Vào nội dung chính
ÚC - ĐIỆN ẢNH

Úc, miền đất hứa của Hollywood thời Covid-19

Trong vòng một năm đại dịch Covid-19, nước Úc chỉ có khoảng 900 ca tử vong, trong khi số người chết tại Mỹ lên tới hơn nửa triệu (555.000) tính tới đầu tháng 04/2021. Các hãng phim Mỹ bị điêu đứng khi mất tới hàng chục tỷ đô la. Thế nhưng, để chuẩn bị thời hậu Covid-19, giới sản xuất vẫn thực hiện một số dự án quan trọng, không phải tại Hollywood mà là tại Úc.  

Giải thưởng Oscar, một biểu tượng của điện ảnh Hollywood : Ảnh minh họa
Giải thưởng Oscar, một biểu tượng của điện ảnh Hollywood : Ảnh minh họa Danny Moloshok/Invision/AP - Danny Moloshok
Quảng cáo

Trong mắt của giới chuyên ngành, do khống chế được đà lây lan của dịch bệnh, nước Úc bảo đảm một môi trường làm việc an toàn cho các đoàn quay phim. Các công ty bảo hiểm cũng an tâm hơn khi khách hàng của họ thường là những diễn viên nổi tiếng, sang Úc đóng phim thay vì tại Hollywood. Có lẽ cũng vì thế mà chưa bao giờ lại có nhiều ngôi sao màn bạc như thế tề tựu về Sydney kể từ 6 tháng qua ..... Ngoài các gương mặt rất quen thuộc như Julia Roberts, Tilda Swinton, Idris Elba hay Toni Collette, báo chí Úc còn theo dõi dự án phim mới mở đầu cho giai đoạn thứ tư của Marvel Studios. Ngoài các ngôi sao màn bạc Natalie Portman và Chris Hemsworth, đoàn làm phim "Thor 4 : Love and Thunder" còn tiếp đón nhiều tên tuổi gạo cội khác trong trung tuần tháng 03/2021 như Matt Damon, Christian Bale và nhất là Russell Crowe vừa gia nhập đội ngũ diễn viên hùng hậu ..... 

Điều kiện ưu đãi và môi trường an toàn tại Úc 

Môi trường làm việc an toàn cũng là động lực thúc đẩy Netflix dời từ Canada sang Úc dự án quay bộ phim hình sự nhiều tập "Pieces of Her"dựa trên quyển tiểu thuyết trinh thám ăn khách cùng tên của Karin Slaughter. Một cách tương tự, nhà biên đạo múa người Pháp  Benjamin Millepied (chồng của Natalie Portman), tranh thủ thời gian đóng phim của vợ mình, để thực hiện dự án của anh chuyển thể vở kịch opera Carmen thành một phiên bản điện ảnh, lồng vào bối cảnh thời nay. Lúc đầu, Benjamin Millepied dự tính quay bộ phim truyện đầu tiên của mình tại California, nhưng rốt cuộc anh theo gia đình, đặt ống kính thu hình trên lãnh thổ nước Úc ...

Nhiều dự án làm phim truyện khác cũng đang được tiến hành tại Sydney và Melbourne, trong đó có phim truyền hình "Young Rock", kể lại thời niên thiếu của thần tượng Dwayne Johnson, từ khán đài đô vật thành diễn viên ăn khách. Về phần mình, ngôi sao màn bạc người Mỹ Julia Roberts quay cùng lúc hai tác phẩm khác nhau. Cô đóng phim thứ nhất với nam diễn viên Sean Penn, còn trong phim thứ nhì, cô tìm lại một bạn diễn quen thuộc là thần tượng điện ảnh George Clooney. 

Nhiều công ty bắt đầu hưởng lợi từ việc các hãng phim Mỹ lên kế hoạch làm việc tại Úc, trong đó có trường hợp của công ty "Fin Design", chuyên về công nghệ kỹ xảo điện ảnh và đồ họa vi tính. Theo giám đốc Chris Spry, chỉ trong 6 tuần lễ, công ty này đã nhận được hàng loạt đơn đặt hàng, số dự án ký kết trong chưa đầy 2 tháng lại cao gấp đôi so với toàn bộ các hợp đồng trong năm 2019. Cũng như các công ty khác tham gia vào các khâu sản xuất điện ảnh, công ty Fin Design dự trù tuyển dụng gấp bội số nhân viên thường trực so với năm ngoái, nhất là trong khâu thiết kế đồ họa. 

