Vào nội dung chính
ĐÔNG ĐỊA TRUNG HẢI - KHÍ ĐỐT

Đông Địa Trung Hải : Khí đốt có mang lại sự thịnh vượng ?

Khu vực Đông Địa Trung Hải từ lâu nay đã chứng kiến nhiều xung đột. Việc chưa xác định được chủ quyền rõ ràng đối với nguồn khí đốt lớn được phát hiện từ năm 2009 tại đây có thể làm thay đổi các liên minh và gây ra những căng thẳng địa chính trị nghiêm trọng trong khu vực.

(Ảnh minh họa) – Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải : Hải quân Hy Lạp tập trận trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, ngày 25/08/2020.
(Ảnh minh họa) – Căng thẳng ở Đông Địa Trung Hải : Hải quân Hy Lạp tập trận trong bối cảnh tranh chấp lãnh hải với Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng, ngày 25/08/2020. AP - Uncredited
Quảng cáo

Đông Địa Trung Hải, vùng biển giàu khí đốt

Hồi năm 2013, giám đốc Trung Tâm An Ninh Năng Lượng Và Tài Nguyên Châu Âu (Eucers) tại King’s College, Luân Đôn, cựu bộ trưởng Quốc Phòng Đức, Friedbert Pflüger, nhận định, những mỏ khí đốt được phát hiện ở Đông Địa Trung Hải từ năm 2009 "có khả năng làm thay đổi lịch sử, mang lại sự thịnh vượng cho Israel, Chypre và Thổ Nhĩ Kỳ hoặc nhấn chìm khu vực vốn đang phải chứng kiến cuộc xung đột Thổ Nhĩ Kỳ - Chypre và chiến tranh Syria vào một cuộc khủng hoảng nặng nề hơn".

Sự phát triển của công nghệ khoan ở vùng nước sâu và rất sâu, cùng với sự kiên trì của một số công ty dầu khí, đã giúp các nước có thể tiếp cận được những khu vực trước đây chưa từng được khám phá. Tuy nhiên, sự khai thác hiệu quả những nguồn khí đốt này sẽ phụ thuộc vào việc thiết lập được sự cân bằng địa chính trị vốn rất phức tạp trong khu vực trải từ Chypre đến Ai Cập, qua Liban, Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine.

Mỏ khí đốt ngoài khơi phía nam đảo Chypre là một phát hiện đầy hứa hẹn hồi năm 2011, thế nhưng việc khai thác ồ ạt các mỏ khí này vẫn chưa được bắt đầu. Kể từ cuộc xâm lược của Thổ Nhĩ Kỳ năm 1974, đảo Chypre bị chia thành hai thực thể : phía nam là Cộng hòa Chypre, được Hy Lạp ủng hộ và là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu, còn phía bắc là Cộng hòa Chypre phương Bắc Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ được chính quyền Ankara công nhận. Những người lạc quan nhất, cũng như các công ty dầu mỏ, hy vọng là các triển vọng phồn vinh sẽ khuyến khích hai bên đạt được một thỏa thuận, sau thất bại của cuộc trưng cầu dân ý cuối cùng vào năm 2004 về việc thống nhất hòn đảo. Thế nhưng, điều ngược lại đã xảy ra, và căng thẳng đã gia tăng nghiêm trọng giữa chính quyền Nicosie và Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ không ngừng tăng cường các hành động nhằm ngăn cản Chypre khai thác các nguồn tài nguyên này.

Thực ra, các mỏ khí ga được phát hiện không nằm gần Thổ Nhĩ Kỳ mà ở dưới phía nam, ngoài khơi đảo Chypre. Nhưng theo giải thích của Alessandro Bacci, cố vấn tại IHS Markit, một trong những công ty tư vấn lớn nhất về dầu lửa và khí đốt, "Thổ Nhĩ Kỳ không tìm thấy trữ lượng đáng kể nào trong vùng biển của mình. Vì vậy, Ankara tìm cách mở rộng vùng đặc quyền kinh tế, với hy vọng tìm thấy khí đốt và để duy trì ảnh hưởng trong khu vực".

Từ lĩnh vực khí đốt, cuộc đối đầu lan sang cả lĩnh vực địa chính trị 

Tổng thống Recep Erdogan không còn che giấu tham vọng của mình ở Địa Trung Hải, tin rằng đất nước Thổ Nhĩ Kỳ "đủ mạnh về chính trị, kinh tế và quân sự để xé bỏ các bản đồ và tài liệu vô đạo đức", như ông đã nhấn mạnh vào đầu tháng 9, ý nói đến Hiệp ước Lausanne năm 1923, xác định biên giới hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ mà Ankara phản đối. Một học thuyết quân sự khác thịnh hành ở Thổ Nhĩ Kỳ mang tên "Tổ Quốc Biển Xanh", đòi mở rộng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ ra một vùng biển rộng lớn bao gồm Biển Đen, Biển Egée và Đông Địa Trung Hải. Theo thuyết bành trướng của Ankara, Hy Lạp bị coi là "quốc gia chiếm đóng" các đảo Dodecanese và hai hòn đảo khác ở Địa Trung Hải.

