Vào nội dung chính
HOA KỲ - TRUNG QUỐC

50 năm cuộc gặp Nixon-Mao : Từ bạn đến thù

Les Echos hôm nay 21/02/2022nhận thấy « Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh che khuất kỷ niệm 50 năm cuộc gặp giữa Nixon và Mao ». La Croix cho rằng « Tình hữu nghị Mỹ-Trung chỉ là một kỷ niệm xa vời ».

Ảnh tư liệu : Cái bắt tay lịch sử giữa chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Bắc Kinh ngày 21/02/1972.
Ảnh tư liệu : Cái bắt tay lịch sử giữa chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và tổng thống Mỹ Richard Nixon tại Bắc Kinh ngày 21/02/1972. AP
Quảng cáo

Đúng vào ngày 21/02/1972, cái bắt tay giữa tổng thống Mỹ Richard Nixon và chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông đã đi vào lịch sử. Chuyến thăm đầu tiên này đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ với Trung Quốc cộng sản và phần còn lại của thế giới, đảo ngược thế thăng bằng địa chính trị thời chiến tranh lạnh, cô lập Liên Xô. Ngày nay một Trung Quốc ngạo nghễ cạnh tranh với Hoa Kỳ trên mọi lãnh vực, nhưng xích lại gần với…Nga.

Nhà sử học Pierre Grossier cho biết thật ra nhiều năm trước chuyến đi, không ít cố vấn và nhà Trung Quốc học Mỹ đã bênh vực cho việc giao hảo với Bắc Kinh. Ông lưu ý, lúc đó Washington muốn Bắc Kinh gây áp lực với Việt Cộng để ngồi vào bàn đàm phán trong chiến tranh Việt Nam. Đến năm 1979, Đặng Tiểu Bình với chiếc nón cao bồi lên trang bìa báo Time, đã chinh phục được Washington. Các nhà đầu tư Mỹ đổ hàng tỉ đô la vào tất cả các lãnh vực kinh tế Trung Quốc.

Năm 1989, vụ thảm sát Thiên An Môn làm sự hào hứng khựng lại, nhưng chỉ được hai năm. Bắc Kinh gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001, và lặng lẽ dấn tới trong khi Hoa Kỳ chỉ lo chống khủng bố sau sự kiện ngày 11 tháng Chín. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 và việc ông Donald Trump đắc cử năm 2016 khiến Trung Quốc tin rằng đã đến lúc để trình ra bộ mặt thật, khác xa với những nụ cười của năm 1972.

Phía Mỹ cảm thấy bị phản bội. Michael Pillsbury, một con diều hâu của bộ Quốc Phòng từ nhiều thập niên và hiện là cố vấn của Joe Biden mới đây thú nhận : « Bây giờ nhìn lại, tôi mới thấy mình đã xuẩn ngốc như thế nào ». Trong giới kinh doanh, Henry Paulson, cựu bộ trưởng Tài Chính, một trong những người kịch liệt đòi hỏi xích lại gần với Bắc Kinh trong thập niên 90, cũng bày tỏ nỗi thất vọng : « Ban đầu chúng tôi bênh vực cho chính sách Mỹ với Trung Quốc, rồi trở nên nghi hoặc, cho đến khi trở nên chống đối ».

Năm mươi năm sau, thực tế cho thấy Hoa Kỳ và Trung Quốc không bao giờ có thể là bạn bè, và nay rõ ràng đã trở thành kẻ thù.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.