Vào nội dung chính
HOA KỲ - KHÍ HẬU

Tình báo Mỹ: Khí hậu nóng lên khiến nguy cơ xung đột trên thế giới gia tăng

Hơn một tuần trước Thượng đỉnh Khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại Glasgow (COP 26), hôm qua 21/10/2021, tình báo Mỹ ra một báo cáo cảnh báo về nguy cơ xung đột tăng vọt, do khí hậu Trái đất nóng lên, khiến nguồn nước ngọt ngày càng khan hiếm, và ngày càng đông người phải di tản.

Băng ở Nam Cực, Bắc Cực tan chảy trên quy mô lớn là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng khí hậu toàn cầu bị hâm nóng. Ảnh minh họa.
Băng ở Nam Cực, Bắc Cực tan chảy trên quy mô lớn là một trong những biểu hiện rõ rệt nhất của tình trạng khí hậu toàn cầu bị hâm nóng. Ảnh minh họa. REUTERS/Pauline Askin
Quảng cáo

Theo hãng tin Pháp AFP, báo cáo nói trên - tổng hợp các kết luận của toàn bộ các cơ quan tình báo Hoa Kỳ - cho biết rõ việc nhiệt độ tăng cao và các hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng, « có nguy cơ gây thêm xung đột gia tăng do vấn đề nước và di cư, đặc biệt sau 2030 ». Báo cáo cũng dự báo về nguy cơ nội chiến gia tăng tại nhiều quốc gia sau 2040, tại các nước ít có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 11 quốc gia được chỉ đích danh có nguy cơ cao là : Afghanistan, Miến Điện, Ấn Độ, Pakistan, Bắc Triều Tiên, Guatemala, Haiti, Honduras, Nicaragua, Colombia và Irak. Theo các cơ quan tình báo Mỹ, cần phải có biện pháp để hỗ trợ các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, nếu không an ninh của nước Mỹ sẽ bị ảnh hưởng. 

Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ đặc biệt chú ý đến nguy cơ « các căng thẳng địa chính trị gia tăng », do các quốc gia có « những bất đồng » liên quan đến việc cắt giảm khí thải theo Hiệp định Khí hậu Paris 2015. Phần lớn các nước « sẽ phải đối mặt với những lựa chọn kinh tế khó khăn, và chắc chắn sẽ phải tính đến việc dựa vào các tiến bộ về công nghệ để giảm thiểu nhanh chóng lượng khí phát thải », nhưng việc này không sớm xảy ra.

Một nguồn gốc gây xung đột khác được chỉ ra trong báo cáo này là việc nhiều nước sử dụng các kỹ thuật « địa công nghệ » (geoengineering) (tức các kỹ thuật điều khiển thời tiết và môi trường, như làm mưa nhân tạo…). Báo cáo của cộng đồng tình báo Mỹ đặc biệt lo ngại về tình trạng quốc tế thiếu hợp tác trong nỗ lực cắt giảm khí phát thải, trong đó có việc thiếu hợp tác trong lĩnh vực điện mặt trời. 

Hôm 23/09/2021, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã có cuộc họp cấp cao đặc biệt về chủ đề khí hậu, hòa bình và an ninh bên lề Đại hội đồng. Ireland, với tư cách chủ tịch luân phiên của Hội Đồng Bảo An, đề xuất hội đồng ra một nghị quyết về khí hậu và an ninh. Đề xuất của này được 12/15 thành viên Hội Đồng Bảo An ủng hộ, nhưng bị Nga và Trung Quốc, hai thành viên thường trực có quyền phủ quyết, phản đối.

Hai báo cáo của Lầu Năm Góc và các cơ quan giám sát tài chính 

Cũng trong dịp hơn một tuần trước thượng đỉnh Khí hậu ( 31/10 đến 12/11 ), chính quyền Hoa Kỳ đã ra hai báo cáo khác về khí hậu. Một bản báo cáo của Lầu Năm Góc nhấn mạnh là Ấn Độ - Thái Bình Dương đặc biệt dễ tổn thương do nước biển dâng cao. Ấn Độ - Thái Bình Dương là khu vực mà Hoa Kỳ đang tăng cường phối hợp hoạt động cùng các đồng minh, đối tác, nhằm ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Báo cáo của bộ Quốc Phòng Mỹ khẳng định Trung Quốc có thể lợi dụng « tác động của biến đổi khí hậu để gia tăng ảnh hưởng ».

Báo cáo của Hội đồng Giám sát Bình ổn Tài chính của nước Mỹ (FSOC) « lần đầu tiên thừa nhận biến đổi khí hậu là một đe dọa gia tăng đối với bình ổn tài chính quốc gia ». Hội đồng FSOC được thành lập sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, tập hợp các cơ quan điều tiết về tài chính của nước Mỹ, đặt dưới sự điều hành của bộ Tài Chính. Trong cuộc họp trực tuyến hôm qua về chủ đề này, bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen nhận định, sự thay đổi nói trên là « một giai đoạn quan trọng trong cuộc chiến chống đe dọa của biến đối khí hậu ».

Tổng thư ký LHQ : Thượng đỉnh Khí hậu Glasgow « có thể thất bại » 

Trong cuộc họp báo trực tuyến hôm qua với các thành viên dự án quốc tế Covering Climate Now, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nhấn mạnh là « các nỗ lực trong những tuần gần đây là không đủ, chúng ta còn rất xa mục tiêu», khi thời gian đến thượng đỉnh Khí hậu chỉ còn rất ít. 

Theo tổng hợp mới nhất của Liên Hiệp Quốc, các cam kết cắt giảm khí thải của các quốc gia cho đến nay chỉ cho phép giới hạn nhiệt độ tăng ở mức 2,7°C so với thời tiền công nghiệp, cao hơn rất nhiều so với mục tiêu dưới 2°C, và nếu có thể tăng không quá 1,5°C, theo Thỏa thuận Paris 2015. 

Để tránh cho thượng đỉnh bị thất bại, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc kêu gọi tinh thần trách nhiệm của chính phủ tất cả các nước, đặc biệt là khối các nước G20, chịu trách nhiệm đến 80% khí thải toàn cầu. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, nếu các quốc gia nói trên không nỗ lực đủ tầm mức, đông đảo người dân sẽ gánh chịu các tổn thất ghê gớm. Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các nền kinh tế phát triển OCDE phải từ bỏ hoàn toàn than đá từ đây đến 2030, và các nước khác, trước 2040.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.