Vào nội dung chính
ANH - PHÁP - DI DÂN

Pháp kêu gọi láng giềng hỗ trợ sau vụ 27 di dân thiệt mạng ở biển Manche

Hôm qua 25/11/2021 Pháp thông báo huy động lực lượng cứu hộ dự bị nhằm ngăn chặn những thảm kịch khác ở biển Manche, nơi 27 người đã chết hôm 24/11/2021 khi tìm cách vượt biển từ Pháp sang Anh. Chính quyền Pháp cũng kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, bắt đầu từ Vương quốc Anh, trong cuộc chiến chống lại nhập cư bất hợp pháp. 

Một nhóm thuyền nhân vượt biển Manche từ miền bắc nước Pháp để sang Anh Quốc. Ảnh ngày 24/11/2021.
Một nhóm thuyền nhân vượt biển Manche từ miền bắc nước Pháp để sang Anh Quốc. Ảnh ngày 24/11/2021. REUTERS - GONZALO FUENTES
Quảng cáo

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Bỉ, Hà Lan, Vương Quốc Anh và Ủy ban Châu Âu để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân này.

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo tổ chức một cuộc họp vào Chủ Nhật 28/11/2021. Ông sẽ mời các bộ trưởng phụ trách di trú của Bỉ, Đức, Hà Lan, Anh và Ủy Ban Châu Âu đến dự để củng cố hợp tác trong lĩnh vực cảnh sát, tư pháp cũng như tìm các phương án triệt phá mạng lưới của những kẻ đưa người vượt biên.

Ngoài ra, Pháp mong muốn khối Schengen chống lại nạn di dân bất hợp pháp một cách có "hiệu quả hơn", thông qua việc tăng cường kiểm soát biên giới giữa các nước thành viên trong khối.  

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet tường trình :  

Việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới là một trong những hướng đề xuất sắp tới nhằm cải cách bộ luật biên giới Schengen. Pháp là một trong những nước nhiệt tình ủng hộ đề xuất này vốn đã được nhiều quốc gia đề cập đến. 

Cùng với 5 quốc gia khác trong đó có Đức và Áo, nước Pháp nằm trong số các quốc gia đã áp dụng các biện pháp kiểm soát ở biên giới từ năm 2015 vào thời điểm xẩy ra cuộc khủng hoảng di cư, và biện pháp này chỉ được áp dụng trong những trường hợp đặc biệt. Các biện pháp kiểm soát biên giới chỉ có thể được áp dụng trong vòng sáu tháng và mỗi lần muốn kéo dài thì đều phải có lý do. 

Lập luận chủ yếu của các nước ủng hộ việc tái áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới một cách dễ dàng là để bảo đảm an ninh lãnh thổ, lập luận này dường như đã được Liên Hiệp Châu Âu lắng nghe. 

Trên thực tế, sự vận hành của cơ chế Schengen một mặt dựa vào mức độ an ninh cao của Liên Âu và mặt khác, trong đề xuất của Ủy Ban Châu Âu cũng có một chương quan trọng về hợp tác cảnh sát. 

Ngoài ra, cũng còn có quan điểm pháp lý của công tố viên độc lập thuộc Tòa Án Công Lý Liên Âu, cho rằng việc áp đặt thời hạn cho việc kiểm soát biên giới dường như không phù hợp với việc bảo đảm an ninh. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.