Vào nội dung chính
NGA - Ý

Vì sao gián điệp Nga hoạt động mạnh tại Ý ?

Ngày 30/03/2021, cơ quan an ninh Ý thông báo, một sĩ quan hải quân Ý đã bị bắt "quả tang" đang giao nhiều tài liệu mật cho gián điệp Nga. Theo nhật báo Le Figaro, khi thể hiện sự cứng rắn với Nga, thủ tướng Ý, Mario Draghi đã phần nào trấn an được đồng minh Hoa Kỳ.

"Farnesina", tên gọi bộ Ngoại Giao Ý tại Roma.
"Farnesina", tên gọi bộ Ngoại Giao Ý tại Roma. AFP - ANDREAS SOLARO
Quảng cáo

Sập bẫy

Cảnh tượng diễn ra chẳng khác gì như thời chiến tranh lạnh. Một công chức Nga, đầu đội mũ kết sụp đến mí mắt, đi vòng vèo nhiều đoạn tầu điện ngầm để hòa vào dòng người vô danh, rồi đi đến một bãi đỗ xe của siêu thị Carrefour tại Spinaceto, một vùng ngoại ô xa xôi bên ngoài thành Roma.

Một địa điểm mà không bao giờ một công chức nước ngoài nào đặt chân đến. Người đó đi mấy vòng, biết chắc là không bị theo dõi, rồi leo lên một chiếc xe ô tô, ở đó, một sĩ quan hải quân Ý đang đợi anh ta. Họ đổi cho nhau hai chiếc hộp thuốc tây nhỏ…

Và thế là, bing ! Những họng súng của « chiến dịch đặc biệt » bất ngờ xuất hiện và tịch thu món đồ tội phạm : Trong một hộp là một thẻ nhớ chứa đến 181 tài liệu được xếp diện « bí mật quốc phòng », còn chiếc kia là 5.000 euro.

Cái cách mà Walter Biot, 55 tuổi, thuộc văn phòng Bộ Tham Mưu, chụp ảnh màn hình máy vi tính, cuối cùng đã đánh thức mối ngờ vực từ các đồng nghiệp. Được báo động vào cuối năm 2020, cơ quan tình báo Ý và phản gián lặng lẽ theo dõi trong vòng nhiều tháng. Họ phát hiện ra rằng viên sĩ quan này thường xuyên gặp gỡ Dmitry Ostroukhov, một tùy viên quân sự của sứ quán Nga, tại Roma. Cho nên, cơ quan phản gián cho cài các thiết bị nghe lén trong xe viên sĩ quan này và ghi âm lại các cuộc nói chuyện cũng như là cuộc hẹn. Thứ Ba, 30/3, khi phát hiện người này đã đổi phương tiện cho cuộc hẹn sau cùng, các nhân viên mật vụ quyết định bắt cả hai người ngay "tại trận".

Con mồi

Cách nay 15 năm, đại úy hải quân Walter Biot từng chuyên trách hệ thống liên lạc trong các chiến dịch không quân, đặc biệt trên chiếc hàng không mẫu hạm Garibaldi. Năm 2008, Biot rời chiến dịch và trở thành tùy viên báo chí cho Bộ Tham Mưu, trước khi chuyển qua công tác tại văn phòng bộ Quốc Phòng.

Năm 2015, người này được chuyển sang bộ phận lập kế hoạch cho văn phòng Tổng Tham Mưu. Tại đây, Biot làm nhiệm vụ sắp xếp các tài liệu bảo mật về Ý cũng như là các đồng minh của Ý, và làm việc về quan hệ quốc tế trên phương diện quốc phòng.

Tuy chưa phải là ở cấp cao nhất, nhưng Biot cũng có thể thấy được nhiều vấn đề được chuyển qua. Nhất là những cam kết của NATO, Liên Hiệp Châu Âu và Liên Hiệp Quốc về những chiến dịch nhậy cảm tại những vùng chiến sự. Bị nợ ngập đầu, nuôi bốn con nhỏ, trong đó có một cô con gái bị tàn tật, trong khi vợ là một nhà tâm lý học, việc làm ít hơn vì Covid-19, Biot trở nên dễ bị dụ dỗ. Một con mồi ngon đối với Nga và họ tìm cách bắt liên lạc năm 2020.

Người ta không biết được Biot đã chuyển những gì cho tình báo Nga, nếu đó không phải là 9 tài liệu « tuyệt mật » và 47 hồ sơ thuộc diện « bí mật NATO ». Theo phía Mỹ, dường như đó là những giao thức liên lạc quân sự của NATO mà họ xếp thuộc diện có mức độ quan trọng thấp.

