Vào nội dung chính
KHỦNG HOẢNG UKRAINA - ANH - NGA

Khủng hoảng Ukraina: Áp lực gia tăng buộc Luân Đôn mạnh tay với tài phiệt Nga ở Anh

Không khí quân sự căng thẳng tại vùng biên giới Nga – Ukraina với việc Matxcơva tiếp tục duy trì lực lượng cả trăm nghìn binh sĩ áp sát biên giới. Phương Tây đứng đầu là Mỹ quyết không nhân nhượng: một mặt cung cấp phương tiện quân sự hỗ trợ Ukraina, mặt khác đe doạ trừng phạt Nga nặng nề, đặc biệt về tài chính. Trong các nỗ lực đối phó của phương Tây, chính quyền Anh tỏ ra cứng rắn với Nga hơn nhiều nước khác.

"Londondgrad", tên gọi biểu tượng cho sức mạnh tài chính ngầm của Nga tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Ảnh trang nhất báo Anh Metro.
"Londondgrad", tên gọi biểu tượng cho sức mạnh tài chính ngầm của Nga tại thủ đô Luân Đôn của nước Anh. Ảnh trang nhất báo Anh Metro. © copy màn hình Twitter
Quảng cáo

Tuy nhiên, báo chí châu Âu đặc biệt chú ý đến việc Luân Đôn nắm trong tay một phương tiện trừng phạt đầy uy lực, nhưng cho đến nay chính quyền Anh vẫn trì hoãn trong việc đưa ra sử dụng. Cụ thể là Luân Đôn chính là thành phố mà đông đảo các đại gia Nga, thân chính quyền, chọn làm địa điểm cất giấu các khoản tiền bất minh với khối lượng khổng lồ. Phanh phui các tài sản bất minh, chặn đứng nguồn tiền bẩn từ Nga vào thị trường tài chính Luân Đôn, được coi là một biện pháp rất mạnh, buộc tổng thống Nga Vladimir Putin phải hết sức dè chừng trước khi quyết định hành động.

Các khu vực cư trú của giới đại gia tham nhũng người Nga tại Luân Đôn còn được mệnh danh là “Londongrad”, nói cách khác "thành phố Nga ở Luân Đôn". Báo chí Pháp đặt vấn đề : Để bảo vệ Kiev phải tấn công “Londongrad”. Liệu "trận chiến Londongrad" có xảy ra hay không ? (tựa đề một bài viết trên Le Figaro, ngày 02/02/2022).

***

Quy mô tài chính bất minh của giới tham nhũng Nga tại Anh ra sao ?

Rất khó đánh giá các khoản tiền mà giới đại gia có quan hệ gần gũi với chính quyền Nga đầu tư vào Anh. Năm 2018, chính quyền Anh ước tính có khoảng 100 tỉ bảng Anh tiền tham nhũng lọt vào nước Anh hàng năm. Về phần mình, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế khẳng định đã xác định được các tài sản tổng trị giá 1,5 tỉ bảng Anh được mua với tiền mờ ám đến từ Nga.

Mới đây, ngoại trưởng Anh Liz Truss thông báo sẽ công bố vào đầu tháng 4, danh sách của hơn 700 đại gia Nga, sở hữu “thị thực nhập cảnh loại 1” cho phép sống tại Anh và các cách thức mà các đương sự có được các tài sản lớn. Nội dung nói trên là kết quả điều tra khởi sự từ năm 2018, tiếp theo vụ cựu điệp viên Nga Serguei Skripal và con gái bị đầu độc tại Salisbury, chính quyền Nga bị cáo buộc đứng sau vụ mưu sát.

