Vào nội dung chính
AFGHANISTAN - MỸ

Mỹ rút quân khỏi Afghanistan trước ngày 11 tháng 9

Phát biểu ngày 14/04/2021 tổng thống Biden long trọng thông báo rút gần như toàn bộ hơn 2.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Afghanistan sau khi đã « hoàn thành các mục tiêu » đề ra. Các thành viên khối NATO, với chưa đầy 10.000 quân, cũng lập tức theo gót Hoa Kỳ.

Phụ nữ Afghanistan tham gia một sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế Quyền Phụ nữ, Kabul, Chủ Nhật 07/03/2021.
Phụ nữ Afghanistan tham gia một sự kiện kỷ niệm ngày Quốc tế Quyền Phụ nữ, Kabul, Chủ Nhật 07/03/2021. AP - Rahmat Gul
Quảng cáo

Tổng thống Mỹ thứ 46, Joe Biden, chính thức thông báo lịch trình rút quân khỏi Afghanistan, sau đúng 20 năm từ khi chiến tranh khai mào, trễ hơn mất 5 tháng so với mục tiêu từng được người tiền nhiệm Donald Trump đề xuất. 

Trong bài phát biểu, ông Biden nhấn mạnh « Đã đến lúc chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, một cuộc chiến không có hồi kết ». Mỹ đã đạt được mục tiêu không để cho Afghanistan « trở thành địa bàn của quân khủng bố và lại có thể tấn công Hoa Kỳ ».

Nhà Trắng dự trù khởi động chiến dịch rút quân từ ngày 01/05/2021 và mọi việc sẽ phải được hoàn tất trước ngày 11/09/2021, tức đúng kỷ niệm 20 năm ngày Hoa Kỳ bị tổ chức Al Qaeda tấn công khủng bố làm khoảng 3.000 người thiệt mạng trên lãnh thổ Mỹ.

Trước đó tổng thống Biden đã điện đàm với đồng nhiệm Afghanistan, Ashraf Ghani. Nhà Trắng cho biết Kabul « khẳng định hoàn toàn có khả năng bảo đảm an ninh cho người dân Afghanistan ».

Thông báo của Washington được đưa ra vài ngày trước hội nghị vãn hồi hòa bình cho Afghanistan, dự trù tổ chức tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, từ ngày 24/04/2021 đến 04/05/2021. Đây sẽ là cơ hội để khởi động lại đàm phán giữa quân Taliban và đại diện chính quyền Kabul. Tuy nhiên quân Taliban báo trước là sẽ tẩy chạy hội nghị Istanbul « cho tới khi nào tất cả các lực lượng quân sự nước ngoài còn chưa thoái lui toàn bộ », ngụ ý cái ngưỡng ngày mồng 01/05/2021 như thỏa thuận đã đạt được với chính quyền Trump hồi năm ngoái vẫn phải được tôn trọng.

Về phản ứng của cộng đồng quốc tế, lập tức các thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO và các nước tham gia lực lượng đa quốc gia đặt dưới sự chỉ đạo của Hoa Kỳ, đồng ý theo chân Washington, từ nay đến 01/05/2021, bắt đầu rút lui khỏi Afghanistan. Thế nhưng công luận Afghanistan có thái độ ra sao ? Thông tín viên đài RFI từ Kabul, Sonia Ghezali cho biết : 

« Việc Mỹ rút quân đang làm dấy lên nhiều lo ngại trong công luận. Sau 20 năm với sự hiện diện của lực lượng nước ngoài, Afghanistan đã đạt được một số tiến bộ như trong lĩnh vực giáo dục, về tự do báo chí, về điều kiện để nữ giới tham gia thị trường lao động. Tuy nhiên những tiến bộ đó chủ yếu đạt được ở thành thị. Thực tế kém tươi sáng hơn tại các vùng nông thôn.

Liên quan đến điều kiện sống của phụ nữ Afghanistan chẳng hạn, tỉ lệ biết đọc biết viết của phái nữ là 37 % thay vì 66 % đối với nam giới. Hiện tại có 250 phụ nữ tham gia Tòa án Tối cao. Hơn 30 % số ghế trong Quốc Hội Afghanistan được dành cho nữ giới, để bảo đảm phái nữ tham gia vào đời sống chính trị và trong các sinh hoạt của truyền thông.

Toàn cảnh này khác hoàn toàn so với giai đoạn quân Taliban cai trị đất nước (1996-2001). Khi đó phụ nữ không được quyền ra khỏi nhà, nếu không có một người đàn ông trong gia đinh đi cùng. Thủ đô Kabul và nhiều thành phố lớn khác trên toàn quốc đã có nhiều thay đổi. Nhiều quán cà phê sang trọng đã được mở cửa. Đây là nơi sinh viên, giới trẻ dấn thân vào đời sống chính trị Afghanistan thường lui tới.

Nếu như quân Taliban hội nhập trở lại vào đời sống xã hội và chính trị, và lại muốn áp đặt một mô hình xã hội dựa trên luật Hồi Giáo, liệu rằng những tiến bộ vừa nêu có còn tồn tại nữa hay không ? Đó là câu hỏi mà nhiều nhà đấu tranh trong xã hội dân sự và những người bảo vệ một mô hình dân chủ cho Afghanistan đang đặt ra ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.