Viên quan chức Nga, vốn sở hữu đến 4 chiếc smartphone, dường như là một nhân viên tình báo chuyên nghiệp. Vụ việc chẳng có gì là giai thoại cả. Nếu ngược thời gian trở về năm 1989, thời điểm xảy ra sự cố nghiêm trọng nhất, thì đây không phải là vụ gián điệp đầu tiên tại Ý trong những năm gần đây.

Tháng 5/2016, một viên chức Bồ Đào Nha đã bị bắt khi đang trao tài liệu về NATO cho một quan chức Nga. Tháng 8/2019, giám đốc thương mại của hãng United Engine của Nga, Alexdander Korshunov, đã bị bắt theo yêu cầu của FBI vì tội làm gián điệp công nghiệp nhắm vào Avio Aero. Tháng 8/2020, một sĩ quan cao cấp Pháp, phục vụ tại bộ chỉ huy NATO ở Napoli, đã bị bắt tại căn cứ quân sự thành phố này, vì đã chuyển nhiều thông tin bí mật cho Matxcơva, để rồi bị kết án tù tại Pháp vì « làm gián điệp cho ngoại bang ». Hoạt động gián điệp của nước Nga thời Putin ngày càng lộ rõ.

Ý : Lá chủ bài của NATO

Thế nhưng nội dung vụ việc có lẽ ít quan trọng hơn so với thái độ chưa từng có của chính phủ Ý cho công khai hóa vụ gián điệp này. Việc bắt giữ viên sĩ quan Ý và trục xuất nhân viên Nga cùng với cấp trên của người này (các nhà ngoại giao không thể bị bắt) được tiết lộ nhanh chóng. Tương tự như việc triệu mời đại sứ Nga đến Farnesia – bộ Ngoại Giao Ý. Cũng như việc hủy chuyến thăm của đại sứ Nga đến San Marino, nơi người dân vùng này được tiêm ngừa bằng vac-xin Sputnik V.

Nếu như sự việc loan tải rộng rãi, chính là vì ông Mario Draghi muốn gây tiếng vang lớn. Tuy nhiên, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Ý (thủ tướng) cẩn trọng để không tự nói ra điều đó. « Thái độ thù nghịch này là cực kỳ nghiêm trọng », ngoại trưởng Ý Luigi Di Maio khẳng định. Không phủ nhận vụ dọ thám, nhưng « các tình tiết đang được điều tra », Matxcơva yêu cầu « sự cố sẽ không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ Nga – Ý », và cam kết sớm thông báo.

Không ai tin là sẽ có đoạn tuyệt bang giao với Nga, quốc gia mà Ý ve vãn ngay từ ngày nước Ý được thành lập. Ông Lucio Carracciolo, giám đốc tạp chí địa chính trị Limes, giải thích : « Chúng tôi luôn có một sự gần gũi về văn hóa và sự nhậy cảm với nước Nga ». Đây cũng là lý do vì sao tại Bruxelles, nước Ý luôn tỏ ra nhăn nhó phải trừng phạt Nga.

Dưới thời chính phủ thủ tướng Conte 1 và Conte 2, mối quan hệ giữa hai nước còn thêm phần chặt chẽ. Cách nay một năm, việc đưa lính Nga từ sân bay Pratica di Mare đến tận Bergame chứng minh tình liên đới Nga đối với các bệnh viện bị quá tải ở Lombardie, với khẩu hiệu « Tình yêu từ nước Nga » đã để lại ấn tượng mạnh trong tâm trí, trong khi châu Âu tỏ ra xơ cứng chưa biết thể hiện ra sao.

Trong bối cảnh này, thái độ cứng rắn của Roma đối với Matxcơva là động thái địa chính trị quan trọng. Mario Draghi muốn chứng tỏ với những người bạn Mỹ rằng thái độ nước đôi của chính phủ tiền nhiệm đã qua. Chẳng phải ông đã từng khẳng định chủ trương thân Mỹ trong bài diễn văn nhậm chức đó hay sao ? Mario Draghi vừa cung cấp bằng chứng cho điều đó.

Nhà địa chính trị Lucio Carracciolo giải thích tiếp : « Khi mọi việc trở nên tồi tệ, khi căng thẳng quốc tế gia tăng, nước Ý luôn đứng về phía Mỹ. » Lần này, điều đó đã được thể hiện. Chẳng cần phải kịch tính hóa vụ dọ thám, Washington đã thấy rõ thái độ cứng rắn của Draghi. Ông Lucio Carracciolo nói tiếp : « Bởi vì, cùng với vô số căn cứ quân sự của NATO, đặc biệt là tại Sicilia, những quả bom hạt nhân có hai tầng chỉ huy, và sự lệ thuộc lâu đời vào Hoa Kỳ, nước Ý đối với Washington vẫn là một lá chủ bài quan trọng cho NATO ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.