Vào nội dung chính
ANH QUỐC - KHỦNG HOẢNG

Nạn khan hiếm trong nhiều lĩnh vực : Nước Anh có bị rơi vào hỗn loạn ?

Tuần báo thiên tả New Statesman của Anh ngày 25/09/2021 gióng chuông cảnh báo một « mùa đông giận dữ » tại Anh. Bởi vì từ nhiều tuần qua, người dân Anh phải đối mặt với tình trạng thiếu khí đốt, thiếu xăng dầu, khan hiếm lương thực – thực phẩm cơ bản, giá cả tăng vọt…

Những kệ hàng trống rỗng do khan hiếm nguồn cung tại một siêu thị ở Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 20/09/2021.
Những kệ hàng trống rỗng do khan hiếm nguồn cung tại một siêu thị ở Luân Đôn, Anh Quốc, ngày 20/09/2021. AP - Frank Augstein
Quảng cáo

Phải chăng nước Anh đang lao đao và có nguy cơ đi đến khủng hoảng xã hội như cảnh báo của tờ New Statesman ? Thực trạng nước Anh hiện nay thế nào, mời quý vị theo dõi phần giải thích của luật sư Hoàng Đức Thắng với đài RFI Tiếng Việt.

**********

RFI Tiếng Việt xin chào luật sư Hoàng Đức Thắng. Nước Anh hiện đang đối mặt với một tình trạng khan hiếm chưa từng có trong nhiều lĩnh vực, từ lương thực – thực phẩm cơ bản, nhiên liệu (xăng dầu, khí đốt), rồi đến cả nguồn lao động trong một số lĩnh vực như nông nghiệp, tài xế xe tải, nhân viên lò mổ, và giờ là cả nhân viên y tế. Anh có thể cho biết đâu là những nguyên nhân chính ?

LS. Hoàng Đức Thắng : Nguyên nhân thứ nhất là do thiếu nhân công và thiếu cả phương tiện. Nhân công ở đây ví dụ như là lái xe, những người làm ở các lò mổ, những người thu hái hoa quả, rau củ. Phương tiện ở đây bao gồm cả xe tải hạng nặng chạy đường dài, cũng như là các loại container. Có nhiều lý do về tình trạng thiếu nguồn nhân công này, tuy nhiên, nguyên nhân chính là do tác động hạn chế đi lại và tăng thủ tục kiểm dịch do dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã hai năm nay.

Ví dụ, vì Anh Quốc là nước nhập khẩu chính cho nên các phương tiện đi từ Tây Ban Nha, Pháp, Ý và từ Đức nữa, mang hàng hóa vào Anh Quốc rất là nhiều. Nhưng do dịch bệnh ngăn cản trong thời gian vừa qua, dẫn đến viện Anh Quốc phải tăng nguồn tự cung tự cấp trong nước, lượng nhập khẩu rau quả, thủy hải sản từ các nước ngoài đã bị giảm hẳn.

Hệ quả là xảy ra tình trạng thiếu container, vì khi mang hàng vào nước Anh, lúc quay ra là bằng container trống, thì thường các hãng tận dụng để chuyển hàng từ Anh Quốc ra. Nhưng giờ do thiếu container vào dẫn đến việc thiếu cả container chở hàng từ bên trong ra. Tình trạng này giống như hiện tượng đang xảy ra ở Việt Nam. Các doanh nghiệp muốn xuất hàng đi thì không có container.

Lý do thứ hai là do tình trạng giảm phát của nền kinh tế. Bởi vì dịch bệnh, người ta nghỉ rất là nhiều khiến nền kinh tế bị sụt giảm một cách nghiêm trọng. Chính phủ các nước trên toàn thế giới không riêng gì Anh thi nhau dùng bảo lãnh của chính phủ, in tiền ra cung cấp cho dân để mua thức ăn. Điều này dẫn đến việc, vẫn ngần ấy « mồm ăn » nhưng số người đi làm lại thiếu.

Yếu tố thứ ba, là do tâm lý và cụ thể là do khủng hoảng truyền thông trong việc cung cấp thông tin không rõ ràng, chạy tít « giật gân » của các nhà đài. Chẳng hạn như vụ thiếu hụt xăng dầu vừa qua tại Anh Quốc, một trong những lý do khiến người dân phải đổ xô tích trữ nhiên liệu là do các nhà đài đưa tin một cách không rõ ràng, hơi mập mờ, chủ yếu trích dẫn nguồn tin từ hãng BP, công ty dầu khí của Anh nói rằng thiếu đội ngũ lái xe cung cấp nhiên liệu có thể khiến 1/3 trạm xăng rơi vào tình trạng hết nhiên liệu.

