Vào nội dung chính
THỔ NHĨ KỲ - HY LẠP

Châu Âu phản đối Thổ Nhĩ Kỳ đưa tàu thăm dò trở lại Đông Địa Trung Hải

Ankara thông báo đưa tàu thăm dò địa chất Oruc Reis trở lại hoạt động trong vùng Đông Địa Trung Hải từ “12 đến 20 tháng 10”. Athens và Paris coi quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ là bước “leo thang nghiêm trọng” đe dọa hòa bình khu vực.

Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis đang di chuyển về phía đông Antalya ở Địa Trung Hải. Ảnh do bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 12/08/2020.
Tàu thăm dò địa chấn Oruc Reis đang di chuyển về phía đông Antalya ở Địa Trung Hải. Ảnh do bộ Quốc Phòng Thổ Nhĩ Kỳ công bố ngày 12/08/2020. TURKISH DEFENCE MINISTRY/AFP
Quảng cáo

Hôm nay, 13/10, ngoại trưởng Đức Heiko Maas kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ “chấm dứt gây căng thẳng và khiêu khích” tại Đông Địa Trung Hải, nơi Ankara vừa đưa trở lại tàu thăm dò khai thác khí đốt, có nguy cơ làm dấy lên khủng hoảng với Hy Lạp. Hôm nay, lãnh đạo ngoại giao Đức đã tới Hy Lạp và Chypre để thảo luận về vấn đề này.

Berlin hiện đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không nên bằng các quyết định đơn phương đóng cánh cửa đối thoại với Hy Lạp vừa được mở ra cách đây không lâu.

Hôm qua, Hy Lạp đã lên tiếng coi quyết định khởi động lại nghiên cứu địa chấn trong Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ là bước “leo thang nghiêm trọng” đe dọa hòa bình khu vực. Trong khi đó, Paris ngỏ ý hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng cam kết, không gây thêm khiêu khích và thể hiện rõ thiện chí đối thoại, theo tuyên bố hôm qua của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Pháp, bà Agnès von der Muhll.

Diễn biến mới này sẽ được đề cập đến trong cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu EU vào thứ Năm và thứ Sáu tới tại Bruxelles.

Sau gần một tháng hoạt động, giữa tháng 9 tàu thăm dò Oruc Reis đã về bờ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khi đó đã tuyên bố việc rút tàu về để tạo cơ hội cho thương lượng ngoại giao. Nhưng lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ giải thích thêm, tàu Oruc Reis về bờ chỉ để bảo trì như dự kiến và sẽ quay trở lại hoạt động trong Địa Trung Hải.

Châu Âu cũng đã nỗ lực thúc đẩy Athens và Ankara thương lượng trong tháng trước để tháo ngòi nổ khủng hoảng. Đầu tháng 10, trong một cuộc họp thượng đỉnh, EU dọa sẽ trừng phạt Ankara nếu Thổ Nhĩ Kỳ không chấm dứt các hoạt động thăm dò địa chất trong các vùng biển mà Hy Lạp và Chypre đòi chủ quyền. Quyết định vừa rồi sẽ càng làm quan hệ Ankara- Bruxelles thêm căng thẳng.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.