Vào nội dung chính
MẠNG XÃ HỘI - CHÍNH TRỊ

Mạng xã hội loại Donald Trump : Con dao hai lưỡi

Việc các công ty công nghệ kỹ thuật số gạt tổng thống Mỹ và nhiều người ủng hộ ông ra khỏi các mạng xã hội sau vụ tấn công đồi Capitol đã được hoan nghênh rộng rãi. Tuy nhiên nhiều câu hỏi lớn cũng đang được đặt ra xung quanh ảnh hưởng của những người khổng lồ của Thung lũng Silicon vào đời sống chính trị và các quyền tự do.

Hình minh họa. Sự lớn mạnh của các nền tảng kỹ thuật số có thể tác động sâu rộng đến chính trị trên nhiều khía cạnh.
Hình minh họa. Sự lớn mạnh của các nền tảng kỹ thuật số có thể tác động sâu rộng đến chính trị trên nhiều khía cạnh. Damien Meyer AFP/Archivos
Quảng cáo

Cuối tuần qua, một loạt các ứng dụng công nghệ số Twitter, Facebook, Snapchat, YouTube, Instagram, TikTok và Twich lần lượt quyết định loại tổng thống Mỹ ra khỏi các nền tảng của họ, kể cả cấm cửa vĩnh viễn. Họ cho rằng các thông điệp của tổng thống, nhất là trên Twitter, có nội dung kích động những người ủng hộ trung thành tràn vào tòa nhà Quốc Hội trên Đồi Capitol hôm 6 tháng Giêng vừa qua.

Các trừng phạt của những tập đoàn kkổng lồ công nghệ số không chỉ nhằm vào Donald Trump mà nhiều cử tri của tổng thống mãn nhiệm cũng đã trở thành những khách hàng không được chào đón của không gian mạng. Reddit và chat  Discord đã dẹp bỏ những diễn đàn thảo luận của những người theo Trump một cách cực đoan hô hào làm cách mạng và phản đối bằng mọi giá kết quả bầu cử tổng thống hôm 03/11.

Các nhà cung cấp dịch vụ mạng còn đi xa hơn, xóa sổ các ứng dụng như Parler hay alt-Twitter trên các phần tải ứng dụng cho các loại điện thoại thông minh iPhone hay sử dụng phần mềm Android.

Cuộc thanh lọc lớn trên mạng được dư luận Mỹ đón nhận như vừa trút được gánh nặng. Như vậy mối quan hệ « độc hại giữa Trump và mạng xã hội cuối cùng đã kết thúc », như kênh truyền hình CNN bày tỏ hôm thứ Bảy 09/01. Thậm chí nhà bình luận về công nghệ Mỹ Nick Bilton trên tạp chí Vanity Fair còn cho rằng cuộc tảy rửa mạng xã hội này « tới hơi muộn ».

Ngoài tính chất cơ hội của các quyết định trên, cuộc tấn công chớp nhoáng của các ông lớn Gafam (Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsft) nhằm vào phe của Trump cũng nảy ra « những câu hỏi thực sự về chính sách điều hành của các nền tảng trên và quyền lực thực sự mà các ông lớn công nghệ số tác động trong tranh luận công chúng », Konstantinos Komatis, giám đốc về chiến lược của Internet Society, một tổ chức phi chính phủ Mỹ chuyên xúc tiến phát triển interne, nhấn mạnh.

Quyền sinh quyền sát của công nghệ số

Việc Twitter và Facebook đóng các tài khoản của Donald Trump đã khiến ông mất tiếng. Người ta có thể vui mừng với điều đó, như tờ báo New York Time đã viết : « ngày cuối tuần đi qua không bị tràn ngập tweet của tổng thống thực sự dễ thở ».

Nhưng có điều đó cũng là một bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy giờ đây « các loại hình truyền thông có quyền thúc đẩy hay hạn chế một tác nhân chính trị trong môi trường công chúng », theo nhận xét của Lena Frischlich, chuyên gia về sức chống chịu dân chủ trong kỷ nguyên tuyên truyền của kỹ thuật số, thuộc đại học Munster (Đức) khi được France 24 phỏng vấn.

Quyền sinh quyền sát đối với phát ngôn của các lãnh đạo do các truyền thông xã hội định đoạt vẫn luôn tồn tại, nhưng thường không cảm nhận thấy.

