Vào nội dung chính
ANH - TRUNG QUỐC

Anh công bố chiến lược đối ngoại mới, với ''Ấn Độ-Thái Bình Dương'' là trọng tâm

Hôm nay, 16/03/2021, nước Anh công bố chiến lược đối ngoại, phát triển, an ninh, quốc phòng mới. Báo cáo chiến lược mới của nước Anh mang tên « Integrated Review », dài 100 trang, gọi Ấn Độ-Thái Bình Dương là một khu vực « đang ngày càng trở thành trung tâm địa chính trị của thế giới ». Theo ghi nhận của Reuters, tăng cường hợp tác với các đồng minh đối tác trong khu vực để kiềm chế Trung Quốc là một trung tâm trong chiến lược mới của Luân Đôn.

Thủ tướng Anh trong một cuộc họp báo tháng 12/2020 tại trụ sở chính phủ : Ảnh minh họa.
Thủ tướng Anh trong một cuộc họp báo tháng 12/2020 tại trụ sở chính phủ : Ảnh minh họa. AP - Heathcliff O'Malley
Quảng cáo

Báo cáo chiến lược của Anh nhấn mạnh đến việc cải thiện khả năng ứng phó với Trung Quốc, với tư cách « thách thức mang tính hệ thống » đối với « an ninh, thịnh vượng và các giá trị của nước Anh », cũng như của các đồng minh và đối tác của Anh. Trong điều chỉnh chiến lược được coi là lớn nhất của nước Anh kể từ sau chiến tranh Lạnh, với khu vực « Ấn Độ - Thái Bình Dương » là trọng tâm, Luân Đôn dự kiến sẽ tăng cường hợp tác với các quốc gia đồng minh và đối tác khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, để kiềm chế Trung Quốc. Bên cạnh Ấn Độ và Nhật Bản, chiến lược mới của Anh đặc biệt nhấn mạnh đến việc mở rộng hợp tác với « Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore và Philippines ». Luân Đôn dự kiến siết chặt quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh đến « vai trò trung tâm » của khối ASEAN trong việc bảo đảm « phát triển bền vững, thịnh vượng và ổn định ».

Sophia Gaston, giám đốc của nhóm tư vấn chính trị quốc tế British Foreign Policy Group, trụ sở tại Luân Đôn, lưu ý đến sự khác biệt giữa hai chính sách của Anh, với Nga và Trung Quốc. Nếu như Luân Đôn coi Nga là « một đối thủ chiến lược và quốc gia thù địch », thì « sự thống trị kinh tế và vai trò cụ thể của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế, với tư cách là ‘‘thách thức hệ thống’’ - đòi hỏi một khuôn khổ tiếp cận khác ». Chiến lược mới Anh coi các xâm phạm nhân quyền của Bắc Kinh là một thách thức hàng đầu, nhưng cũng cần thiết phải duy trì các hợp tác với Trung Quốc « trong các lĩnh vực khác – như kinh tế, biến đổi khí hậu hay giáo dục đại học ». Coi Trung Quốc vừa là « đối thủ cạnh tranh, đối thủ », nhưng cũng là « đối tác » tùy theo lĩnh vực, là điểm giống nhau giữa đường lối ngoại giao của Anh và Mỹ, như ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đưa ra mới đây.

Nhân dịp Anh công bố chiến lược ngoại giao mới, trả lời đài Times Radio, bộ trưởng Ngoại Giao Anh Dominic Raab thừa nhận những nỗ lực của Anh nhằm gây ảnh hưởng đến Bắc Kinh cho đến nay là không đáng kể và cho biết việc tăng cường hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực mang lại cơ hội tốt hơn để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận tuân thủ các quy tắc quốc tế đã thiết lập. Chính phủ Anh cho biết chuyến thăm của thủ tướng Boris Johnson đến Ấn Độ dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 4. Luân Đôn muốn đẩy mạnh hợp tác với đồng minh châu Á truyền thống này, để tăng cường « sức mạnh đối trọng » của khối các quốc gia dân chủ trong quan hệ với Trung Quốc.

Trong lĩnh vực quân sự, một trong các biện pháp chủ yếu, trong tài liệu về chiến lược đối ngoại và quốc phòng mới của Anh, được chú ý là Luân Đôn sẽ gia tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, từ 180 lên 260, tức tăng 45%.

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.