Lý do thứ tư là các rào cản được lập ra do việc Anh Quốc rời khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Đây cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thiếu nhân công các nước Đông Âu đến làm việc ở Anh. Nhưng lý do lớn nhất là do thủ tục thông quan nhiêu khê và mất thời gian ở vùng biên giới giữa các cửa khẩu Anh – Pháp, Anh – Hà Lan hay với Bỉ.

Bên cạnh đó còn có các quy định kiểm dịch nữa. Từ sau khi Anh Quốc rời Liên Hiệp Châu Âu, tất cả những mặt hàng trước kia Anh Quốc vẫn dùng và phía Liên HiệpChâu Âu xem đương nhiên là hợp chuẩn từ những món rất đơn giản như là xúc xích, cá, tôm… thì bây giờ Bruxelles bắt buộc giờ phải có kiểm dịch. Việc này gây mất nhiều thời gian và gây ra tình trạng đình trệ dẫn đến thiếu hụt các sản phẩm tương tự ở cả Liên Hiệp Châu Âu, cũng như là đầu xuất đi ở Anh, nguồn cung hải sản rất lớn cho khối Liên Âu.

Tình trạng này xảy ra, phải chăng cũng do chính phủ bảo thủ của thủ tướng Boris Johnson có phần hơi thụ động, không dự đoán trước được các tình huống có thể xảy ra bất chấp nhiều tín hiệu ?

LS. Hoàng Đức Thắng : Thẳng thắn mà nói, rõ ràng chính phủ Anh có thụ động. Đó là do cách hoạch định chính sách, kế hoạch mức cao của Anh Quốc. Người ta không thể đổ hết tất cả lên đầu của Brexit, vốn dĩ đóng một vai trò rất là nhỏ, khoảng độ 5-10%, phần còn lại là do những nguyên nhân khác.

Cụ thể, trong trường hợp này cách tính toán xử lý khủng hoảng của Anh Quốc trong trường hợp có dịch bệnh là có vấn đề. Ở đây, tôi xin điểm qua một số ví dụ. Trước tình trạng thiếu hụt như vậy, chính phủ Anh có những cách xử lý khác nhau. Thứ nhất là tăng lưu lượng nguồn cung cấp các mặt hàng bị thiếu hụt.

Ví dụ như vụ thiếu xăng dầu, chính phủ cho tăng số chuyến cung cấp nhiên liệu, đưa lực lượng dự phòng vận chuyển. Luân Đôn có một đội xe hơn 80 chiếc chuyên dự phòng cung cấp nhiên liệu khi cần thiết. Bên cạnh đó, chính phủ điều cả lực lượng lái xe của quân đội do các căn cứ, các sân bay, các doanh trại đều có xe tiếp nhiên liệu riêng, có kênh phân phối riêng.

Anh Quốc là nước sản xuất xăng dầu, có nhiều nhà máy lọc dầu, thậm chí có thể xuất khẩu ra ngoài thế giới, trên nguyên tắc nước Anh không thiếu nhiên liệu nhưng kênh phân phối có vấn đề trong trường hợp này là do thiếu hụt lái xe cũng như là các quy định về giãn cách thời gian lái xe, nghĩa là không được điều khiển không quá 2 tiếng 15 phút liên tục.  

Biện pháp thứ hai là Luân Đôn dỡ bỏ một số rào cản pháp lý. Ví dụ như bỏ quy định về chống cạnh tranh, theo đó cho phép các hãng cung cấp xăng dầu cho các trạm thuộc các hãng đối thủ. Trước kia hãng nào được cung cấp cho trạm xăng của mình ? Giờ thì cho những phép những hãng nào có cơ sở cung cấp nhiên liệu ở gần các trạm xăng đang thiếu thì được phép cung cấp và thu tiền luôn. Đây là biện pháp khiến cho việc thiếu hụt xăng dầu ở Anh chỉ xảy ra trong khoảng một tuần, mà đỉnh điểm là trong ba ngày, giờ thì được giảm đi rất nhiều.