Bởi vì các mạng xã hội Facebook và Twitter luôn tự cho mình là những nhà vô địch về tự do ngôn luận. Họ thà bị tố là buông lỏng còn hơn là bị quy kết là người kiểm duyệt,  trang mạng Silicon Republic ghi nhận trên một diễn đàn có tiêu đề : « Cấm Trump không phải là điều gì đáng hân hoan ».

Giờ đây các mạng xã hội này quay sang nhằm vào nhân vật lớn như Donald Trump, thì người ta không thể « thờ ơ trước quyền lực ảnh hưởng của các Gafam đối với đời sống chính trị », trên France 24, Frans Imbert-Vier, tổng giám đốc UBCOM, văn phòng chuyên các vấn đề bảo mật kỹ thuật số của Thụy Sĩ, nhấn mạnh. Bởi vì hành động kiểm duyệt đó là đơn phương không có cơ hội khiếu nại. Theo ông Frans Imbert-Vier thì đây chính là nút thắt của vấn đề : « Thẩm phán mới là người có quyền quyết định ai được nói và ai phải im miệng tùy theo luật pháp hiện hành. Nếu Twitter và Facebook phải chờ quyết định của tư pháp mới hành động thì không có vấn đề gì. Nhưng ở đây hệ thống dân chủ đã bị đảo lộn hoàn toàn bởi các nền tảng đó lại tự phong cho mình đặc quyền nhà vua, hạn chế tự do ngôn luận không chịu sự kiểm soát nào ».

Quả thực, các nhà mạng làm việc đó trong khuôn viên riêng của họ. Trên lý thuyết, các mạng cung cấp các dịch vụ thuộc các thực thể tư nhân, tự do ấn định các quy định điều chỉnh. Chính vì thế mà theo Konstantinos Komatis, được trích dẫn ở trên, thì quyết định của Amazon cắt nguồn với Parler còn đáng phê phán hơn vì vai trò của Amazon, về cơ bản là cung cấp dịch vụ, việc không hề có liên quan gì đến điều chỉnh nội dung ».

Trong trường hợp của các mạng xã hội, ngày càng trở nên khó để bảo vệ quyền tự mình làm cảnh sát khi mà rất nhiều thông điệp được các quan chức chính trị đưa lên mạng có tác động lớn đối với đời sống thực.

Các nhà chính trị gieo nhân nào gặt quả đấy

Ông Frans Imbert-Vier khẳng định như thế là « các nhà chính trị đang gặt những gì mà họ đã gieo ». Theo chuyên gia này, người Mỹ trong những năm 2000 đã để cho các cơ sở như thế lớn lên để bây giờ thoát khỏi sự kiểm soát của họ, bởi các nhà chính trị cho rằng đó là những công cụ hoàn hảo để khuếch trương thông điệp của họ và rằng không được có những quy định nào với các mạng xã hội.  

Khi  Mùa Xuân Ả Rập nổ ra, họ nhận ra rằng các vũ khí tuyên truyền đó có thể quay lại chống chính các nhà lãnh đạo, nhưng « đã quá muộn để lùi lại rồi », Frans Imbert-Vier nhận định và cho rằng các nền tảng truyền thông đó đã có ảnh hưởng quá lớn trên quy mô toàn cầu và nguy cơ bị tấn công đã trở nên qua lớn đối với phần đông các quan chức chính trị.

Đôi khi, như trường hợp của Donald Trump, các nền tảng đó cũng có những quyết định làm hài lòng số đông hơn. «  Nhưng sẽ ra sao nếu có ngày họ quyết định kiểm duyệt cả quan chức chính trị nào đó ít gây tranh cãi hơn ? », nhà đối lập Nga Alexei Navalny tự hỏi trên Twitter. Là người chỉ trích mạnh mẽ quyết định loại tổng thống Mỹ ra khỏi các mạng xã hội, nhà hoạt động Nga cho rằng « tiền lệ này sẽ có tác động sâu bởi nó sẽ được các kẻ thù của tự do ngôn luận khắp nơi trên thế giới khai thác. Mỗi khi muốn khóa miệng ai, như ở Nga chẳng hạn, người ta chỉ cần giải thích rằng  Twitter cũng đã làm điều đó với Donal Trump ».

(Theo France24.com)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.