Vào nội dung chính
NGA - LIÊN HIỆP CHÂU ÂU

Liên Hiệp Châu Âu nhất trí trừng phạt kinh tế Nga nếu xâm lược Ukraina

Lãnh đạo của 27 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu nhất trí sẽ phối hợp với Hoa Kỳ và Anh Quốc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga trong trường hợp chính quyền Matxcơva ra lệnh tấn công Ukraina. Tuy nhiên, trong phiên họp thượng đỉnh ngày 16/12/2021, Bruxelles vẫn ưu tiên con đường trao đổi ngoại giao với Nga.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Bruxelles, Bỉ ngày 16 tháng 12 năm 2021.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel phát biểu trong cuộc họp báo tại Hội nghị thượng đỉnh EU, Bruxelles, Bỉ ngày 16 tháng 12 năm 2021. REUTERS - POOL
Quảng cáo

Trong thông cáo chung sau cuộc họp kín diễn ra trong nhiều giờ tại Bruxelles, nguyên thủ và người đứng đầu chính phủ của 27 nước Liên Hiệp Châu Âu nêu rõ « thêm bất kỳ vụ tấn công quân sự nào nhắm vào Ukraina sẽ dẫn đến những hậu quả hàng loạt và trả giá đắt, trong đó có các biện pháp hạn chế được phối hợp với các đối tác » Hoa Kỳ và Anh Quốc.

Đây là một trong những lời cảnh cáo trực tiếp nhất của Bruxelles nhắm đến Nga. Tuy nhiên, theo Reuters, chi tiết các biện pháp trừng phạt không được đưa ra thảo luận tại thượng đỉnh. Nhưng trước đó, một số nhà ngoại giao cho rằng Bruxelles có thể nhắm đến các đại tập đoàn Nga và cấm mọi giao dịch ngân hàng của châu Âu với các ngân hàng Nga.

Phía NATO cũng ủng hộ lập trường của Liên Hiệp Châu Âu. Tổng thư ký Jens Stoltenberg từng cảnh báo « sẽ không chấp nhận bất kỳ thỏa hiệp nào về quyền của Ukraina được tự lựa chọn con đường riêng, về quyền quyết định của NATO bảo vệ các thành viên hay làm đối tác với Ukraina ». Matxcơva vẫn yêu cầu NATO « chính thức » từ bỏ quyết định năm 2008 mở đường kết nạp Ukraina và Gruzia làm thành viên. Đây là « lằn ranh đỏ » mà chính quyền của tổng thống Putin đặt ra vì Nga không muốn NATO hiện diện ngay sát sườn.

Cũng trong thông cáo chung, 27 nhà lãnh đạo tuyên bố Liên Hiệp Châu Âu « cổ vũ mọi nỗ lực ngoại giao và ủng hộ « khuôn khổ Normandie » để đạt đến việc triển khai hoàn toàn các thỏa thuận Minsk » được ký năm 2014 và 2015 nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở vùng Donbass, phía đông Ukraina. Nga luôn phủ nhận có binh sĩ hiện diện trong vùng ly khai này nhưng theo thẩm định của Mỹ, có khoảng 100.000 quân, đang tập kết ở sát vùng biên giới chung với Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.