành phố Kharkov.

Phía tổng thống Ukraina cho biết « không quá tin » vào các cuộc đàm phán, đồng thời kêu gọi quân nhân Nga từ bỏ vũ khí, với khoản tiền thưởng tương đương 41.000 euro. Cũng trong ngày 28/02, ông Zelensky đã ký yêu cầu chính thức gia nhập Liên Hiệp Châu Âu thông qua một « tiến trình đặc biệt ». Trước đó, trả lời đài Eurosnews, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen nêu mong muốn kết nạp Ukraina vào EU « trong tương lai gần ».

Các vụ tấn công của Nga đã phá hủy hệ thống hạ tầng của Ukraina, trong đó có mạng lưới điện. Sau cuộc họp ngày 28/02, các bộ trưởng Năng lượng của Liên Hiệp Châu cho biết sẽ khẩn trương kết nối mạng điện của khối với Ukraina, theo yêu cầu của chính quyền Kiev. Bộ trưởng Năng Lượng Pháp giải thích : « Ukraina phải tiếp tục phòng thủ và giúp người dân đối phó với cuộc xâm lăng của Nga. Ukraina cần năng lượng ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.