Thủ phủ tài chính thế giới City of London là nơi tiền vào, tiền ra rất dễ dàng. Với các quy định cực kỳ dễ dãi, việc lập một công ty bình phong để tẩy rửa các nguồn tiền bất minh là điều có lẽ ít nơi nào thuận tiện hơn cho các đại gia Nga. Trang mạng Court House News, chuyên về luật doanh nghiệp tại Anh, nêu ra một số tên gọi để minh chứng tính dễ dãi của việc đăng ký. Có các doanh nghiệp mang tên như “Adolf Tooth Fairy Hitler,” “Donald Duck”, hay “Jesus Holy Christ,” nghề nghiệp của một trong các chủ doanh nghiệp này là “Đấng sáng thế” ("creator"), và quốc gia cư trú là “Thiên đình” (“heaven”)… Từ thủ phủ City of London, tiền bất minh từ Nga dễ dàng đổ sang các thiên đường trốn thuế, như các quần đảo Virgin Islands của Anh, Turks và Caicos hay Grenada ở vùng vịnh Caribê, hay đảo Chyprus ở Địa Trung Hải (thuộc địa cũ của Anh)…

Đội bóng Anh Chelsea FC, "một biểu tượng Nga"

Tuần báo Pháp Le Point nhận định các đại gia hùng mạnh nhất nước Nga chọn đặt tài sản ở Luân Đôn : từ ông chủ ngành thép  Roman Abramovitch, đến nhà công nghiệp Arkady Rotenberg, ông chủ thép và nhôm Oleg Deripaska, Andrew Goncharenko, chuyên về lĩnh vực ống dẫn dầu khí, hay đại gia tài chính  Vladimir Chernukhin, đại gia truyền thông Evgeny Lebedev sở hữu nhật báo Luân Đôn miễn phí Evening Standard

Các đại gia Nga cũng đổ tiền mặt không rõ nguồn gốc vào hàng loạt lĩnh vực, như bất động sản, chứng khoán, tác phẩm nghệ thuật, buôn bán lẻ, hoạt động xuất – nhập khẩu. Việc đại tỉ phú Abramovitch mua lại đội bóng Anh Chelsea FC, và tuyển mộ các tuyển thủ tốt nhất, các nhà quản trị xuất sắc được coi là một ví dụ tiêu biểu của việc đầu tư của giới tài phiệt tham nhũng Nga. Theo báo Bỉ Le Soir (Bài “Luân Đôn, vũ khí bí mật của Putin”, ngày 02/02/2022), chính quyền Luân Đôn đã không bao giờ đặt câu hỏi về các nguồn tiền được sử dụng để mua lại đội bóng Chelsea FC. Ông chủ mới của Chelsea FC có thể tin tưởng dựa vào sự “đồng loã” của các chuyên gia kế toán, luật sư với tay nghề cao, để “trang điểm cho cô dâu”, như cách mà các khách hàng trong giới tai tiếng này dùng để mệnh danh hành động làm đẹp các thủ tục để bịt mắt các cơ quan kiểm tra, giám sát.

Thái độ của Hoa Kỳ với Anh về hồ sơ “Londongrad” ?

Căng thẳng với Nga gia tăng, nguy cơ chiến tranh cận kề buộc nước Mỹ và các đồng minh phải tìm nhiều biện pháp đủ mạnh để buộc Matxcơva phải chùn bước. Đầu tháng 2 này, báo chí châu Âu đồng loạt đăng tải thông tin từ phía giới chức Hoa Kỳ, kêu gọi chính quyền của thủ tướng Anh Boris Johnson thực sự ra tay hành động. Theo các giới chức Mỹ, nếu Luân Đôn tiếp tục có thái độ dung túng với các dòng tiền bất minh từ Nga, thì hệ thống các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ “bị suy yếu nghiêm trọng”. Báo Times dẫn lời một quan chức Mỹ bày tỏ sự “thất vọng của Washington” trước việc chính quyền Anh án binh bất động trong hồ sơ nóng bỏng này. Quan chức nói trên nhấn mạnh là “Biden nói là trừng phạt đích thân Putin, nhưng điều này chỉ có ý nghĩa biểu tượng. Putin không để tiền ở nước ngoài, tất cả tiền ở nước ngoài đều lấy tên của giới đại gia tham nhũng, mà một bộ phận lớn nằm tại các khu nhà ở Knightsbridge và Belgravia (ở Luân Đôn), ngay trước mũi chính phủ Anh”.