11 dự án phim đem về 300 triệu euro doanh thu

Môt cách tương tự, công ty Heliguy của Úc chuyên thực hiện các cảnh quay ngoạn mục trên không trung bằng drone, nhờ gắn hệ thống ống kính thu hình cực kỳ rõ nét trên các "máy bay" nhỏ tự động, có thể điều khiển từ xa. Công ty này đã dời cơ sở sản xuất đến một xưởng hoạt động lớn hơn nhằm mục đích sửa chữa và nâng cấp các loại máy móc. Tại cơ xưởng này, các chuyên viên Heliguy tự chế tạo các trang thiết bị cần thiết cho việc thu hình cũng như chuyển tải video hình ảnh từ không trung xuống mặt đất qua hệ thống ăng ten chứ không cần có dây cáp. 

Theo nhà sáng lập kiêm giám đốc công ty Guy Alexander, từng làm việc trên các bộ phim nổi tiếng trước đây như "Alien : Covenant" hay là "Mortal Kombat", sau một thời gian bị đình chỉ, các hoạt động của công ty lại được nhân lên gấp hai, gấp ba lần kể từ tháng 05/2020 trở đi. Điều đó phần lớn cũng nhờ vào các nỗ lực của giới chuyên ngành điện ảnh và truyền hình tại Úc đã hoàn tất kịp thời quyển "cẩm nang" bao gồm tất cả các quy định phòng chống dịch bệnh liên quan đến môi trường nghề nghiệp.  

Theo bà Kate Marks, giám đốc điều hành Ausfilm, cơ quan quảng bá nước Úc với các đoàn làm phim, ngoài việc khống chế đà lây lan của dịch Covid-19, nước Úc còn trở nên hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư và giới sản xuất phim ảnh. Vào tháng 07/2020, chính phủ đã thông qua việc chi thêm 400 triệu đô la Úc (tương đương với 260 triệu euro) để tài trợ các dự án làm phim. Nhờ vào khoản trợ cấp ưu đãi này mà nước Úc trở nên hấp dẫn đối với các nhà sản xuất phim quốc tế. Tính tổng cộng vào đầu năm 2021, có đến 11 dự án quay phim đến từ nước ngoài chủ yếu là Anh Mỹ được triển khai tại Úc do quốc gia này nổi tiếng là có nhiều nhân viên có tay nghề cao. Các dự án làm phim sẽ đem lại khoảng 300 triệu euro doanh thu cho nền kinh tế địa phương, do có khá nhiều ngành nghề phục vụ liên quan đến các khâu sản xuất điện ảnh.

Hãng phim Marvel có kế hoạch dời văn phòng sang Syney

Chính phủ Úc cũng hy vọng là nỗ lực đầu tư ban đầu sẽ đem lại nhiều kết quả bền lâu, giúp tạo thêm 12.000 việc làm trong thời hậu Covid-19. Kịch bản này tuy có phần lạc quan nhưng vẫn có thể thực hiện dễ dàng, nếu Úc tiếp tục trải "thảm đỏ" để thu hút các đoàn làm phim quốc tế. Theo tờ Daily Telegraph, hãng phim Marvel Studios, một trong những chi nhánh quan trọng nhất của tập đoàn Disney đang có ý định tạm thời di dời cơ sở hoạt động từ Atlanta sang thành phố Sydney, ít nhất là từ đây cho đến 5 năm tới. 

Tủ phim Marvel hiện đang nắm giữ các thương hiệu ăn khách nhất trong dòng phim "siêu anh hùng", từng đem về 19 tỷ euro doanh thu tại các rạp chiếu phim. Từ đây cho tới năm 2025, Marvel có tới 20 dự án khác nhau kể cả phim chiếu rạp và phim truyền hình nhiều tập trong giai đoạn thứ tư (Phase IV) của vũ trụ điện ảnh Marvel mở rộng. Sau khi buộc phải ngưng phần lớn các hoạt động trong năm 2020, tập đoàn Disney đã rút kinh nghiệm và muốn đưa các dự án phát triển này sang một môi trường làm việc thuận lợi, dễ dàng. Noi gương Disney, nhiều hãng phim khác cũng chọn giải pháp "ăn chắc mặc bền", bằng cách chọn những địa điểm quay phim bớt rủi ro hơn. Điều đó giải thích vì sao trong vài năm tới, tuy chưa hẳn là "Cơn sốt tìm vàng", nhưng nước Úc trong mắt Hollywood, vẫn là một miền đất hứa.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.