Vào nội dung chính
HOA KỲ - ĐIỆN ẢNH - COVID-19

Covid-19 : Chuỗi rạp phim Mỹ Pacific Theatres đóng cửa luôn

Do dòng họ Forman thành lập kể từ năm 1946, chuỗi rạp hát Pacific Theatres cũng như ArcLight Cinemas đều khá nổi tiếng ở bang California, Hoa Kỳ. Cả hai chi nhánh này đều do công ty gia đình Decurion Corporation khai thác. Theo thông báo chính thức của Decurion hồi đầu tuần, cả hai chuỗi rạp chiếu phim này sẽ vĩnh viễn ngưng hoạt động.  

Rạp chiếu phim Cinerama Dome thuộc chuỗi rạp Pacific Theatres trong mùa đại dịch Covid-19, Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 29/06/2020.
Rạp chiếu phim Cinerama Dome thuộc chuỗi rạp Pacific Theatres trong mùa đại dịch Covid-19, Los Angeles, California, Hoa Kỳ, ngày 29/06/2020. REUTERS - Mario Anzuoni
Quảng cáo

Tại Mỹ, ngành văn hóa đang có dấu hiệu phục hồi, tuy còn chậm nhưng vẫn đang từng bước nối lại với các hoạt động chuyên ngành. Cũng như New York, thành phố Los Angeles đã cho phép mở lại các phòng chiếu phim kể từ ngày 15/03/2021. Tuy vẫn còn buộc phải hạn chế số người xem cho tới giữa tháng 06/2021 ở mức tối đa là 25%, (tức chỉ bằng một phần tư so với mức khán giả bình thường vào năm 2019) nhưng đã có khá nhiều rạp chiếu phim ở Mỹ, bắt đầu hoạt động trở lại sau hơn một năm đóng cửa, chủ yếu là để khai thác một số phim blockbuster được cho ra mắt nhân dịp này.  

Rạp phim chỉ bán 25% vé cho khán giả 

Sự thành công của bộ phim "Godzilla đại chiến Kong" do đạo diễn Adam Wingard thực hiện cho hãng phim Warner Bros, với hơn 70 triệu đô la chỉ riêng trên thị trường Mỹ sau 2 tuần trình chiếu, đồng thời bộ phim này cũng đã lập kỷ lục 360 triệu đô la doanh thu toàn cầu thời Covid, đủ cho thấy là giới khán giả ghiền xinê vẫn rủ nhau đi xem phim ở rạp, mỗi lần họ có cơ hội và cho dù điều đó buộc người xem phải tuân thủ khá nhiều điều kiện ràng buộc, chủ yếu là ngồi cách xa nhau, đeo khẩu trang trong suốt buổi chiếu phim và thậm chí không được quyền ăn uống. 

Trái với các công ty khác, hai chuỗi rạp hát "Arclight Cinemas" và "Pacific Theatres" thuộc công ty Decurion đã quyết định không mở cửa trở lại vào ngày 15/03 dù sau hơn một năm dịch Covid-19 đã làm tê liệt ngành phân phối cũng như sản xuất phim. Theo dự kiến ban đầu, Decurion chỉ mở lại các phòng chiếu phim kể từ ngày 15/06 trở đi, với hy vọng là không còn hạn chế về số lượng khán giả, cũng như các quy định ràng buộc sẽ được dỡ bỏ, có như vậy các rạp chiếu phim mới hy vọng bội thu, kiếm thêm được lời sau các chi phí hoạt động. 

Thế nhưng, rốt cuộc công ty Decurion đành phải thông báo đóng cửa luôn hai chuỗi rạp phim Arclight và Pacific. Tính tổng cộng, có khoảng 300 phòng chiếu phim chia đều trên 20 cơ sở khác nhau trên toàn bang California, tại nhiều thành phố ven biển phía tây Hoa Kỳ. Sau đợt sa thải đầu tiên, lần này tất cả các nhân viên còn lại của "Arclight Cinemas" cũng như "Pacific Theatres" đều có nguy cơ bị mất việc luôn. 

Các chủ rạp chiếu phim lâm vào thế kẹt 

Trong vòng hơn một năm, gần một nửa các rạp chiếu phim trên toàn nước Mỹ vẫn phải tiếp tục đóng cửa. Tùy theo quy định của từng bang, một số rạp xinê khi quyết định mở cửa trở lại, vẫn bị vắng khách do còn thiếu quá nhiều phim thương mại, không đủ sức lôi cuốn khán giả vào rạp. Các chủ rạp chiếu phim lâm vào thế "tiến thoái lưỡng nan" : mở hay đóng đều bị thất thu. Còn giới phân phối nằm trên đe dưới búa do chịu áp lực cùng lúc từ nhiều phía. 