Nhật báo Hoa Kỳ Washington Post có bài “Vị thế của Luân Đôn với tư cách sân chơi cho giới tài phiệt gần gũi với điện Kremlin đang phá hỏng lập trường cứng rắn của Anh với Nga (“London’s status as a playground for Kremlin-linked oligarchs undermines Britain’s tough-on-Russia stance”). Báo Mỹ chuyên về thương mại Business Insider London cuối tháng Giêng 2022 thì dẫn lời cựu quan chức bộ Ngoại Giao Mỹ Max Bergmann, cũng ghi nhận một thái độ thất vọng từ phía chính quyền Biden. Ngày 25/01, chuyên gia này đã đề xuất một loạt các biện pháp đối phó với Nga, với một trong các biện pháp hàng đầu là lập một “lực lượng phối hợp Mỹ - Anh” có nhiệm vụ tấn công vào giới đại gia tham nhũng Nga tại Luân Đôn.

Trước các áp lực từ Mỹ, chính quyền Boris Johnson tỏ ra sốt sắng hơn hẳn. Ngoại trưởng Anh Liz Truss tuyên bố các đại gia thân Putin cũng như các doanh nghiệp gắn bó với Nhà nước Nga sẽ “không có chỗ ẩn náu tại Anh”. Chính quyền Matxcơva ngay lập tức lên án cuộc chiến chống lại giới làm ăn Nga tại Anh.

Phản ứng tại Anh: Dè dặt, phẫn nộ...

Về thái độ hăng hái của chính quyền Boris Johnson, theo nhật báo Pháp Le Figaro, chủ tịch uỷ ban Đối Ngoại Hạ Viện Anh, nghị sĩ bảo thủ Tom Tugenhat đã có lời hoan nghênh, nhưng đồng thời nhắc lại là một hành động theo hướng này đã được chính ông đưa ra cách nay bốn năm. Uỷ ban Đối Ngoại và Tình Báo Hạ Viện hối thúc chính phủ Anh hành động mau chóng. Theo lãnh đạo uỷ ban Đối Ngoại, Luân Đôn lẽ ra đã phải chống tham nhũng và hối lộ một cách cương quyết, để tự bảo vệ mình, và bảo vệ Ukraina, không cần phải chờ đến sự hối thúc của Mỹ.

Hồi tuần trước một nghị sĩ khác của đảng bảo thủ cầm quyền, ông John Penrose, thường được mệnh danh là “ông chống tham nhũng” trong chính phủ Boris Johnson, đã chỉ trích chính phủ trì hoãn việc thông qua luật về tội phạm kinh tế, cho phép ngăn chặn các nhà đầu tư bất minh sử dụng các công ty bình phong để mua lại các tài sản tại Anh. Ngày 24/01/2022, bộ trưởng Tài Chính Anh, Theodore Agnew, đã từ chức để phản đối nhiều chính sách của chính phủ, trong đó có việc trì hoãn ra luật về chống tội phạm kinh tế.

Cuộc chiến chống tiền bẩn của Nga ở Anh có triển vọng không ?

Trên thực tế, cho dù gây áp lực buộc chính quyền Anh hành động thực sự, Washington cũng hiểu rõ các thách thức khổng lồ với Luân Đôn. Trong một báo cáo mới đây, Center for American Progress, một viện tư vấn thân cận với chính quyền Biden đã đưa ra nhận định : “Nhổ rễ được các tài phiệt có quan hệ với điện Kremlin tại Luân Đôn là một thách thức bởi có những liên hệ mật thiết giữa tiền từ Nga và đảng Bảo Thủ cầm quyền, truyền thông và ngành công nghiệp bất động sản và tài chính của đảng này”.

