Vào nội dung chính
NGA - QUÂN SỰ

« Poseidon » : Một « siêu vũ khí » hạt nhân đáng gờm của Nga !

Matxcơva dường như đang phát triển một loại ngư lôi hạt nhân có khả năng tạo ra những cơn sóng thần phóng xạ to lớn. Đối với nhiều chuyên gia, hiểm họa này cần phải được xem xét nghiêm túc.

Ảnh minh họa: Tầu ngầm hạt nhân Nga, Yuri Dolgoruky, tại vùng biển Arkhangelsk, Nga, ngày 02/07/2009.
Ảnh minh họa: Tầu ngầm hạt nhân Nga, Yuri Dolgoruky, tại vùng biển Arkhangelsk, Nga, ngày 02/07/2009. AP - Alexander Zemlianichenko
Quảng cáo

Đây sẽ là một loại vũ khí tàng hình có một sức mạnh vô song. Thiết bị này được thiết kế để mang một đầu đạn nặng tầm vài mega tấn, mạnh gấp hơn 100 lần so với quả bom nguyên tử mà Mỹ thả xuống Hiroshima.

Nguyên tắc hoạt động là với vận tốc cỡ 185,2 km/giờ (100 hải lý/giờ), Poseidon sẽ tạo một con đường xuyên qua đáy biển, vượt ra ngoài phạm vi phòng thủ ven biển, nhằm phá hủy toàn bộ các vùng duyên hải. Hơn nữa, quả ngư lôi này còn chứa chất cobalt 60 đủ để gây ra những cơn mưa phóng xạ.

Vũ khí này có thể được phóng đi từ các chiến hạm hay tầu ngầm. Ở Nga, hiện chỉ có hai chiếc tầu ngầm có khả năng chở đến 6 Poseidon cho mỗi chiếc : Tầu bọc thép ngầm K-329 Belgorod và tàu Khabarovsk 09851.

Đây quả là một kịch bản « ngày tận thế » và là một mối đe dọa mà giới chuyên gia cho rằng cần phải xem xét cẩn trọng. Christopher Ashley Ford, cựu thứ trưởng Ngoại Giao về an ninh quốc tế Mỹ, hồi tháng 11/2020 đã báo động về loại vũ khí đáng gờm này, mà theo ông, là để « nhấn chìm các thành phố ven biển của Mỹ bằng các đợt sóng thần phóng xạ ».

Kiểm soát Bắc Cực

Tháng 2/2021, dường như đích thân tổng thống Nga, Vladimir Putin đã yêu cầu tăng tốc việc phát triển chương trình « Poseidon 2M39 », sẽ bước sang giai đoạn thử nghiệm từ đây đến cuối năm. Mục tiêu duy nhất của điện Kremlin là đi thêm một bước trong cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Nga và Mỹ ?

Theo giáo sư Katarzyna Zysk, ngành quan hệ quốc tế, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Na uy với CNN, thách thức chính ở đây có lẽ là giành quyền kiểm soát Bắc Cực. Poseidon là một phương tiện gây áp lực mới trên bàn đàm phán, trước hết, được dùng để « gây khiếp hãi » cũng như một « lá bài thương lượng ».

Con đường hàng hải

Điều này giải thích vì sao sự hiện diện của Nga mỗi lúc một đông đảo tại những vùng lãnh thổ nằm ngoài vòng Bắc Cực. Ví dụ điển hình là khu căn cứ quân sự nằm trên đảo Kotelny, bị bỏ rơi sau khi Liên Xô sụp đổ nhưng đã được quân đội tái đầu tư từ năm 2013.

Phương diện kinh tế cũng không nên bỏ qua ở đây. Matxcơva dự tính mở rộng tầm ảnh hưởng trên « con đường Bắc hàng hải », một hải trình nối liền Na Uy với Alaska, đi dọc theo bờ biển của Nga đến tận Bắc Đại Tây Dương. Một hải lộ ngày càng dễ lưu thông vì tan băng do biến đổi khí hậu.

Khi mượn con đường này, những chiếc tầu chở container giảm đáng kể thời gian  vận chuyển giữa châu Âu và châu Á. Một đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng cho kênh đào Suez, nhưng cũng là một nguồn tài chính không thể phủ nhận cho nước nào kiểm soát được con đường này.

Ngày 7/10/2020, Vladimir Putin thông báo thử nghiệm thành công « Zircon ». Chiếc tên lửa siêu thanh này có bắn đến các mục tiêu xa đến 1.000km với tốc độ là Mach 9 (gấp 9 lần tốc độ âm thanh).

(Theo RTL, BFMTV)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.