Biện pháp thứ ba là tuyển dụng khẩn cấp. Đây là biện pháp đối phó trực tiếp để giải quyết tình trạng thiếu tài xế, nhất là người Đông Âu do họ không sang. Nguyên nhân không phải là do Brexit mà là do những hạn chế vì dịch bệnh hiện nay. Hệ thống visa hiện nay vẫn cho phép những người lái xe tải là công dân Châu Âu vẫn sang Anh một cách tự do và dễ dàng. Chỉ có thủ tục là phải làm thêm hồ sơ chứ không có những hạn chế gì so với trước Brexit cả.

Để đối phó với việc này, Anh Quốc cấp thêm 5.500 visa tạm thời và một số không hạn chế cho các đối tượng khác như nhân công lò mổ. Số 5.500 này chỉ dành riêng cho lái xe tải và cho quy mô toàn thế giới chứ không riêng gì châu Âu. Do vậy, tôi nghĩ rằng trong thời gian sắp tới sẽ có làn sóng các lái xe đến từ nhiều nước khác như Ấn Độ, Pakistan… Visa tạm thời này chỉ cho phép làm việc đến hết Giáng Sinh, nhưng sau đó họ có thể xin được một vị trí làm chính thức.

Biện pháp sau cùng là xử lý truyền thông. Yếu tố này đóng vai trò rất lớn trong việc kích động dân chúng đi mua trữ xăng dầu. Chính phủ Anh đã tăng cường trấn an người dân trên các phương tiện truyền thông đại chúng, hạn chế tích trữ giúp giảm bớt tiêu thụ xăng dầu trong thời gian vừa qua.

Về lâu dài, chính phủ Anh phải tăng cường đào tạo, huấn luyện người dân địa phương, kể cả việc mở thêm các khóa dạy lái xe tải hạng nặng hay tăng cường số điểm thi, số kỳ thi với nhân công lái xe tải. Điều này cũng tương tự cho các khu vực kinh tế khác như nhân viên y tế. Các khóa tăng cường đào tạo nhân viên làm hộ lý, y sĩ, y tá, bác sĩ, tăng lên rất nhiều. Số các trường mở những khóa đào tạo này cũng tăng nhiều. Tôi nghĩ rằng trong ba năm nữa, Anh Quốc có thể làm chủ được các lĩnh vực này.   

Trong bối cảnh mùa đông đang đến, thiếu khí ga để sưởi rồi còn thiếu lương thực thực phẩm, liệu nước Anh có nguy cơ đối mặt với những bất ổn xã hội như cảnh báo của tờ New Statesman hay không ? 

LS. Hoàng Đức Thắng : Tôi nghĩ rằng lập luận như vậy mang tính giật tít nhiều hơn. Tôi chưa nhìn thấy nguy cơ một cách hết sức rõ ràng nào trong kỳ mùa đông này cả. Xáo trộn về mặt xã hội thì ở nước nào cũng có trong tình cảnh khó khăn về mặt kinh tế. Bởi vì về mặt bản chất, chính phủ Anh vẫn đứng ra bao cấp tất cả các khoản chi dùng cho người dân, kể cả một đối tượng rất lớn, chiếm khoảng 12-15% dân số Anh là tạm gọi những đối tượng « ăn bám », chỉ có hưởng trợ cấp xã hội chứ không làm bất cứ việc gì.

Họ bảo đảm chính sách này kể cả bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ để in thêm tiền ra chi cho dân, với cái giá chấp nhận ngược lại là lạm phát tăng cao và đồng tiền tiết kiệm của người dân trong ngân hàng bị mất giá.

Một khi chính phủ Anh cũng như là nhiều nước châu Âu vẫn duy trì chính sách như vậy, về mặt cơ bản sẽ không có khủng hoảng lớn về mặt xã hội nào khác, mặc dù chắc chắn trong thời gian tới một loạt các yếu tố bất lợi cho đời sống của người dân sẽ phát sinh như giá nhiên liệu sẽ tăng cao (khoảng 10%), tỷ lệ lạm phát tăng (3-4%).

Song song đó, tỷ lệ những người không hài lòng với các chính sách của chính phủ cũng tăng lên, nhưng điều đó cũng có thể hiểu được trong bối cảnh dịch bệnh và các biện pháp không có tiền lệ dẫn đến thâm hụt ngân sách và lãng phí một nguồn lớn ngân sách trong những thời gian vừa qua.  

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn luật sư Hoàng Đức Thắng tại Luân Đôn.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.