Chúng ta biết, trong cuộc khủng hoảng 2014, khi Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina, “phản ứng đầu tiên của Anh là loại ra khỏi danh sách các trừng phạt, việc đóng cửa trung tâm tài chính Luân Đôn với người Nga, do lo ngại các hậu quả kinh tế”. Theo một điều tra của Hạ Viện Anh, các chính phủ đảng Bảo Thủ gần đây, từ David Cameron, đến Theresa May và Boris Johnson hiện nay đều “cố tình nhắm mắt” làm ngơ trước các can thiệp quy mô lớn của Nga vào các cuộc bầu cử tại Anh, đặc biệt là hai cuộc trưng cầu dân ý, về nền độc lập của xứ Scotland năm 2014, và về quyết định rời Liên Âu (Brexit) năm 2016.

Tài phiệt Nga và thượng lưu Anh: Quan hệ mật thiết, lâu đời

Theo nhiều nhà quan sát, các cơ quan phản gián Anh Quốc lừng danh thế giới giờ đây bị coi là bất lực trước những mối quan hệ mờ ám giữa giới đại gia tham nhũng Nga và một bộ phận chính giới Anh, nhất là đảng Bảo Thủ cầm quyền. Trước mỗi trận đấu trên sân nhà của đội Chelsea, sân vận động Stamford Bridge lại vang lên bản nhạc truyền thống Nga Kalinka với phong cách nhạc điện tử, như một sự vinh danh rầm rộ dành cho nước Nga. Báo Le Soir cũng nhấn mạnh đến vai trò của hoàng thân Michael de Kent, anh em họ của nữ hoàng Anh, được coi là một trong những người tạo điều kiện hàng đầu cho giới đại gia thân Putin tiếp cận giới thượng lưu Anh.

Mối quan hệ ông ăn chả, bà ăn nem của hai chính quyền Nga và Anh đã bắt rễ xa xưa. Ngọn nguồn của Londongrad khởi sự từ những năm đầu của Chiến tranh Lạnh thời Liên Xô, khi Matxcơva chọn Luân Đôn làm cửa ngỏ trong việc giao thương với thế giới tư bản phương Tây. Trong hiện tại, các tuyên bố trừng phạt mạnh mẽ của chính quyền Boris Johnson giống với những lời lẽ hù hoạ nhiều hơn.

Phô trương cơ bắp trên chiến hào thì dễ...

Anh có thể tăng gấp đôi số lượng binh sĩ triển khai tại Đông Âu một cách dễ dàng, nhưng trừng phạt Nga về mặt tài chính như trên là điều khó xảy ra. Về vấn đề này, nhật báo Le Figaro nhận định với đầy vẻ châm biếm : “Đôi khi dễ dàng để phô trương cơ bắp tại các chiến hào hơn là có các biện pháp dứt khoát tại các hành lang của giới thượng lưu ở trung tâm Tài chính Luân Đôn”.

Nhận định về vai trò của nước Anh trong những quan hệ mờ ám với Nga, nhà báo Anh Oliver Bullough nói : Anh “không phải là một chính phủ thân chính quyền Nga. Đó là một chính phủ thân tiền. Và trong trường hợp này, tiền đến từ Nga”. Oliver Bullogh là tác giả cuốn "Moneyland", mô tả sự ra đời của hệ thống rửa tiền quy mô thế giới, và vai trò chủ chốt của nước Anh. Tên đầy đủ của cuốn sách là “Moneyland: Why thieves and crooks now rule the world and how to take it back” (tạm dịch là "Vương quốc của Tiền : Tại sao những kẻ trộm và kẻ lừa đảo thống trị thế giới và làm thế nào để giành lại"). "Moneyland" được đề cử giải thưởng cho các tác phẩm chính trị mang tên Orwel (tác giả cuốn "1984", tiểu thuyết kinh điển về xã hội toàn trị).

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.