Vào nội dung chính
CHÂU ÂU - NGÂN SÁCH

Châu Âu vẫn chưa thông qua được ngân sách và kế hoạch tái thiết

Ngân sách và kế hoạch tái thiết kinh tế hậu Covid của Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị bế tắc sau cuộc họp thượng đỉnh trực tuyến ngày hôm qua, 19/11/2020. Các thành viên Hungary, Ba Lan và Slovenia khăng khăng phủ quyết để phản đối việc phân bổ tài chính dựa trên các tiêu chí Nhà nước pháp quyền.

Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tham gia Thượng Đỉnh Liên Âu trực tuyến ngày 19/11/2020.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel tham gia Thượng Đỉnh Liên Âu trực tuyến ngày 19/11/2020. AFP - OLIVIER MATTHYS
Quảng cáo

Thông tín viên Pierre Bénazet ghi nhận từ Bruxelles:

Ba nước vẫn bác bỏ quyết định gắn việc tôn trọng Nhà nước pháp quyền với việc rót tiền từ ngân quỹ Châu Âu. Như lo ngại, cuộc họp thượng đỉnh ngày 19/11 đã không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng mới, trong khi thời gian đang cấp bách. Nhiều nước đang sốt ruột mong đợi tiền từ kế hoạch phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19 (750 tỷ euro) và từ ngân sách trong 7 năm (1100 tỷ).

Ngoài các nước chống đối như Hungary, Ba Lan và Slovenia ra, chỉ có chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, nước chủ tịch luân phiên của EU, phát biểu. 

Do vậy 27 nước thành viên quyết định sẽ tranh luận vấn đề này tại cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới. Điều có thể thấy rõ là các cuộc họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến tỏ ra không có hiệu quả để tháo gỡ khủng hoảng.

Trong khi đó, phần lớn các nước của Liên Hiệp đã trình Ủy Ban Châu Âu dự án mà họ hy vọng có được nguồn tiền từ châu Âu. Tuy nhiên, điều đó cũng không tiên liệu được là vấn đề ngân sách châu Âu cũng như kế hoạch tái thiết kinh tế sẽ được khai thông nhanh chóng.

Hai kịch bản thoát khỏi khủng hoảng: trước hết là có sự bảo đảm, chẳng hạn trong trường hợp kiện cáo vì bị ngừng cấp vốn của châu Âu. Một số nước như Pháp hay Hà Lan nghĩ đến khả năng soạn thảo một kế hoạch tái thiết giới hạn trong một nhóm nước tình nguyện. Nhưng việc này cũng cần có các cuộc đàm phán mới. Còn hồ sơ ngân sách thì vẫn bế tắc vì cần phải có đồng thuận của 27 nước.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.