Hãng phim Paramount không ngừng dời lại ngày ra mắt các bộ phim nặng ký như tập nhì của "Top Gun, Maverick", hay các phần kế tiếp của "Mission Impossible". Disney cũng dời lại lần thứ năm bộ phim mang thương hiệu Marvel "Black Widow". Về phần mình Warner Bros gây tranh cãi khi trình làng trên mạng thay vì ra mắt khán giả ở rạp phiên bản mới của "Liên minh Công lý" (Zack Snyder), tập nhì "Wonder Woman 1984", khiến cho các chủ rạp phim mất cơ hội kinh doanh khai thác. Duy chỉ có "Godzilla đại chiến Kong" và sắp tới đây nữa là phiên bản điện ảnh 2021 của trò chơi video "Mortal Kombat" (Trận đấu sinh tử) được chiếu cùng lúc ở rạp và trên mạng phim trực tuyến. Ngoại trừ hai trường hợp ngoại lệ này, có thể nói số phim bom tấn có khả năng lôi kéo khán giả vào rạp được đếm trên đầu ngón tay.    

Điều đó càng gây thêm áp lực lên các nhà phân phối phim. Hệ thống các rạp hát Regal và AMC Theatres tuy đã gặp nhiều khó khăn trong năm qua, nhưng đã mở lại các hoạt động kinh doanh, chủ yếu cũng vì họ tìm được nguồn vốn đầu tư hỗ trợ. Trong khi đó,  so với hai tập đoàn giải trí khổng lồ này, "Arclight Cinemas" cũng như "Pacific Theatres" chỉ thuộc vào hàng công ty cỡ trung bình hoạt động một cách độc lập, sức chịu đựng của công ty mẹ Decurion cũng phần nào có giới hạn trước cú sốc kinh tế quá mạnh của dịch Covid-19.

Đối với giới yêu chuộng điện ảnh, chuỗi rạp chiếu phim  "Arclight Cinemas" và "Pacific Theatres" đều khá quen thuộc, quan trọng nhất vẫn là nhà hát vòm cầu "Cinerama Dome" nằm trên Đại lộ Hoàng hôn Sunset Boulevard, còn rạp chiếu phim "Grove" nằm tại West Hollywood. Pacific Theatres có 6 cơ sở ở phía nam California, còn Arclight Cinemas cũng có thêm chi nhánh tại Boston, Chicago, San Diego và Bethesda ở bang Maryland. Riêng nhà hát vòm cầu "Cinerama Dome" từng là nơi mà các đoàn phim chọn để ra mắt công chúng nhiều tác phẩm nổi tiếng. 

Rạp phim xưa : Di sản văn hóa của Los Angeles 

Được xây dựng từ năm 1963, "Cinerama Dome" nhanh chóng trở thành một rạp hát thời thượng, một địa điểm quen thuộc trong mắt giới du khách nước ngoài, cho nên vào cuối năm 1998, nhà hát này đã trở thành di sản văn hóa của Los Angeles, theo quyết định của hội đồng thành phố. Vào năm 2019, hình ảnh của "Cinerama Dome" trên Đại lộ Hoàng hôn đã đi vào lòng người mến mộ, sau khi đạo diễn Quentin Tarantino thu hình cho bộ phim "Once Upon a Time in... Hollywood".

Trên các mạng xã hội, xuất hiện hàng loạt tin nhắn sau khi Arclight Cinemas buộc phải đóng cửa "Cinerama Dome". Rất nhiều tên tuổi nổi tiếng tại Hollywood, trong đó có các đạo diễn cũng như diễn viên Barry Jenkins, James Gunn, Rian Johnson, Lulu Wang, Edgar Wright, Joseph Gordon đều bày tỏ nỗi xúc động và thất vọng khi hay tin một rạp chiếu phim lâu đời như "Cinerama Dome" bị phá sản. Về phần mình nhà văn Matt Oswalt đã ngỏ lời kêu gọi giới văn nghệ sĩ huy động quyên góp ủng hộ. Ông hy vọng rằng "Cinerama Dome" sẽ nhận được sự giúp đỡ như trường hợp của nhà hát New Beverly (một trong những rạp hát xưa nhất của Los Angeles) đã từng được đạo diễn Tarantino bỏ tiền ra mua lại vào năm 2007.  Còn nhà hát Ai Cập Grauman's Egyptian xây từ năm 1922 tại Hollywood, đã được tập đoàn Netflix mua lại vào năm 2020.

Do được xem là một "di sản văn hóa" của Los Angeles, cho nên có nhiều khả năng nhà hát "Cinerama Dome" sẽ tìm được nguồn tài trợ. Riêng các cơ sở khác của "Arclight Cinemas" và "Pacific Theatres" nếu không được sáp nhập vào các công ty phân phối điện ảnh khác, có nguy cơ đóng cửa luôn và biến đổi thành cửa hàng, văn phòng hay trung tâm thương mại. Giới chuyên ngành đã từng cảnh báo rằng các rạp chiếu phim độc lập khác với các rạp phim multiplex hiện đại, có nhiều nguy cơ bị đóng cửa vĩnh viễn. Trong trường hợp của "Arclight Cinemas" và "Pacific Theatres", kịch bản tồi tệ nhất cuối cùng cũng đã diễn ra.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.