Các đòi hỏi của Thổ Nhĩ Kỳ không còn giới hạn trong việc chia sẻ tài nguyên, mà còn liên quan đến các đảo của Hy Lạp, việc phi quân sự hóa các hòn đảo này và phân chia lại thềm lục địa. Theo Thierry Bros, giáo sư tại Sciences Po, trong bối cảnh các bên liên quan không đạt được thỏa thuận về biên giới trên đất liền và trên biển, không ai dám khai thác khí đốt của Chypre. Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Chypre đều cần các công ty dầu khí sẵn sàng đầu tư vài tỷ đôla để xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết. Nhưng tình hình hiện giờ là bất lợi : hầu như tất cả các công ty trong lĩnh vực này đều tạm ngưng các dự án do tác động của cuộc khủng hoảng Covid-19. Căng thẳng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng làm nguội bầu nhiệt huyết của các nhà đầu tư. Trong khi đó, thị trường khí đốt thế giới, vốn có tính cạnh tranh rất cao, lại không cần nguồn cung ứng bổ sung ngay lập tức.

Cơ hội nào cho Cộng hòa Chypre ?

Về phía Chypre, cho dù chính quyền Nicosie lâu nay hy vọng có thể thu lợi từ các mỏ khí đốt Aphrodite và Calypso ở Đông Địa Trung Hải, nhưng tình hình khá phức tạp. Theo cơ quan tư vấn Wood Mackenzie, sớm nhất thì cũng phải đến năm 2027 Chypre mới có thể xuất khẩu được khí đốt. Và để làm như vậy, Chypre phải tìm được cách vận chuyển khí đốt hoặc sang Ai Cập, hoặc sang châu Âu. Trong khi đó, Ankara lại có khả năng cản trở các dự án đường ống dẫn khí đốt.

Dự án có nhiều tiến triển nhất hiện nay là EastMed được Hy Lạp, Chypre và Israël ủng hộ, quảng bá nhưng lại đi qua những vùng biển mà Ankara đòi chủ quyền. Vì thế, đường ống dẫn khí đốt dài 1.900 km này sẽ ít có cơ hội được hoàn thành. Đó là chưa kể châu Âu hiện nay không thiếu nguồn cung ứng khí đốt và mức tiêu thụ khí ga đang giảm. Hồi tháng 12/2019, Liên Âu đã cam kết đến năm 2050 sẽ đạt mục tiêu trung hòa carbon, điều này có nghĩa là việc tiêu thụ khí đốt sẽ còn giảm mạnh. Từ góc độ kinh tế, tính hữu dụng của một đường ống dẫn khí đốt như vậy là còn nhiều điều chưa chắc chắn.

Đòn bẩy cho quan hệ hợp tác Israel và Ai Cập ?

Ván bài khí đốt đã khiến quan hệ Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đi, nhưng lại là đòn bẩy bất ngờ cho quan hệ hợp tác giữa Israel và Ai Cập. Mặc dù Israel có nhiều mỏ khí đốt nhưng không phát triển được cơ sở hạ tầng để điều chế nhiên liệu. Ai Cập không có nhu cầu nhập khí đốt của Israel để sử dụng trong nước nhưng là để hóa lỏng rồi xuất khẩu ngược trở lại cho Israel. Cho dù lượng khí đốt trao đổi không nhiều nhưng quan hệ hợp tác như vậy đều có lợi cho đôi bên. Tel Aviv còn hy vọng có thể một lần nữa sử dụng khí đốt làm cầu nối với thế giới Ả Rập.

Tuy nhiên, rất có thể các dự án khí đốt, cũng như chiến thuật của các nước có liên quan ở Đông Địa Trung Hải, sẽ đi vào ngõ cụt do những thách thức lớn trong những thập niên tới về vấn đề biến đổi khí hậu. Dự án xuất khẩu ồ ạt khí đốt của các nước này sẽ không tương thích với lộ trình hạn chế mức tăng nhiệt độ của thỏa thuận khí hậu Paris 2015, một thỏa thuận có rất nhiều ràng buộc và tất cả các nước thành viên Diễn đàn khí đốt Đông Địa Trung Hải đều đã đặt bút ký …

(Theo Le Monde)

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.